Bản tin Covid-19 ngày 18.2: Cả nước 42.439 ca | Phát hiện 3 chủng virus corona mới ở dơi

18/02/2022 20:15 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 18.2 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 18.2 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 42.439 ca Covid-19, 6.215 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 18.2.2022 cho biết tính từ 16h ngày 17.2 đến 16h ngày 18.2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 42.439 ca nhiễm mới, 6.215 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 80 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 39.358 ca.

Ngày 18.2: Cả nước 42.439 ca Covid-19, 6.215 ca khỏi | Hà Nội 4.549 ca | TP.HCM 715 ca

Thông tin về 42.439 ca nhiễm mới như sau:

  • 12 ca nhập cảnh.
  • 42.427 ca ghi nhận trong nước (tăng 6.237 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 31.028 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (4.549), Vĩnh Phúc (2.158), Quảng Ninh (2.018), Phú Thọ (1.789), Nam Định (1.678), Thái Nguyên (1.652), Hòa Bình (1.567), Bắc Ninh (1.556), Ninh Bình (1.540), Hải Phòng (1.504), Bắc Giang (1.443), Nghệ An (1.339), Lào Cai (1.310), Hải Dương (1.302), Lạng Sơn (1.175), Bình Định (1.109), Thái Bình (910), Sơn La (889), Tuyên Quang (888), Thanh Hóa (885), Yên Bái (875), Đà Nẵng (732), Hưng Yên (719), TP.HCM (715), Hà Tĩnh (621), Quảng Nam (607), Đắk Lắk (600), Quảng Bình (575), Khánh Hòa (525), Quảng Trị (458), Phú Yên (441), Lâm Đồng (365), Cao Bằng (357), Gia Lai (330), Bà Rịa - Vũng Tàu (292), Bình Dương (289), Bình Phước (273), Thừa Thiên-Huế (262), Điện Biên (252), Lai Châu (231), Hà Nam (209), Đắk Nông (189), Quảng Ngãi (179), Kon Tum (146), Cà Mau (131), Hà Giang (111), Bình Thuận (97), Đồng Nai (91), Kiên Giang (89), Bến Tre (67), Bắc Kạn (53), Bạc Liêu (52), Đồng Tháp (38), Trà Vinh (35), Tây Ninh (34), Cần Thơ (27), Vĩnh Long (24), Long An (18), Hậu Giang (15), Ninh Thuận (14), An Giang (13), Sóc Trăng (13), Tiền Giang (2).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Thái Nguyên (-826), Quảng Ninh (-459), Bắc Kạn (-129).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Ninh Bình (+1.540), Vĩnh Phúc (+796), Lạng Sơn (+750).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 32.601 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.685.463 ca nhiễm, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 27.191 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.678.241 ca, trong đó có 2.258.363 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (518.295), Bình Dương (293.645), Hà Nội (188.373), Đồng Nai (100.410), Tây Ninh (88.938).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 6.215 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.261.180 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.956 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.213 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 359 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 80 ca
  • Thở máy xâm lấn: 290 ca
  • ECMO: 14 ca

Từ 17h30 ngày 17.2 đến 17h30 ngày 18.2 ghi nhận 80 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (5) trong đó có 3 ca từ các tỉnh chuyển đến: Phú Yên (1), Đồng Tháp (1), Kiên Giang (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (12), Đà Nẵng (8), Kiên Giang (7 ca trong 2 ngày), Quảng Ngãi (5), Bình Định (4), Quảng Nam (4), Nghệ An (3), Bạc Liêu (2), Bình Thuận (2), Hải Phòng (2), Lạng Sơn (2), Long An (2), Nam Định (2), Phú Thọ (2), Phú Yên (2), Thái Nguyên (2), An Giang (1), Bình Phước (1), Cần Thơ (1), Đồng Nai (1), Hà Giang (1), Hà Nam (1), Ninh Bình (1), Ninh Thuận (1), Quảng Bình (1), Quảng Trị (1), Sóc Trăng (1), Thái Bình (1), Thừa Thiên-Huế (1), Trà Vinh (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 82 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.358 ca, chiếm tỉ lệ 1,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 32.955.061 mẫu tương đương 78.259.191 lượt người.

Trong ngày 17.2 có 1.867.419 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 190.215.794 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 173.482.549 liều: Mũi 1 là 70.853.682 liều; Mũi 2 là 67.217.008 liều; Mũi bổ sung: 13.167.375 liều; Mũi 3 là 22.244.484 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.733.245 liều: Mũi 1 là 8.599.830 liều; Mũi 2 là 8.133.415 liều.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị không quy định xét nghiệm sàng lọc học sinh đến trường

Trong báo cáo của Bộ GD-ĐT tại phiên họp với Chính phủ ngày 17.2.2022, nhiều địa phương có số ca mắc Covid-19 là giáo viên, học sinh tăng khi mở cửa trường học. Trong số những nơi đã có thống kê, Hải Phòng có số ca mắc cao sau Tết Nguyên đán với hơn 9.600 ca, kế tiếp là Thanh Hóa với hơn 2.300 ca.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị không quy định xét nghiệm sàng lọc Covid-19 học sinh đến trường

Tại Hà Nội, tuy chưa công bố số liệu thống kê nhưng có những trường có hàng chục ca nhiễm sau khi học sinh trở lại trường chỉ 1 tuần.

Đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh là F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc tại trường học). Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0.

Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp. Một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm Covid-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả, gây phản ứng không cần thiết.

Trước ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu rõ Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19, quy định thời gian điều trị, cách ly, xét nghiệm đối với ca mắc, trường hợp F1…

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị lãnh đạo các địa phương, Sở Y tế cũng như Sở GD-ĐT không quy định học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường, lớp. Chỉ xét nghiệm với những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc dấu hiệu dịch tễ tiếp xúc với F0.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết không có sự khác biệt về nguy cơ lây nhiễm cho học sinh học một buổi, hai buổi hoặc ăn bán trú. Vì vậy, các trường học đủ điều kiện, bảo đảm an toàn phòng chống dịch có thể tổ chức học bán trú cho học sinh để tạo thuận tiện, giảm phiền hà cho phụ huynh và gia đình.

Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn về chăm sóc, thuốc điều trị cho học sinh mắc Covid-19 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh và xã hội.

Từ ngày 1.2 - 15.2, cả nước ghi nhận khoảng 329.000 ca mắc Covid-19, trong đó, số ca mắc từ 5-18 tuổi là hơn 28.300 ca (chiếm khoảng 8,6%); trẻ dưới 5 tuổi mắc Covid-19 khoảng 15.800 trường hợp (chiếm 4,8%).

Trước đó, TS Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (thuộc Bộ Y tế), chia sẻ thời gian qua, nhiều địa phương đóng cửa trường học ngay khi phát hiện một vài ca F0.

Đây là cách làm cực đoan, ảnh hưởng việc học tập của các em. Các trường cần phối hợp y tế, khoanh vùng nhỏ để xử lý.

Bên cạnh các hướng dẫn khi ghi nhận ca mắc Covid-19 tại trường học, ông Dương Chí Nam cho biết về việc thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà với F1 là học sinh, cơ quan này đang xin ý kiến các bộ, chuyên gia và trao đổi với Bộ GD-ĐT.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ họp để điều chỉnh hướng dẫn xử trí mới cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Về thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà hiện nay được quy định như sau:

  • Đối với trường hợp học sinh F1 đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, thì ở nhà không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, âm tính, cho đi học trở lại.
  • Đối với học sinh F1 chưa được tiêm vắc xin, cũng cho nghỉ tại nhà, theo dõi chặt các biểu hiện, xét nghiệm theo quy định; nghỉ học không quá 14 ngày.

Bộ GD-ĐT nói gì về xử trí khi có F0 trong trường học?

Ngày 27.1,2022, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 406 phê duyệt “Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học” (sửa đổi, bổ sung). Trong đó có hướng dẫn cụ thể các bước về xử lý trường hợp học sinh phát hiện nhiễm Covid-19 tại cơ sở giáo dục.

Bộ GD-ĐT nói gì về xử trí khi có F0 trong trường học?

Cụ thể có các bước như sau:

Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch, cha mẹ học sinh, tiếp tục cách ly tạm thời F0; thông báo cho trạm y tế địa phương các biện pháp triển khai, phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Bước 2: Đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SpO2 dưới 96% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị Covid-19 trên cùng địa bàn, hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ: tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp cận xử lý theo quy định.

Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (tức F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người). Các lớp học khác hoạt động bình thường.

Bước 4: Cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế (theo Công văn số 647 ngày 16.11.2021). Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu có 1 ca dương tính với Covid-19 thì cho toàn bộ học sinh trong cùng lớp (tức F1) cách ly tại nhà theo quy định.

Trước ý kiến cho rằng thực tế những hướng dẫn của Bộ GD-ĐT dù mới sửa đổi nhưng cũng có điểm không còn phù hợp trong việc xử trí khi có học sinh là F0, F1, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ GD-ĐT đang đề nghị Bộ Y tế sửa 2 công văn này theo hướng cụ thể hơn, khoanh hẹp đối tượng F1 và rút gọn thời gian cách ly F1 nhất có thể để thuận tiện cho việc mở cửa trường học trên toàn quốc.

Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cũng nêu nếu trong cùng 1 ngày phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp học khác nhau, tổ chức ngay việc tầm soát theo quy mô như sau:

  • 2 lớp ở cùng tầng thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả lớp học trên cùng tầng.
  • 2 lớp ở khác tầng, cùng khối thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả lớp học trong cùng khối nhà.
  • 2 lớp ở các khối nhà, nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm, kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên của trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì chỉ xử lý theo lớp học.

