Thương hiệu HTX

16/12/2019 08:00 GMT+7

Các nhóm sản phẩm chủ lực của hợp tác xã (HTX) ở TP.Đà Nẵng vừa “trình làng” tại Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng 2019 hồi đầu tháng 12 cho thấy sự phong phú về sản phẩm và những câu chuyện gầy dựng thương hiệu nghiêm túc.

Đặc sản địa phương

Ít nhất 5 nhóm sản phẩm chủ lực (rau hoa củ quả, hải sản, nấm linh chi, gạo hữu cơ, thủ công mỹ nghệ) của các HTX trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã khẳng định được thương hiệu. Hiệu quả và ấn tượng phải kể ngay đến HTX sản xuất rau an toàn La Hường (Q.Cẩm Lệ). Giám đốc Trần Văn Hoàng cho biết HTX các hộ thành viên sản xuất tập trung trên diện tích hơn 9 ha đất bồi dọc sông Cẩm Lệ, sản phẩm được tư thương đặt và bao tiêu tại chỗ. HTX xác định thế mạnh chủng loại rau sản xuất, nhất là gần 2 ha giống rau muống nước trồng trên cát, bình quân thu về 1,6 tỉ đồng/năm. Ớt xanh La Hường cũng là đặc sản địa phương với giống thuần chủng, chỉ trồng vụ duy nhất trong năm với sản lượng 7 tấn/ha.
Vùng ven Đà Nẵng đang định hình phát triển rau củ quả, như ở địa bàn Hòa Vang với HTX dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan, HTX rau hoa củ quả Hòa Vang. Nhiều sản phẩm đặc trưng khác cũng tạo dấu ấn. Về hải sản, phải kể đến làng nghề truyền thống Nam Ô (sản phẩm của HTX chế biến nước mắm Ô Long) và các HTX khác ở Q.Liên Chiểu, Q.Sơn Trà (HTX mắm Bình Minh, HTX chế biến nông lâm ngư nghiệp Sơn Trà, HTX Mặt trời Việt). Nhiều HTX được hỗ trợ để phát triển đặc sản địa phương như nấm giống, nấm thương phẩm của các HTX nấm Khuê Mỹ, Nhơn Phước…
Vừa phát triển thương hiệu vừa tạo việc làm cho lao động địa phương đang là điểm mạnh của HTX mây tre An Khê, với 3 phân xưởng và 150 lao động. Sản phẩm chủ lực của HTX làm từ song mây, xuất khẩu 40%. “Vì lượng song mây ngày càng hiếm nên HTX hướng đến nâng tầm chất lượng sản phẩm thiết yếu phục vụ nhà hàng, khách sạn, resort…”, ông Trần Bá Tượng, Chủ tịch HĐQT HTX mây tre An Khê nói.
Giới thiệu sản phẩm rau an toàn La Hường (Ảnh: An Dy)

Giới thiệu sản phẩm rau an toàn La Hường

Ảnh: An Dy

Định vị thương hiệu tiêu chuẩn

Nhưng để phát triển và ổn định thương hiệu, các HTX phải sản xuất theo các chuẩn nhất định, được cấp chứng nhận chuẩn để định vị thương hiệu đối với người tiêu dùng. Các chứng chỉ chăn nuôi, trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, thậm chí chuẩn quốc tế, được các HTX đặc biệt quan tâm. Vai trò kết nối của Liên minh HTX TP.Đà Nẵng cũng được khẳng định thông qua kết nối các tổ chức, cơ sở cấp chứng nhận, kiểm định.
Như tại HTX sản xuất rau an toàn La Hường, nhiều năm qua các sở, ngành và Liên minh HTX TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ thông tin, giúp kết nối với các đối tác hỗ trợ kiểm định chất lượng để khẳng định thương hiệu. “Hiện tại, HTX sản xuất rau an toàn La Hường và nhiều HTX khác trong Liên minh HTX nhận hỗ trợ từ dự án cùng giám sát lẫn nhau của Bỉ. Khi chúng tôi sản xuất đúng quy trình, quy chuẩn cam kết sẽ được cấp giấy chứng nhận của Bỉ, đủ điều kiện rau an toàn, hỗ trợ tập huấn kiến thức, chuyển đổi công nghệ”, Giám đốc Trần Văn Hoàng nói.
Sản phẩm gạo hữu cơ ở H.Hòa Vang cũng được Liên minh HTX TP.Đà Nẵng hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu. Sản phẩm chủ lực của HTX sản xuất tại xã Hòa Phước, thu hút hơn 200 hộ dân tham gia trên diện tích chỉ khoảng 30 ha, sản lượng bình quân 60 tạ/ha. Ông Nguyễn Đức Xu, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Hòa Phước, nói: “Chúng tôi đang cần hỗ trợ để kết nối xây dựng thương hiệu, nhân rộng ra các thôn trên địa bàn xã”.
Ông Tôn Thất Uyên, Phó chủ tịch Liên minh HTX TP.Đà Nẵng, cho hay bên cạnh việc hỗ trợ HTX cung ứng dịch vụ cho thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, Liên minh HTX TP.Đà Nẵng còn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên. “Liên minh HTX đóng vai trò là người đại diện, can thiệp kịp thời giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của thành viên, cũng là cầu nối kiến nghị đến chính quyền những vấn đề, chính sách chưa phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên phát triển”, ông Uyên khẳng định.
Một số sản phẩm chủ lực khác của HTX ở Đà Nẵng (Ảnh: An Dy)

