Bản sắc Việt: Chỉ có một giọng Việt

26/08/2014 03:00 GMT+7

Khi người Việt đang hết lòng vì nhiều chương trình cộng đồng và cả những xu hướng mang tính quốc tế hóa thì có những người lại chỉ vì “cái giọng” để tạo nên những tranh cãi không đáng có.

Đừng “quá quắt đến thế”

 
BTV thời sự trên Đài VTV Hoài Anh - Ảnh: chụp từ màn hình

Tôi không phải là phát thanh viên. Càng không phải là MC. Cũng không phải là đạo diễn hay nhà báo phát thanh truyền hình. Nhưng tôi viết, tôi nghĩ, tôi làm với tư cách tương tự như thế. Với ít ỏi kinh nghiệm 15 năm làm phát thanh trực tiếp và thu âm phát sóng cho một số đài phát thanh truyền hình và may mắn trở thành người hướng dẫn cho một số MC, tôi cho rằng chúng ta đừng quên những kinh nghiệm đáng quý.

Trước những năm 2000, việc tuyển phát thanh viên cho bất kỳ một đài truyền hình nào dù là cấp quốc gia hay địa phương đều hết sức khó khăn. Giọng “chuẩn” theo tiêu chí riêng của một nhóm người hay đôi khi chỉ là của giám đốc hoặc tổ trưởng tổ phát thanh cùng với trưởng phòng thời sự (vì phát thanh viên thời sự là chủ yếu phải chuẩn mực) hay cũng có thể là giám đốc trung tâm sản xuất chương trình. Việc này tạo nên suy nghĩ có phần mang tính “nhỏ lẻ”. Cụ thể như muốn trở thành phát thanh viên hay MC ở một số đài phía nam thì phải có giọng “chuẩn Nam bộ”. Không ít hoa khôi, người đẹp hay thậm chí là ứng viên đầy nội lực phải chào thua khi không phát âm nổi giọng Nam bộ với dấu hỏi, ngã, âm v, d... Cho cơ hội chỉnh sửa không hẳn đã thành công nên thôi thì đánh rớt từ đầu cho chắc ăn...

 

Sự chuẩn mực trong phát thanh không nên bị “bó” vào giọng miền này hay miền khác, vùng này hay vùng kia, thành thị hay nông thôn, thủ đô hay tỉnh lẻ để chúng ta vô tình rơi vào “bẫy” kỳ thị của chính mình

Ngẫm nghĩ, tiếng Việt vốn giàu và đẹp. Sự thống nhất không phải dễ. Mà điều đó cũng tự nhiên thôi. Nhưng đừng cố gắng hay cố tình làm cho nói và viết phải khác nhau xa đến thế. Đành rằng phát âm với phương ngữ mang tính đại diện sẽ có thể tạo nên cảm giác thân thiện, gần gũi nhưng cũng đừng “quá quắt đến thế”, “chi li đến micromet” để hạ nhau hoặc làm khó nhau thì xem chừng là căng thẳng quá.

Từ năm 2004, nhiều đài phát thanh truyền hình bắt đầu hạn chế tuyển phát thanh viên. Biên tập - phát thanh là công việc được gắn kết dù chức danh tuyển vào có thể đôi khi là phóng viên - biên tập viên. Khoan đề cập đến những vấn đề có liên quan về hành chính nhưng rõ ràng đó là một cái nhìn mang tính mở. Phát thanh viên không còn là “địa hạt độc quyền” của những cá nhân sáng nhất - tươi nhất - chuẩn mực nhất hay chỉn chu nhất mà mở rộng cho những biên tập, MC có thể thực tế hiện trường - biên tập và thể hiện... Không chỉ Đài truyền hình TP.HCM (HTV), VTV mà một vài đài tỉnh, thành cũng đã có những chuyển đổi mang tính ngoạn mục để cửa mở hơn... Hình ảnh phát thanh viên năng động hơn, duyên dáng hơn, linh hoạt hơn và sắc sảo với cây bút hoặc remote di động điều chỉnh tốc độ chạy chữ xuất hiện quen thuộc...

