Bản tin Covid-19 ngày 25.10: Hàng quán rục rịch chuẩn bị bán ăn uống tại chỗ

25/10/2021 19:55 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 25.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin Covid-19 ngày 25.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước ghi nhận 3.639 ca Covid-19 mới, 1.323 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 25.10 cho biết tính từ 17 giờ ngày 24.10 đến 17 giờ ngày 25.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.639 ca nhiễm mới, 1.323 ca khỏi bệnh.

Trong ngày, cả nước ghi nhận 65 ca tử vong tại 7 tỉnh, thành phố nâng tổng số ca tử vong lên 21.738 ca.Thông tin về 3.639 ca nhiễm mới như sau:

  • 19 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 3.620 ca ghi nhận trong nước (giảm 408 ca so với ngày trước đó) tại 53 tỉnh, thành phố (có 1.573 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (969), Bình Dương (517), Đồng Nai (458), An Giang (232), Tây Ninh (163), Bạc Liêu (156), Tiền Giang (111), Kiên Giang (99), Sóc Trăng (87), Long An (74), Trà Vinh (60), Bình Thuận (57), Gia Lai (52), Hậu Giang (48), Khánh Hòa (44), Cà Mau (42), Phú Thọ (37), Đắk Lắk (33), Bà Rịa - Vũng Tàu (27), Cần Thơ (26), Thừa Thiên-Huế (23), Bến Tre (23), Hà Giang (22), Nam Định (21), Thanh Hóa (21), Bình Định (20), Đồng Tháp (19), Hà Nội (18), Vĩnh Long (18), Nghệ An (15), Quảng Trị (15), Hà Nam (14), Đắk Nông (13), Ninh Thuận (12), Quảng Nam (12), Bình Phước (10), Quảng Bình (8 ), Quảng Ngãi (8 ), Quảng Ninh (5), Bắc Ninh (5), Kon Tum (4), Ninh Bình (3), Lâm Đồng (3), Hà Tĩnh (3), Vĩnh Phúc (3), Phú Yên (2), Lạng Sơn (2), Hải Dương (1), Đà Nẵng (1), Thái Bình (1), Bắc Giang (1), Lai Châu (1), Lào Cai (1).
Ngày 25.10: Cả nước 3.639 ca Covid-19, 1.323 ca khỏi | TP.HCM 969 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (-209), Đắk Lắk (-160), An Giang (-65).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hậu Giang (+48), Tiền Giang (+33), Tây Ninh (+31).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.609 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 892.579 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.063 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 887.797 ca, trong đó có 804.484 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 14 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (426.090), Bình Dương (229.357), Đồng Nai (61.990), Long An (34.301), Tiền Giang (15.737).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.323
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 807.301

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.135 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.347
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 350
  • Thở máy không xâm lấn: 96
  • Thở máy xâm lấn: 327
  • ECMO: 15

Trong ngày, cả nước ghi nhận 65 ca tử vong tại 7 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (40), Bình Dương (11), Đồng Nai (7), Tây Ninh (3), Bạc Liêu (2), An Giang (1), Tiền Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 67 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.738 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngày 25.10: Thông báo 65 ca Covid-19 tử vong tại 7 tỉnh thành

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 74.125 xét nghiệm cho 153.097 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4./2021 đến nay đã thực hiện 21.713.785 mẫu cho 59.316.823 lượt người.

Trong ngày 24.10 có 1.120.951 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 74.050.037 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 52.584.839 liều, tiêm mũi 2 là 21.465.198 liều.

Nhiều địa phương sẽ tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ 12 - 17 tuổi

Theo đó, vắc xin sử dụng cho trẻ em là loại đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vắc xin được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vắc xin.

“Các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur sẽ hướng dẫn cụ thể việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi cho các tỉnh, thành phố theo địa bàn phân công phụ trách”, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng nói thêm.

Nhiều địa phương sẽ tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ 12 - 17 tuổi phòng Covid-19

Thông tin thêm về hướng dẫn triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em tại phía bắc, TS-BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc (Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư) cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thành hướng dẫn tiêm vắc xin Covid-19 cho các cháu trong lứa tuổi 12 - 17. Hiện loại sử dụng tiêm cho nhóm này là vắc xin Covid-19 Pfizer.

