Băn khoăn việc sinh con thứ 2, thứ 3

28/11/2019 05:00 GMT+7

Nhiều bạn đọc đồng tình với việc TP.HCM đề xuất nhiều chính sách khuyến khích sinh con thứ 2, đồng thời cũng tỏ ý băn khoăn với việc sinh con thứ 2, thứ 3.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 26.11, tại hội thảo chuyên đề “Vấn đề mức sinh thấp tại TP.HCM, thực trạng, nguyên nhân và giải pháp” do Sở Y tế TP.HCM tổ chức, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết tổng tỷ suất sinh ở TP năm 2018 là 1,33 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,10 con.
Nguyên nhân phụ nữ ít sinh là áp lực kinh tế, nạo phá thai, vô sinh, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ...

Sản phụ vừa sinh con vừa nghe nhạc trong một ca sinh mổ tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM)

Ảnh: BVCC

Theo bà Lệ, TP.HCM cần sớm ban hành nghị quyết về chính sách dân số và phát triển giai đoạn 2021 - 2025, qua đó quy định một số chính sách như miễn, giảm toàn bộ viện phí trong lần sinh con thứ 2 đối với các trường hợp có hộ khẩu thường trú tại TP; cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng có hộ khẩu thường trú tại TP đã sinh đủ 2 con; miễn, giảm chi phí giáo dục cho trẻ em dưới 10 tuổi; triển khai chương trình sữa học đường...

Muôn ngàn lý do “lười sinh con”

Ngoài những lý do mà bà Lệ nêu ở trên, nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng có muôn ngàn lý do để “lười sinh con”. BĐ Tan (TP.HCM) chia sẻ: Giá đất, giá nhà tăng phi mã thấy chóng mặt, thế hệ sau này nếu làm văn phòng, viên chức hoặc kỹ sư... làm công ăn lương thì làm sao mua nhà được để ở? Cùng quan điểm, BĐ Phong Vu (Hà Nội) nhận xét: Dân tứ xứ đổ vào, mấy chục năm sau vẫn sẽ đổ vào, sao tự nhiên đi lo TP.HCM sẽ thiếu người? TP chật như nêm, người đông như kiến, trẻ con thiếu chỗ ở, thiếu nhà trẻ, thiếu sân chơi, thiếu sữa, thiếu thực phẩm, thiếu tiền đóng học phí, khi cần vào bệnh viện thì 3 trẻ một giường...; giảm sinh con là đúng rồi.
Trong khi đó, BĐ Lovelytran (Quảng Nam) lại cho rằng: Nếu muốn thay đổi, đầu tiên các ông chồng hãy thay đổi nhiều hơn, nhất là phụ vợ trong việc chăm sóc con cái và gia đình. Phụ nữ Việt Nam mình lúc nào cũng phải vừa đi làm ngoài vừa làm ô sin ở nhà, có những lúc con bệnh ôm con mà khóc, trong khi đó chồng vi vu với bạn bè.

Chất lượng quan trọng hơn số lượng

Nhiều BĐ đồng tình với những đề xuất về chính sách khuyến khích sinh con thứ 2 của TP.HCM. Một số BĐ khác lại cho rằng cần chú ý đến chất lượng trẻ sinh ra. BĐ Bau (Đà Nẵng) nhấn mạnh: Vấn đề là chất lượng dân số chứ không phải số lượng. BĐ Nguyễn Hoang Lan (TP.HCM) nhắc nhở: Đã đến lúc hãy quan tâm đến trách nhiệm của đứa trẻ với xã hội khi lớn lên và chất lượng đứa trẻ (khỏe mạnh, thông minh, có ích cho xã hội sau này) được sinh ra chứ không phải là số lượng đứa trẻ được sinh ra.
Cùng quan điểm, BĐ Thuận Phát (TP.HCM) cho rằng sinh 3 hay 4 con, ăn thì không sợ mà lo cho học hành đến nơi đến chốn và có trách nhiệm với xã hội mới là quan trọng.
Thời nay không phải như xưa, đẻ 3 - 4 đứa rồi quăng tụi nó lăn lóc, đứa lớn cõng đứa nhỏ tự ăn tự chơi, mà mình phải theo sát nuôi dạy 24/7 nữa kìa. Sinh con ra phải đảm bảo cho con về mọi mặt chứ không phải quẳng gánh lo ấy cho ông bà nội ngoại là mình xong trách nhiệm. Không phải gia đình nào cũng thoải mái kinh tế và dư dả thời gian để nuôi nhiều trẻ con đâu.
Anna (TP.HCM)
Cái khó là khi sinh rồi ai sẽ giữ và chăm sóc bé? Vì mẹ chỉ được nghỉ theo chế độ là 6 tháng, rồi sau đó phải đi làm (TP.HCM đa số là dân công chức), khi đó ai sẽ giữ em bé? Nhà trẻ thì không giữ vì bé quá nhỏ.
Duong Thanh Chau (TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.