Trên thực tế, tại các trường học ở Hà Nội với tình hình F0 xuất hiện ở hầu khắp các lớp sau hơn 1 tuần trường học mở cửa trở lại, nếu thực hiện theo hướng dẫn trên thì các lớp sẽ phải đóng cửa và lại chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Trao đổi với Báo Thanh Niên xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng việc xác định F1 hiện nay Bộ đang thực hiện theo Công văn số 10696 ngày 16.12.2021 và Công văn số 647 ngày 16.11.2021 của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng đang có ý kiến để cần điều tra dịch tễ truy vết sâu, khoanh vùng hẹp, không phải trường hợp nào F0 thì cả lớp cũng coi là F1. Bộ GD-ĐT đang đề nghị Bộ Y tế sửa 2 công văn trên theo hướng cụ thể hơn, khoanh hẹp đối tượng F1 và rút gọn thời gian cách ly F1 nhất có thể để thuận tiện cho việc mở cửa trường học trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, ngày 14.2, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng đã nhấn mạnh rằng việc ứng phó khi có F0 trong trường học cần thực hiện linh hoạt, ổn định về mặt tâm lý và không hoang mang. Tùy điều kiện từng nơi mà có thể linh hoạt trong việc truy vết sâu, khoanh vùng hẹp nếu phát hiện F0 trong trường học. Trong một lớp có đông học sinh thì khi xuất hiện 1 F0, không nhất thiết phải cho cả lớp nghỉ học để cách ly.

Chỉ đạo mới nhất của UBND TP.HCM khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại các trường

Ngày 18.2.2022, UBND TP.HCM thông báo kết luận chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức về việc trang bị sinh phẩm xét nghiệm nhanh và kịch bản ứng phó nếu có trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại các trường.

Chỉ đạo mới nhất của UBND TP.HCM khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại các trường

Cụ thể, sau khi nghe báo cáo về việc trang bị bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh cho cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy học trực tiếp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kết luận và chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế xây dựng kịch bản ứng phó khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại các trường.

Trong đó, Sở GD-ĐT phân công, phân nhiệm cụ thể, chọn một số cơ sở giáo dục để tổ chức diễn tập, ghi hình và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của Sở GD-ĐT để các đơn vị tham khảo và áp dụng theo hướng dẫn.

Căn cứ vào nhu cầu của Sở GD-ĐT, Sở Y tế có kế hoạch chuẩn bị và phân bổ các bộ test nhanh Covid-19. Sở GD-ĐT có trách nhiệm quản lý, phân bổ cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện xét nghiệm tầm soát ca nghi nhiễm khi dạy học trực tiếp và giám sát sử dụng đúng mục đích…

Trong buổi tập huấn về công tác xử lý F0 trong nhà trường, Sở GD-ĐT TP.HCM nêu rõ, khi phát hiện nghi ngờ, nhà trường sẽ thực hiện tầm soát, nếu phát hiện ca dương tính thì kích hoạt ngay quy trình xử lý F0, F1 trong nhà trường, còn việc xác định F0, F1 thì lực lượng y tế sẽ hỗ trợ, lực lượng chuyên môn sẽ khẳng định.

Trách nhiệm của cơ sở giáo dục là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, tầm soát những trường hợp nghi ngờ, trường hợp có yếu tố dịch tễ. Cơ sở giáo dục phải kết nối ngay, phối hợp chặt với y tế phường, xã để được hỗ trợ xác định chính xác trường hợp F0, F1 và xử lý từng tình huống cụ thể.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cho biết hiện các cơ sở giáo dục vận hành trở lại gần như toàn bộ quy mô. Trong đó, học sinh từ lớp 6 trở xuống chưa được tiêm vắc xin, còn trẻ mầm non thì ăn, ngủ, sinh hoạt trong cùng một lớp, khó triển khai việc học sinh phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường…

Do đó, theo Sở GD-ĐT, tình hình phòng chống dịch Covid-19 tại cơ sở giáo dục sẽ có những diễn biến phức tạp trong các ngày tiếp theo nên nhà trường cần tăng cường và siết chặt công tác tổ chức.

Trẻ em Việt Nam phản ứng với vắc xin Covid-19 nhẹ nhàng hơn nhiều so với thế giới

Chiều 18.2.2022, tại cuộc tọa đàm "Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng", PGS - TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết với 17 triệu mũi tiêm cho trẻ em thì cứ ghi nhận trong 1 triệu liều là có 5 trường hợp phản ứng nặng, phải quay trở lại cơ sở y tế để điều trị.

