Bắn laser tạo mưa

02/09/2011 17:02 GMT+7

Các nhà khoa học đang tìm cách “thay trời làm mưa” bằng công nghệ bắn tia laser vào không khí.

Kể từ khi người nông dân cổ đại cầu trời làm mưa để đảm bảo mùa màng bội thu, con người vẫn luôn mong chờ có được thời tiết như mong muốn. Giấc mơ đó hiện đã tiến gần hơn đến hiện thực sau khi các nhà nghiên cứu sử dụng một tia laser cực mạnh để tạo ra những giọt nước trong không trung, một bước đi sau cùng có thể giúp tạo mưa.

Trong khi không có cách gì để tạo ra một cơn mưa từ không khí khô, công nghệ nói trên - được gọi là quá trình ngưng tụ nước với sự hỗ trợ của laser - cho phép kiểm soát ở một chừng mực nào đó về địa điểm và thời gian mưa rơi khi khí quyển đủ ẩm.

 
Các nhà khoa học tin một ngày nào đó có thể “thay trời làm mưa” - Ảnh: AFP 

Các nhà nghiên cứu đã biểu diễn kỹ thuật này trong những cuộc thử nghiệm thực địa sau khi kéo một phòng thí nghiệm laser cơ động có kích cỡ bằng một garage nhỏ đến bờ sông Rhône (gần hồ Geneva, Thụy Sĩ). Những kết quả thu được qua 133 giờ bắn cho thấy các loạt xung ánh sáng laser cực mạnh đã tạo ra những hạt a-xít nitric trong không trung. Chúng đóng vai trò như một loại keo gắn kết những phân tử nước với nhau thành những giọt nước và ngăn chúng bốc hơi trở lại.

Chỉ trong vài giây, những hạt nước dần trở thành những giọt nước có đường kính bằng một vài phần ngàn mm. Chúng vẫn còn quá nhỏ để làm mưa, nhưng đủ lớn để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu. “Chúng tôi chưa tạo ra được những giọt mưa, chúng còn quá nhỏ và quá nhẹ để rơi như mưa. Để có mưa, chúng tôi cần những hạt nước lớn hơn hàng trăm lần để chúng đủ nặng mà rơi xuống đất”, ông Jérôme

Kasparian, chuyên gia vật lý thuộc Đại học Geneva, cho biết. Nhóm nghiên cứu tin tưởng họ có thể sớm chủ động xoay chuyển các điều kiện thời tiết và thậm chí ngăn mưa. “Một ngày nào đó, đây có thể là cách làm bớt mưa hoặc giảm thiểu lũ lụt ở những khu vực nhất định”, Kasparian nói.

Ý tưởng thay đổi và kiểm soát thời tiết không mới. Vào năm 1946, chuyên gia Vincent Schaefer đã phát triển ý tưởng làm mưa nhân tạo hiện vẫn được áp dụng. Ông thử nghiệm bằng đá khô và quá trình đông kết sâu để tạo ra những tinh thể nước chậm đông. Ở Trung Quốc, chính quyền đang vận hành một hệ thống làm mưa nhân tạo lớn nhất thế giới để tạo mưa ở những khu vực khô hạn.

Phương pháp của Schaefer không được xem là cách tạo mưa an toàn do nó đòi hỏi việc phun vào không khí những hạt đá khô hoặc iodide bạc. Điều này có nghĩa là dù có thể tạo mưa, các hóa chất trên thường lan rộng và có thể gây tổn hại cho môi trường.  Phương pháp làm mưa mới sử dụng các mức độ ẩm tự nhiên và điều kiện khí quyển để tạo ra những giọt nước. “Bạn có thể bật và tắt laser tùy ý, nhờ vậy có thể dễ dàng đánh giá tác động của nó. Khi người Trung Quốc phun iodide bạc vào không gian, rất khó để xác định liệu nó đã tạo mưa hay chưa”, Kasparian nói với báo Guardian. 

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.