Tại một hội thảo lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực mới đây tại Hà Nội, theo ông Đàm Tiến Thắng, Trưởng phòng Năng lượng, Sở Công thương Hà Nội, quản lý nhà nước về hoạt động điện lực đang gặp khó khăn. Luật chưa phân cấp rõ bộ quản lý mức độ nào, địa phương quản lý thế nào dẫn đến chồng chéo, cái thì quá chặt, cái thì quá lỏng.
|
Thực tế theo Luật Điện lực, do không phải cam kết, không áp dụng các chế tài xử lý như trong cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà thầu làm chủ đầu tư, nên hầu hết các chủ đầu tư không tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt về thu xếp vốn, về hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thiết kế, mua sắm, xây lắp... Dẫn đến hầu hết các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ, tổng mức đầu tư không hợp lý, có nhiều khó khăn, phức tạp trong việc kiểm soát giá trị đầu tư, chất lượng của thiết bị công nghệ, nhất là các thiết bị phụ của các tổ máy nhiệt điện.
Theo Bộ Công thương, sau khi Luật Điện lực năm 2004 có hiệu lực, thị trường điện lực ở Việt Nam chủ yếu vẫn là độc quyền tự nhiên, giá điện chưa được mở ra theo cơ chế thị trường, nguồn điện thường xuyên thiếu hụt so với nhu cầu tiêu thụ. Luật quy định về nguyên tắc hoạt động, các cấp độ hình thành và phát triển thị trường điện lực cạnh tranh, nhưng chưa quy định rõ mô hình của từng cấp độ thị trường. Việc thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh trong nội bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được thực hiện từ năm 2007 trong điều kiện thiếu điện, nên việc chào giá, định giá mới mang tính chất tập dượt, chưa mang tính hiệu quả kinh tế.
Cũng theo các chuyên gia, chính sách giá điện chưa thể hiện được cơ chế thị trường, vẫn bù chéo giữa các nhóm đối tượng khách hàng sử dụng điện và giữa các vùng. Hệ quả chưa đảm bảo cho đơn vị điện lực thu hồi vốn đầu tư, các chi phí sản xuất kinh doanh và có lợi nhuận hợp lý để phát triển bền vững.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), thì cho rằng, nhiều dự án điện của TKV bị kéo dài và chậm tiến độ vì không thỏa thuận được giá điện với EVN.
Để thị trường hóa dần giá điện, phù hợp với lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh, Bộ Công thương đã đề xuất sửa đổi Luật Điện lực, theo hướng áp dụng giá điện khác nhau đối với các địa bàn, khu vực có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, đảm bảo cân bằng lợi ích tương đối của đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện. Đặc biệt, Bộ đề xuất quy định rõ cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, bù đắp chênh lệch giá điện cho các nhà máy điện sử dụng năng lượng mới, tái tạo.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương, cơ chế, điều kiện, nguyên tắc định giá điện, khung giá bán lẻ điện trong từng thời kỳ phù hợp với từng cấp độ phát triển thị trường điện lực cạnh tranh. Giá bán lẻ điện ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo đã được nối vào lưới điện quốc gia được xác định và thực hiện theo biểu giá bán lẻ điện do Bộ trưởng quy định, trường hợp chưa hoặc không thể nối vào lưới điện quốc gia được xác định và thực hiện theo cơ chế bảo đảm kinh doanh.
Vĩnh Hòa
Bình luận (0)