Trẻ em Việt Nam phản ứng với vắc xin Covid-19 nhẹ nhàng hơn nhiều so với thế giới

Đồng thời, phản ứng thông thường của trẻ em Việt Nam nhẹ nhàng hơn so với số liệu đã từng ghi nhận trên thế giới.

Cụ thể, có những nơi, đến 50% hay 80% các cháu có biểu hiện đau và mệt mỏi. Nhưng ở Việt Nam, theo hệ thống báo cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng thu nhận từ các điểm tiêm chủng thì con số trung bình ghi nhận trên toàn quốc chỉ có xấp xỉ gần 10% là phản ứng thông thường. Còn phản ứng nặng chúng ta cũng có ghi nhận, đó là những phản ứng phản vệ độ 2 và các cháu đã được xử trí kịp thời và qua khỏi.

Về những trường hợp nặng, bà Dương Thị Hồng cho hay đó là những trường hợp ghi nhận có vài phản ứng viêm cơ tim nhưng với sự tập huấn của các chuyên gia y khoa nên đã được xử trí rất kịp thời, không để xảy ra rủi ro đáng tiếc.

Số liệu thống kê đến nay cho biết trong số 17 triệu mũi tiêm đã triển khai, cơ quan y tế ghi nhận có 5 trường hợp trên 1 triệu liều vắc xin sử dụng có phản ứng nặng, tức là các cháu phải quay trở lại cơ sở y tế để điều trị.

Đây là chiến dịch được ghi nhận với số liệu rất an toàn, hoàn toàn nằm trong những khuyến cáo mà Tổ chức Y tế Thế giới cũng như nhà sản xuất đưa ra.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết thêm tiếp theo tiêm chủng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, trên thế giới đang tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Theo thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới được cập nhật, có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

PGS - TS - BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ tháng 7.2021 đến nay đã điều trị hơn 2.000 ca Covid-19, trong đó trẻ em từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi là 1.100 trường hợp.

Sau tiêm cho trẻ từ 12 - 18 tuổi từ tháng 11.2021, số nhập viện giảm hẳn. Cụ thể, tháng 11.2021 có 163 trường hợp các cháu nhập viện, tháng 12.2021 có 150 trường hợp. Đến tháng 1.2022 chỉ có 75 trường hợp. Bên cạnh đó cũng có nhiều yếu tố dẫn đến trẻ em nặng nhập viện giảm nhưng “tiêm vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ca mắc và nhập viện”.

PGS - TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng bày tỏ trên thực tế tại Hà Nội, tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp và nhóm trẻ được tiêm chủng đã đi học. Khi các cháu bị nhiễm thì tình trạng nhẹ. Chưa có trường hợp nào được tiêm chủng từ 12 - 17 tuổi phải nhập viện.

Phát hiện 3 chủng virus corona mới ở dơi

Ba virus corona mới có liên quan đến virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện trên dơi ở Lào.

Đây là kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature hôm 16.2, do các nhà khoa học thuộc Viện Pasteur và Đại học Quốc gia Lào thực hiện.

Các nhà nghiên cứu cho rằng phát hiện trên cung cấp thêm cơ sở cho giả thuyết về nguồn gốc động vật của Covid-19.

Cụ thể, virus BANAL-103, BANAL-236 và BANAL-52 có trình tự gien tương tự như virus gây đại dịch Covid-19, đặc biệt là ở “vùng quan trọng của protein đột biến cho phép virus liên kết với tế bào chủ”.

3 loại virus này có khả năng xâm nhập tế bào con người qua thụ thể tương tự như SARS-CoV-2.

Ông Marc Eloit, Trưởng phòng thí nghiệm Phát hiện mầm bệnh tại Viện Pasteur Lào, cho biết:

"Sự tồn tại của các virus này trong ổ dơi ủng hộ giả thuyết rằng SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ những con dơi sống ở vùng cao nguyên địa hình cácxtơ rộng lớn ở bán đảo Đông Dương, trải dài qua Lào, Việt Nam và Trung Quốc”.

Kết quả này cho thấy các virus khác có liên quan đến SARS-CoV-2 gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Trước đó, một nghiên cứu khác do các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện cho thấy chủng virus có nguồn gốc từ dơi NeoCoV là họ hàng gần nhất của virus corona gây bệnh MERS-CoV với khả năng lây nhiễm sang người, có nguy cơ đột biến. Vì vậy, nên được coi là mối đe dọa an toàn sinh học tiềm ẩn đối với nhân loại.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp MERS-CoV vào danh sách có tiềm năng gây ra các đại dịch trong tương lai, sau khi bệnh này bùng phát ở 21 quốc gia vào năm 2015.

Hồi tháng 1.2022, nhà miễn dịch học Vladimir Bolibok nhận định dơi đại diện cho “nguồn dự trữ tự nhiên của rất nhiều biến thể virus corona”.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 18.2 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.