Dự kiến, trong tuần tới sẽ hướng dẫn cho các tỉnh, thành phía bắc. Việc tiêm cho các cháu được triển khai khi có vắc xin về”.

Đề xuất cho phép ăn uống tại chỗ với một số điều kiện

Ngày 25.10, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đã có tờ trình UBND TP.HCM về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.HCM.

Đề xuất cho phép ăn uống tại chỗ nhưng không mở máy lạnh, không bán rượu bia

duy tính

Theo đó, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (gọi tắt là cơ sở) trên địa bàn TP.HCM chỉ được hoạt động khi đã đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và các quy định liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.HCM. Bộ tiêu chí gồm 6 tiêu chí:

Tiêu chí 1: Cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (trừ các cơ sở được quy định tại điều 1, Nghị định 15/2018/NĐ - CP ngày 2.2.2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực thực phẩm) và có đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm gov.vn/ (theo Chỉ thị 18 ngày 30.9.2021 của UBND UBND TP.HCM về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM.

Tiêu chí 2: Đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở phải thực hiện đúng theo quy định (về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu, các chứng từ liên quan).

Tiêu chí 3: Các cơ sở phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế, bố trí khu vực giao nhận sản phẩm; trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay và có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô tay sử dụng 1 lần.

Tiêu chí 4: Người lao động, người đến cơ sở (người giao nhận hàng, khách hàng, người liên hệ cơ sở…) phải tuân thủ nguyên tắc “5K"; phải thực hiện quét mã QR và thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 (khai báo y tế, tiêm vắc xin, thực hiện xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19)...

TP.HCM: Đề xuất cho phép ăn uống tại chỗ nhưng không mở máy lạnh, không bán rượu bia

Tiêu chí 5: Tùy vào cấp độ dịch tại nơi kinh doanh, cơ sở thực hiện hạn chế số lượng người bán, người mua thực phẩm cùng một thời điểm theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tiêu chí 6: Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ: không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín; không bán rượu, bia. Khách ăn, uống tại chỗ phải đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn ngành y tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19 .

Theo tờ trình, đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ phải thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm; quy định về công tác phòng chống dịch Covid-19 và đạt 6 tiêu chí nêu trên...

Quán phở, hủ tiếu Sài Gòn dọn sẵn bàn, chờ ngày đón khách tại chỗ

Sau khi có thông tin TP.HCM chuẩn bị cho phép các địa điểm ăn uống được phục vụ tại chỗ, trong điều kiện cho phép thì trong chiều ngày 24.10 nhiều chủ hàng quán Sài Gòn đã rục rịch dọn dẹp để chuẩn bị, trong sự vui mừng và cả lo lắng.

Quán phở, hủ tiếu Sài Gòn dọn sẵn bàn, chờ ngày đón khách tại chỗ

Đã hơn 4 tháng dịch vụ ăn uống tại chỗ bị gián đoạn, hơn bao giờ hết, các chủ hàng quán tại Sài Gòn luôn từng ngày mong mỏi được phục vụ thực khách ăn uống tại chỗ để có thêm nguồn doanh thu nhằm chi trả cho các chi phí khác nhau.

Được ngồi ăn tại chỗ mang lại nguồn thu nhập tốt hơn cho các chủ quán tại Sài Gòn

nguyễn minh tâm

Chị Ngô Thanh Yến, chủ quán hủ tiếu (Q.10, TP.HCM) cho biết "Cảm xúc tôi rất là mừng, có thể là ngủ không được luôn. Tại vì, 4 tháng mấy rồi không gặp khách hàng. Khi cho ngồi ăn lại, gặp lại khách hàng rất là mừng. Tại vì, khách hàng rất là vui vẻ."

Theo nhiều thực khách tại Sài Gòn trải nghiệm ăn tại chỗ vẫn là ngon nhất

nguyễn minh tâm

Ngoài sự phấn khởi, các chủ hàng quán như chị Yến hay anh Phong đều hiểu rằng thành quả chống dịch ban đầu mà ngày hôm nay TP.HCM đạt được là quá trình rất dài và gian nan của cả chính quyền và người dân. Chính vì vậy dù được phục vụ ăn uống tại chỗ, việc bố trí bàn ghế vẫn phải tuân thủ giãn cách và quy tắc 5K phải được đặt lên hàng đầu.

