Huyện lúa Lệ Thủy tập trung ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp

17/06/2021 17:44 GMT+7

Là một huyện thuần nông của tỉnh Quảng Bình, được mệnh danh “vựa lúa” của tỉnh, ngoài những mục tiêu như du lịch, thì H.Lệ Thủy ngày càng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Mô hình nuôi cá chình kỹ thuật cao ở xã Thanh Thủy

Mô hình nuôi cá chình kỹ thuật cao ở xã Thanh Thủy

Theo Chương trình hành động được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành, thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục đích nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của cả 3 vùng: đồng bằng; miền núi, gò đồi và vùng biển, ven biển.
H.Lệ Thủy đặt mục tiêu: giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 5 - 5,5%/năm. Cụ thể, đến năm 2025, diện tích cánh đồng lớn trồng lúa đạt trên 4.000 ha, canh tác SRI 3.000 ha, rau màu tập trung trên 1.100 ha; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đạt trên 300 ha. Hình thành 1 - 2 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Xây dựng 3 - 5 trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Toàn huyện có từ 70 - 100 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ tưới Isarel, nhà màng, nhà lưới... Có 3 - 5 doanh nghiệp, HTX được công nhận ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí quy định.
Để đạt được, Lệ Thủy nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo đồng bộ của chính quyền các cấp; sự phối hợp của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể; sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, trang trại, nông hộ.
Vì vậy, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đưa ra nhiều giải pháp, như thành lập bộ máy chỉ đạo từ huyện đến cơ sở. Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức xã hội và người nông dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đẩy mạnh hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách khuyến khích để hình thành và liên kết các vùng chuyển đổi. Tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nông dân xã Dương Thủy thu hoạch sả để chế biến dược liệu

Nông dân xã Dương Thủy thu hoạch sả để chế biến dược liệu

Tiếp đó là xác định cụ thể nhóm cây trồng chính của huyện để thực hiện chuyển đổi theo hướng năng suất, chất lượng. Những vùng thích hợp các giống lúa cao sản hoặc giống lúa thuần siêu năng suất cho sản lượng cao, chất lượng cao thì phát triển vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu “gạo sạch Lệ Thủy”. Đưa các loại giống trung, ngắn ngày có năng suất, chất lượng vào sản xuất nhằm rút ngắn lịch thời vụ tiến tới sản xuất 2 vụ (đông xuân, hè thu) trên 70% diện tích.
Đối với diện tích trồng lúa kém hiệu quả thì thực hiện chuyển đổi sang các mô hình như: trồng sen, đậu, đỗ các loại hoặc chuyển sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đồng thời xây dựng các mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch trải nghiệm.
Đối với rau màu, khoai lang thì phát triển vùng sản xuất tập trung an toàn theo hướng VietGAP thuộc các xã vùng QL.1 và một số diện tích ở 2 xã ven biển.
Và một yếu tố được Lệ Thủy xem then chốt là thực hiện tốt việc chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; xem đây là nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị.
“Một vấn đề quan trọng nữa được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định đó là tiếp tục đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; nhất là liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, rau màu và các sản phẩm cây trồng khác để giải quyết đầu ra cho sản phẩm”, Chủ tịch UBND H.Lệ Thủy Đặng Đại Tình chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.