Thu hút đầu tư: ‘Hút’ tư nhân đầu tư văn hóa - thể thao

10/09/2020 08:00 GMT+7

TP.Đà Nẵng được xác định là trung tâm văn hóa - thể thao lớn của khu vực và cả nước, nhưng hiện cả 3 thành tố thiết chế, con người, kinh phí chưa phát triển bền vững. Tư nhân cũng chưa ‘mặn mà’ đầu tư, vì sao?

Sân tập golf bỏ hoang vừa được doanh nghiệp đầu tư 20 tỉ đồng để phát triển

Sân tập golf bỏ hoang vừa được doanh nghiệp đầu tư 20 tỉ đồng để phát triển

Ảnh: Nguyễn Tú

Vài năm gần đây, ngân sách cũng như chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa thể thao (VH-TT) được TP.Đà Nẵng khuyến khích, nhưng hiệu quả chưa cao. Theo HĐND TP.Đà Nẵng, ngân sách chi cho VH-TT tăng từ 4% lên 7,2% trong tổng chi thường xuyên; quỹ đất dành cho cơ sở văn hóa tăng từ 31ha (năm 2016) lên hơn 213ha (năm 2020), quỹ đất thể thao tăng từ 214ha lên trên 285ha. Các lô đất tái định cư còn trống cũng có chủ trương gộp thành những lô đất lớn, trong đó ưu tiên cho mục đích công cộng, thiết chế VH-TT. Tuy nhiên, việc đầu tư thiết chế VH-TT cơ sở còn chậm, thiếu đồng bộ do kinh phí hạn chế, có “vỏ” nhưng thiếu “ruột”. Nhiều trung tâm văn hóa chủ yếu được đầu tư hạng mục kiến trúc, chưa có trang thiết bị chuyên dùng… ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.Đà Nẵng, nhận định do thiếu kinh phí nên việc đầu tư giống như chỉ để… giữ đất, chưa hoạt động hiệu quả.

“Không thể thu lợi nhuận ngay”

Để tháo gỡ, ông Trần Chí Cường đề nghị ngành văn hóa chỉ đầu tư ngân sách đối với những thiết chế mà tư nhân không thể làm và phải đồng bộ, còn những cơ sở tư nhân đầu tư được thì tạo điều kiện.
Theo ông Lê Minh Trung, Phó chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, mặc dù khuyến khích chủ trương xã hội hóa nhưng 3 năm qua chưa có dự án nào của tư nhân được đầu tư quy mô, bài bản, hiệu quả. Nguyên do cũng vì hạn chế về cơ chế, nhất là đấu thầu, đấu giá đất đẩy chi phí lên cao, nhà đầu tư khó có lợi nhuận. Do đó, có thực trạng nhiều khu đất VH-TT còn trống nhưng chỉ để cho thuê làm kho bãi hoặc lãng phí. Như sân tập golf công viên Thanh Niên đầu tư hàng chục tỉ đồng từ ngân sách nhưng bỏ hoang nhiều năm. Theo ông Nguyễn Trọng Thao, Phó giám đốc Sở VH-TT, để “giải cứu” sân tập golf, ngành đã kêu gọi được nhà đầu tư thuê lại với giá 2,4 tỉ đồng/năm, hoạt động từ quý 1 năm 2020 nhưng có lẽ phải cần nhiều hỗ trợ sắp đến để tồn tại. Dù tạo điều kiện “mở hết mức” đối với tư nhân đầu tư VH-TT, nhưng hiện vướng nhiều thứ, nhất là các quy định quản lý tài sản công, tài chính...
Sở VH-TT cũng đang đàm phán với một số doanh nghiệp để cho thuê 20ha xã hội hóa đầu tư một tổ hợp thể thao giải trí nằm trong Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân. Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân đã được TP.Đà Nẵng đầu tư (129ha) nhưng hiện tiến độ còn chậm, nhiều bộ môn phải “ở nhờ” tại sân vận động Chi Lăng. Trung tâm Văn hóa điện ảnh ở 84 Hùng Vương (Q.Hải Châu), giờ cũng nhường chỗ cho dự án cao ốc, hiện cũng “ở nhờ” Trung tâm Hội chợ triển lãm. Tương tự, dự án Khu phức hợp nghệ thuật xiếc được TP.Đà Nẵng bố trí 3,7 ha tại công viên Thanh Niên cũng đang thiếu vốn, dự định đưa về Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân.
Trong khi đó, ông Đàm Quang Việt, Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và dịch vụ Golf Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã đầu tư hơn 20 tỉ đồng cho các hạng mục mới và mua sắm trang thiết bị tiêu chuẩn, chấp nhận cầm cự, lỗ trong 1-2 năm đến với kỳ vọng thúc đẩy phong trào golf phát triển. “Nếu thành phố quyết tâm phát triển các bộ môn thể thao bền vững, lâu dài thì hỗ trợ doanh nghiệp giảm tiền thuê đất, để doanh nghiệp bám trụ. Bởi đầu tư VH-TT xác định là dài hạn chứ không thể thu lợi nhuận ngay”, ông Việt nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.