(TNO) Các nhà khoa học Anh đã mất đến 10 năm để tạo ra bản đồ Dải Ngân hà chi tiết nhất thế giới.
Nếu nhìn từ Trái đất, Dải Ngân hà trông giống như một quầng sáng trải rộng khắp bầu trời đêm, và qua nhiều thế kỷ, con người luôn nỗ lực khám phá cũng như giải thích những những vật thể cấu thành nó.
Giờ đây, các nhà thiên văn học đã xoay xở để lập bản đồ gồm 219 triệu ngôi sao trong Dải Ngân hà, được xác định là bản đồ lớn nhất thuộc dạng này từng được thiết lập.
Theo Space.com, các chuyên gia của Đại học Hertfordshire (Anh) đã dành khoảng 10 năm cho bản đồ trên, dựa vào mặt kính bề ngang 2,5 m tại đài quan sát Isaac Newton (INT) ở quần đảo Canary (thuộc Tây Ban Nha).
Bản đồ cho thấy, khu vực phía bắc của Dải Ngân hà, bao gồm chi tiết về những đặc điểm khác nhau của từng ngôi sao trong nhóm 219 triệu đối tượng đã được phát hiện.
Dự án INT đã thành công khi liệt kê mọi ngôi sao sáng hơn độ sáng biểu kiến thứ 20, có nghĩa là những ánh sáng yếu hơn 1 triệu lần so với vật thể có thể thấy được bằng mắt thường.
Hồi đầu tháng, giới thiên văn cũng chào đón sự xuất hiện của bản đồ về Laniakea, siêu chòm khổng lồ gồm các thiên hà, bao gồm cả Dải Ngân hà của chúng ta.
Laniakea là một cấu trúc trải dài 500 triệu năm ánh sáng, chứa khoảng 100.000 thiên hà và có tỉ số khối tương đương 1 triệu tỉ mặt trời.
Hạo Nhiên
>> Bản đồ mới về Dải Ngân hà
>> Dải Ngân hà nhẹ hơn vẫn tưởng
>> Phát hiện sao xa nhất trong Dải Ngân hà
>> Chân dung 360 độ của Dải Ngân hà
>> Phát hiện hoàng tinh lớn nhất Dải Ngân hà
Bình luận (0)