Một số sản phẩm chủ lực khác của HTX ở Đà Nẵng

Ảnh: An Dy

Hành trình khởi nghiệp

Dù vừa được tư vấn thành lập, nhưng HTX sản xuất và tiêu dùng Phúc Lạc do chị Nguyễn Thị Loan (37 tuổi) làm giám đốc đã nhanh chóng mở rộng thị trường vào các tỉnh phía nam. Ít ai biết, thương hiệu snack rong biển Đại Dương do chị tự tay gầy dựng hơn 5 năm qua.
Chị Loan ăn chay và có tình yêu đặc biệt với các sản phẩm làm từ rong biển. Ấp ủ ước mơ gầy dựng thương hiệu rong biển ăn liền phục vụ du khách, năm 2014 chị khởi nghiệp với sản phẩm rong biển sấy khô. Con đường khởi nghiệp không hề suôn sẻ. Chị vay mượn, gom góp gần 500 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy rang sấy, đóng gói nhưng do thiếu kinh nghiệm, sản phẩm chưa đạt chuẩn nên thời gian đầu chị lỗ hàng trăm triệu đồng. Sau gần 1 năm kiên trì nghiên cứu quy trình chế biến, thử nghiệm…, cuối cùng snack rong biển Đại Dương đã thành công.
Chị Nguyễn Thị Loan (bên phải) giới thiệu sản phẩm snack rong biển Đại Dương (Ảnh: An Dy)

Chị Nguyễn Thị Loan (bên phải) giới thiệu sản phẩm snack rong biển Đại Dương

Ảnh: An Dy

Chị muốn làm ra món snack rong biển đậm đà, hơi cay nhẹ theo khẩu vị của người miền Trung để cạnh tranh với vị ngọt công nghiệp ở rong biển các nước nhập khẩu vào VN. “Bên cạnh tiêu chí ăn là ngon, còn phải khiến người tiêu dùng an tâm khi chọn, an lành khi ăn”, chị chia sẻ. Hiện snack rong biển Đại Dương có mặt ở gần 600 điểm bán tạp hóa nhỏ lẻ, siêu thị mini, quán chay… ở TP.Đà Nẵng và các tỉnh, thành miền Trung, mang lại nguồn thu hơn 1 tỉ đồng/tháng. Nhưng chị đang muốn thay đổi hiện trạng sản xuất nhỏ theo kiểu truyền thống, dự tính vay vốn, đầu tư công nghệ sản xuất tự động với chi phí hơn 3 tỉ đồng để nâng công suất lên gấp 5 - 6 lần.
HTX sản xuất giống và nuôi trồng nấm An Hải Đông cũng từng trải qua quá trình gầy dựng thương hiệu vừa nghiêm túc vừa… vất vả. Để có được thương hiệu đi đầu trong lĩnh vực trồng nấm ở một địa phương, theo bà Nguyễn Thị Hoa, Phó giám đốc HTX, điều quan trọng nhất là luôn giữ chất lượng ổn định, các thành viên quán xuyến lẫn nhau, hỗ trợ không mắc sai sót. Khoảng 40 thành viên đã “cần mẫn” xây dựng thương hiệu mạnh suốt gần 20 năm qua, để HTX xác lập thế mạnh về nấm giống, nấm thương phẩm (nấm sò, nấm mèo, nấm linh chi, nấm bào ngư). Ở thời điểm cung ứng đỉnh cao của HTX cho các chợ truyền thống, siêu thị ở miền Trung, sản lượng có khi lên đến hàng chục tấn/tháng. “Giờ HTX lại đối mặt với khó khăn khác như tính cạnh tranh khi nấm được sản xuất mở rộng ồ ạt, mặt bằng cùng bị thu hẹp và chật chội chứ không như mấy chục năm trước”, bà Hoa nói.
Kết nối cung cầu sản phẩm
Trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng 2019, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu sản phẩm HTX (do Liên minh HTX TP.Đà Nẵng phối hợp với Sở Công thương tổ chức), hơn 80 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia và có 5 biên bản ghi nhớ được ký kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác. Không chỉ giới thiệu sản phẩm của 5 nhóm chủ lực, đây là dịp để các doanh nghiệp, HTX, siêu thị… chia sẻ kinh nghiệm về quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản.
P.V
Hỗ trợ HTX và sản phẩm tiêu biểu
Năm 2019, từ nguồn ngân sách TP.Đà Nẵng, thông qua kênh của Liên minh HTX TP.Đà Nẵng đã có 30 HTX được hỗ trợ tham gia các hội chợ trong và ngoài thành phố, 6 HTX được hỗ trợ xây dựng truy xuất nguồn gốc sản phẩm (tổng kinh phí 470 triệu đồng). Ngoài ra, còn có một số khoản hỗ trợ khác như: thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm; tổ chức nghiên cứu, học tập kinh nghiệm mô hình HTX tiêu biểu… Riêng Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã giải ngân 3,6 tỉ đồng cho các HTX vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt ngày 23.5, giai đoạn 2019 - 2025 địa phương lựa chọn, củng cố, hỗ trợ phát triển ít nhất 26 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác) gắn với 26 sản phẩm tham gia OCOP.
H.X.H
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.