Nếu không có gì thay đổi vào giờ chót, VPF sẽ đạt được thỏa thuận với VTV về việc phát sóng trực tiếp các trận đấu Super League mùa giải mới 2012.
Chuyện bản quyền truyền hình (BQTH) đang đến hồi nóng khi Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG), đơn vị đã ký với Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) một bản hợp đồng kỳ lạ đến 20 năm, vẫn khăng khăng cho rằng dù quyền tổ chức các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia có thuộc về VPF thì không thể đơn phương phá vỡ hợp đồng cũng như không thể bắt AVG tăng thêm giá trị đã ký từ 6 tỉ đồng/năm lên thành 20 tỉ đồng/năm như yêu cầu của VPF.
Chiều qua 28.12, trong cuộc làm việc với ông Phạm Ngọc Viễn, Phó chủ tịch VFF và ông Trần Quốc Tuấn (chỉ chính thức thôi chức tổng thư ký vào ngày 1.1.2012), ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch AVG - kiên quyết không thay đổi các điều khoản về bản quyền truyền hình đã được ký với VFF. Ông Vũ cho rằng hợp đồng mà AVG ký với VFF có sự bảo chứng của lãnh đạo ngành TDTT và các cấp có thẩm quyền nên giá trị tồn tại phải đảm bảo đúng như thời hạn hợp đồng, chứ không được rút xuống. Ông Vũ cũng nhấn mạnh qua thông tin từ báo chí, việc VPF muốn đẩy giá trị bản quyền lên 20 tỉ đồng/năm là khoản tiền mà AVG không thể chấp nhận. Còn theo ông Phạm Ngọc Viễn, do AVG vẫn khẳng định BQTH là của họ nên VFF không thể làm khác được, còn ở góc độ VPF thì đôi bên cần có nhiều cuộc thương thảo để rút ra những gì có lợi nhất.
|
Trong khi đó, các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) VPF cũng rất bức xúc về việc AVG nói chủ trương không độc quyền, phục vụ quyền lợi của số đông người hâm mộ nhưng cách làm hiện nay của AVG không được thực hiện một cách triệt để. Ông Phạm Nhật Vũ cho biết hiện tại đã có 40 đài địa phương xin tiếp sóng các trận đấu do họ mua BQTH nhưng phải tiếp luôn cả logo và quảng cáo của AVG. VTV, VTC, HTV những đài truyền hình lớn vẫn tạm thời đứng ngoài cuộc do chưa đồng thuận với cách làm của AVG cũng như ngao ngán cách áp đặt vô lý việc chọn trận trực tiếp. Điều này không chỉ làm thu hẹp địa bàn phát sóng mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà tài trợ Super League bởi khi đầu tư 30 tỉ đồng, Eximbank có quyền đòi hỏi giải đấu phải được phát sóng rộng rãi trên các đài.
Chiều qua 28.12, nguồn tin của Thanh Niên cho biết HĐQT VPF đã lên kế hoạch xúc tiến đàm phán với các đài truyền hình quảng bá, đầu tiên là VTV, sau đó là VTC và HTV (Đài truyền hình TP.HCM) với mục tiêu đưa các trận đấu và hình ảnh của Super League xuất hiện với tần số đậm đặc trên kênh thể thao các đài này, sẽ không chấp nhận độc quyền mà ưu tiên bán giá trị BQTH cho lần lượt các đài như kiểu bán bản quyền giải Ngoại hạng Anh phát sóng ngày thứ bảy. Theo một thành viên HĐQT VPF, nếu VTV mua mỗi tuần 5-6 trận đấu Super League để phát trên tất cả các kênh quảng bá, kể cả truyền hình cáp VCTV (Bóng đá TV và Thể thao TV) và truyền hình số vệ tinh K+ thì giá trị BQTH có thể lên đến 15 tỉ đồng. VPF sẽ cam kết hỗ trợ VTV khai thác thêm nguồn thu quảng cáo. Tương tự như vậy với VTC và HTV.
Nếu điều này được tiến hành rốt ráo, đây sẽ là cú đột phá của VPF trong việc mang về đúng giá trị thực của BQTH để đảm bảo giá trị thương quyền, đồng thời giúp các CLB có thêm quyền lợi chính đáng để xây dựng, phát triển tốt hình ảnh của Super League, tạo đà cho sự tiến bộ lâu dài của bóng đá VN.
Ngày 28.12, Công ty AVG đã gửi công văn tới Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC và Đài phát thanh truyền hình các tỉnh thành phố trong cả nước, nêu rõ: Trong khi các thay đổi về cách thức tổ chức và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam chưa được làm rõ, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức thể thao của đông đảo khán giả xem truyền hình, tránh những thiệt thòi cho người hâm mộ, AVG sẵn sàng chia sẻ miễn phí bản quyền phát sóng và đề nghị các đài truyền hình tiếp sóng nguyên vẹn cả hai trận đấu khai mạc giải bóng đá hạng nhất 2012 và giải bóng đá ngoại hạng 2012. AVG sẽ không thu các loại chi phí có liên quan như: phí bản quyền (30-40 triệu đồng), chi phí sản xuất (90-110 triệu đồng), chi phí truyền dẫn (20-30 triệu đồng). |
Quang Tuyến - Lan Phương
Bình luận (0)