Chúng ta là người Việt

Cuốn vào trào lưu chung thuở ấy, không ít lần tôi cũng mạnh dạn đến mức nặng tay sửa giọng “chuẩn Nam bộ” cho một số thí sinh ứng tuyển MC Én vàng của HTV hay muốn trở thành phát thanh viên của một vài đài tỉnh khu vực phía nam. Thực ra bản chất vấn đề không sai nếu như tôi không một lần nghe chuyện dở khóc dở cười của một học viên đã có gia đình. Ông xã của chị ấy không dưới một lần bảo rằng: “Sao em lên truyền hình em không giữ giọng của đời thường... mấy chị em nói em cố tình sửa giọng để không giống giọng đấy! Rồi sau này giọng con mình ra sao? Chẳng thể phát âm đúng, chẳng chút gì giống bên nội”. Còn đứa nhỏ bảo rằng: “Mẹ ơi bạn con nói giọng mẹ đọc sai thế nào con viết chính tả cũng sai cho coi... Buồn mẹ quá...”.

 
BTV thời sự trên Đài VTV Quang Minh - Ảnh: chụp từ màn hình

Sự thật trên có vẻ không quá phổ quát nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn vấn đề một cách khoa học và đại chúng hơn. Đành rằng những câu hiệu, câu thoại cơ bản phải mang tính ấn tượng và gây hiệu ứng, tuy nhiên, đừng biến mọi thứ đều thành ấn tượng thì nó trở nên bình thường. Dựa trên những cơ sở khoa học và tác động của phương tiện tuyên truyền hay sự ảnh hưởng của các yếu tố liên quan đến phương tiện truyền thông - giao tiếp đến người khác cũng như chất lượng cuộc giao tiếp để thấy vấn đề theo một cách nhìn mới. Thực chất, giọng nói bao gồm giọng, phát âm, hơi thở... chỉ ảnh hưởng khoảng 38% trong khi ngôn từ và lời nói trên bình diện bề mặt ảnh hưởng khoảng 7%... và cử chỉ điệu bộ cùng với phương tiện phi ngôn ngữ khác ảnh hưởng đến 55% cuộc truyền thông - thuyết trình hay giao tiếp... Nói thế không có nghĩa là chúng ta muốn nói sao cũng được, bằng giọng nào cũng xong, nhưng đừng quá chi li trong suy nghĩ bởi tính ì để mình tự buộc mình vào thế bí...

VN có 63 tỉnh thành, với những vùng đất khác nhau... nhưng 90 triệu dân đều gọi chung là người Việt. Giọng VN rõ như thế, giọng phát thanh viên đủ nghe như thế dù là giọng Nam bộ, Trung bộ hay Bắc bộ thì cũng gọi là giọng VN. Sự chuẩn mực trong phát thanh không nên bị “bó” vào giọng miền này hay miền khác, vùng này hay vùng kia, thành thị hay nông thôn, thủ đô hay tỉnh lẻ để chúng ta vô tình rơi vào “bẫy” kỳ thị của chính mình.

“Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” - Xin được mượn câu hỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhắc tôi và mỗi người Việt cần hiểu: Chúng ta cẩn trọng khi nói, khi thể hiện. Nhưng chúng ta là người Việt. Cần hiểu xa hơn về người Việt để chúng ta có cái nhìn mang tính tương tác trong thế giới đã phẳng hơn.

Đài truyền hình quốc gia hoặc truyền hình của địa phương đều là vì cộng đồng nên chúng ta không thể mặc định một cách vô tư dù không quá dễ dãi mà cần dựa trên thực tế để xác thực. Nếu giọng Nam bộ phát âm đúng và hiện đại mà vẫn rõ ràng, cảm xúc và chuyển tải đầy đủ thì tại sao không? Nếu giọng miền Trung nhưng đã điều chỉnh tương đối đủ để cho cả nước nghe mà những người dân miền Trung vẫn quý, miền khác vẫn yêu thì cớ sao chúng ta cắt đi cơ hội. Phục vụ cho 90 triệu dân mà không phải chỉ là phục vụ cho một nhóm hay một cá nhân nào là thế.

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn
(Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội VN)

>> Bản sắc Việt - Đức Thánh Trần huyền thoại hóa lịch sử
>> Bản sắc Việt trong lễ hội mùa xuân
>> Bản sắc Việt trên tà áo dài thí sinh Hoa hậu Việt Nam
>> Xôn xao "Bản sắc Việt Nam
>> Mất bản sắc Việt là mất tất cả  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.