(TNO) Giả sử bây giờ có một “nhà đài” nổi hứng mua bản quyền truyền hình Champions League của UEFA với giá đến hàng trăm tỉ USD trong 20 năm, họ phải “cắn lưỡi” nếu như Champions League giải tán trong vòng 5 năm sắp tới...
Tại Anh, các nhà tổ chức Premier League đàm phán hợp đồng bản quyền chung cho tất cả các đội (coi như đàm phán “giúp”). Số tiền ấy sẽ được chia cho các đội dự giải theo một phương thức rất rõ ràng, công khai và dễ hiểu. Tại Tây Ban Nha, các đội mạnh (chủ yếu là Barcelona và Real Madrid) không chấp nhận “chủ nghĩa cào bằng”, nên mỗi đội tự đàm phán hợp đồng bản quyền cho riêng mình, tất nhiên là chỉ ở các trận sân nhà của họ.
Real Madrid nổi tiếng, ai cũng muốn xem, nên nếu một trận diễn ra tại sân Santiago Bernabeu “được giá” gấp vài chục lần so với trận sân nhà của Espanyol thì cũng chẳng có gì lạ. Khi Real đến làm khách trên sân Espanyol, thì đội bóng nhỏ này muốn bán bản quyền cho ai, bao nhiêu, bán trong bao lâu, đều tùy ý.
Giải Serie A của Ý một thời cũng theo trường phái mỗi đội tự bán bản quyền truyền hình như Tây Ban Nha, nhưng các đội bóng nhỏ có nguy cơ sập tiệm vì không ai thèm mua bản quyền truyền hình của họ. Thế nên, Serie A giờ cũng đã theo “kiểu Anh”, nghĩa là các nhà tổ chức đàm phán hợp đồng bản quyền cho toàn giải.
Nhưng, theo thỏa thuận giữa ban tổ chức và các đội bóng, cách chia tiền bản quyền truyền hình ở Serie A cực kỳ phức tạp. Đại khái, khác biệt không chỉ nằm ở thứ hạng khác nhau của từng đội mà còn tùy vào danh tiếng, số lượng cổ động viên, dân số của địa phương có đội bóng…
Tóm lại, cho dù cách bán bản quyền ở mỗi nơi mỗi khác, nhưng chẳng nơi nào có chuyện hy hữu như ở xứ ta: tranh cãi về bản quyền truyền hình dường như không liên quan gì đến chủ sở hữu trực tiếp, gần gũi nhất của món hàng (tức các CLB), mà đấy lại là tranh cãi giữa những người bán khác nhau và các người mua khác nhau.
Có thể hiểu: VFF bán cho AVG đến 20 năm cái bản quyền V.League mà bây giờ họ không sở hữu nữa. Bây giờ, V.League đã biến thành Super League, và là của VPF, cái công ty vừa được thành lập theo hình thức của Premier League (thực chất có đi đôi với hình thức hay không, lại là chuyện khác nữa).
AVG đang cố ngăn cản VPF bán cái bản quyền mà AVG cho rằng mình đã mua của VFF. Đáng lẽ, ai cũng hiểu được lẽ đơn giản đúng, sai trong chuyện này là như thế nào. Khổ nỗi, đây là… bóng đá Việt Nam. Bằng không, cứ nhìn vào Premier League ở thời điểm giải này mới thành lập (tức cái thời điểm mà Super League đang cố bắt chước), thì sẽ thấy ngay vấn đề.
Trước khi Premier League ra đời, giải Vô địch quốc gia (VĐQG) Anh là của Football League, mang tên First Division Championship. Năm 1986, Football League bán một bản quyền truyền hình 2 năm cho First Division Championship, giá 6,3 triệu bảng. Các đội bóng không hài lòng vì họ cho rằng như thế là quá “bèo”. Họ dọa sẽ ly khai khỏi Football League.
Đến năm 1988, Football League lại bán bản quyền 4 năm, giá tăng vọt lên 44 triệu bảng. “Trị giá thực” của bản quyền truyền hình giải VĐQG Anh tức First Division khi ấy được ước tính phải vào khoảng 100 triệu bảng trong vòng 4 năm. Nhưng nếu các đội bóng ly khai thật, nghĩa là Football League không sở hữu giải VĐQG nữa (giống như giải VĐQG VN bây giờ không thuộc VFF nữa), thì các hãng truyền hình phải… ráng chịu. Giá thỏa thuận thấp hơn giá thực tế vì xác suất rủi ro ấy.
Năm 1992, các đội mạnh ở Anh “ly khai” thật. Họ đồng loạt rút khỏi tổ chức Football League, rồi tự thành lập Premier League. Về mặt bóng đá thuần túy, không có bất kỳ khác biệt nào. Chỉ có điều, giải vô địch của Premier League (cũng mang tên Premier League) độc lập hoàn toàn với Football League. Người ta canh đúng thời điểm bản quyền truyền hình của Football League hết hạn, mới thành lập Premier League, nên chẳng ai mất công tranh cãi. Vả lại, mọi phía liên quan đều đã thấy rõ lộ trình phải là như thế. Ai mà không thấy!
Giả sử bây giờ có một “nhà đài” nổi hứng mua bản quyền truyền hình Champions League của UEFA với giá đến hàng trăm tỉ USD trong 20 năm, họ phải “cắn lưỡi” nếu như Champions League giải tán trong vòng 5 năm sắp tới. Bất quá, “nhà đài” ấy chỉ có thể lôi UEFA ra tòa, xem tòa có bắt UEFA trả lại một phần tiền hay không.
Đấy là UEFA do Johansson, Platini, hay (giả sử) Beckham làm chủ tịch, đều không thành vấn đề. Nhưng “nhà đài” ấy đâu thể ngăn cản một “UEFA 2.0” nào đó bán bản quyền truyền hình cho các hãng khác, trong trường hợp các đội hàng đầu châu Âu ly khai khỏi Champions League, tự lập ra Super League, do một tổ chức gọi là “UEFA 2.0” tổ chức, rồi cũng tranh giải hằng năm không khác gì Champions League hiện tại!
Ngũ Viên
Bình luận (0)