'Bản sắc' - tác phẩm hai lần được bình chọn hay nhất đã có mặt tại Việt Nam

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
10/10/2020 16:00 GMT+7

Bản sắc: Nhu cầu phẩm giá và chính trị phẫn nộ của Francis Fukuyama (Mỹ), từng đoạt giải Sách hay nhất năm 2018 của báo The Times (Anh) và Sách chính trị hay nhất 2018 do tờ Financial Times (Anh) bình chọn, đã xuất bản tại Việt Nam.

Tác giả cuốn Bản sắc: Nhu cầu phẩm giá và chính trị phẫn nộ (gọi tắt là Bản sắc) là Francis Fukuyama (sinh ngày 27.10.1952) - một nhà triết học, chuyên gia kinh tế chính trị tên tuổi người Mỹ. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard và từng làm việc trong bộ phận hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, đồng thời cũng là thành viên Ban Khoa học chính trị của RAND Corporation, giữ chức thành viên hội đồng của Diễn đàn quốc tế về Nghiên cứu dân chủ.
Tiến sĩ Fukuyama từng có nhiều bài viết về các vấn đề liên quan tới chính sách phát triển và quốc tế. Ông còn là tác giả của những công trình về chính trị, kinh tế, khoa học nổi tiếng như: The Origins of Political Order, Our Posthuman Future: Consequences of the Biotechnology Revolution... Trong đó, The End of History and the Last Man xuất bản năm 1992 là cuốn sách nổi tiếng nhất, đã được dịch sang hơn 20 ngôn ngữ.

Tác giả Francis Fukuyama

Ảnh: T.L

Trong tác phẩm mới nhất Bản sắc, Francis Fukuyama quay lại các chủ đề mà ông bắt đầu khám phá vào năm 1992 và vẫn viết về nó, đó là sự công nhận, phẩm giá, bản sắc, nhập cư, chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo và văn hóa.
Năm 2014, Fukuyama từng dự đoán rằng nước Mỹ sẽ bị các nhóm lợi ích đầy quyền lực nắm giữ. Lời tiên đoán của ông được chứng thực khi một loạt nhân vật phi chính trị, có chủ nghĩa dân tộc kinh tế và khuynh hướng độc tài lên nắm quyền, có khuynh hướng đe dọa gây mất ổn định cho trật tự toàn thế giới. Ông cho rằng giải pháp hợp lý duy nhất cho mong muốn được công nhận là sự công nhận phổ quát, trong đó phẩm giá của mỗi con người được công nhận. Sự công nhận phổ quát bị thách thức bởi các hình thức công nhận một phần dựa trên quốc gia, tôn giáo, sắc tộc, giới tính..., hay bởi các cá nhân muốn được công nhận là vượt trội. Sự trỗi dậy của chính trị bản sắc trong các nền dân chủ tự do hiện đại là một trong những mối đe dọa chính mà thể chế dân chủ đang đối mặt. Chính vì vậy, nếu không lý giải được bản sắc con người, chúng ta sẽ tự đẩy mình đến tình trạng xung đột triền miên, cũng chính là lời cảnh báo sắc sảo và cấp thiết mà cuốn Bản sắc muốn mang tới.

Cuốn Bản sắc được The New York Times nhận xét: “Chúng ta cần thêm nhiều nhà tư tưởng thông tuệ như Fukuyama để cày xới mảnh đất của sự tiên đoán"

Ảnh: Omega

Tờ The New York Times nhận xét: “Chúng ta cần thêm nhiều nhà tư tưởng thông tuệ như Fukuyama để cày xới mảnh đất của sự tiên đoán. Và chúng ta cũng cần nhiều độc giả hơn để đọc những gì mà các nhà tư tưởng ấy thu hoạch được”. Bản sắc (Omega và NXB Đà Nẵng vừa ấn hành) đã chuyển tải một cách hoàn hảo những thông điệp đó đến người xem nên đã được độc giả toàn thế giới đón nhận, trong đó có Việt Nam.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.