Hàng quán Sài Gòn trước ngày bán tại chỗ: ‘mừng nhưng vẫn lo’

Chiều 24.10.2021, trước ngày dự kiến hàng quán tại TP.HCM được phục vụ tại chỗ; nhiều nhà hàng, quán ăn đã chuẩn bị sẵn sàng.

Hàng quán Sài Gòn trước ngày bán tại chỗ: ‘Mừng nhưng vẫn lo’

Chị Trần Bé, chủ quán bánh cuốn Hồng Hạnh nổi tiếng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM) hồi hộp, nôn nao chờ đợi thông tin chính thức từ thành phố về ngày được mở bán tại chỗ trở lại.

Chị Trần Bé, chủ quán bánh cuốn Hồng Hạnh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai nôn nao chờ quyết định mở bán tại chỗ của thành phố

lê nam

Trước đợt dịch thứ 4, quán bánh cuốn này luôn nhộn nhịp, tấp nập khách cả trong và ngoài nước ra vào, đặc biệt là khách Hàn Quốc.

Suốt 5 tháng đóng cửa, sau đó được bán mang về, chị Bé và nhiều nhân viên nhớ cảm giác bàn ghế đông vui khách khứa, vui vẻ trò chuyện.

Tiệm bánh cuốn nổi tiếng này thu hút đông khách trong và ngoài nước thời điểm trước khi Covid-19 xuất hiện

lê nam

Tương tự như chị Bé, anh Trung Hiếu (44 tuổi) chủ quán Làng Cua Đồng - Cơm gia đình, đặc sản món bắc ở P.Đa Kao( Q.1), cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, chỉ cần thành phố cho phép sẽ có thể đón khách trở lại.

Chủ quán Làng Cua Đồng - Cơm gia đình, đặc sản món bắc ở P.Đa Kao (Q.1) cũng sẵn sàng chờ ngày mở bán tại chỗ

lê nam

Dự kiến thời gian tới, hàng quán tại những vùng an toàn ở TP.HCM sẽ được bán tại chỗ với các yêu cầu cụ thể như chỉ được động trước 21 giờ, công suất phục vụ tối đa 50%, mật độ không quá 2 người/ bàn, khoảng cách bàn ăn tối thiểu 2 mét.

Các tiệm ăn vẫn nôn nao, mong ngóng quyết định chính thức từ thành phố

lê nam

Theo nhiều người, các các yêu cầu trên tương đối khắt khe, các đơn vị hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ phải rất nỗ lực để đáp ứng được các tiêu chí trên.

Vì vậy, phần doanh thu vẫn kỳ vọng chủ yếu vào mảng giao hàng và chờ tình hình dịch bệnh sẽ sớm có nhiều dấu hiệu khả quan hơn trong thời gian tới.

Niềm vui của tiếp viên, tài xế ngày xe buýt lăn bánh lại giữa "bão tố" Covid-19

TP.HCM đã cho phép 8 tuyến xe buýt hoạt động lại từ 25.10.2021. Trong đó, các tuyến xe buýt số 14 (Bến xe miền Đông - Bến xe miền Tây), số 20 (Bến Thành - Nhà Bè), số 27 (Bến xe buýt Sài Gòn - Bến xe An Sương), số 29 (Phà Cát Lái - Chợ nông sản Thủ Đức), số 141 (Khu du lịch BCR - Khu chế xuất Linh Trung II) sẽ hoạt động với số chuyến 60 chuyến/ngày.

3 tuyến xe buýt còn lại là số 65 (Bến Thành - Bến xe An Sương), số 74 (Bến xe An Sương - Bến xe Củ Chi), số 79 (Bến xe Củ Chi - Đền Bến Dược) hoạt động với 54 chuyến mỗi ngày.

Các tuyến xe buýt này chủ yếu chạy trên các trục đường chính, lộ trình qua các bến xe, bệnh viện tại TPHCM. Thời gian hoạt động từ 5 giờ đến 18 giờ mỗi ngày.

Niềm vui của tiếp viên, tài xế ngày xe buýt lăn bánh lại giữa "bão tố" Covid-19

Riêng tuyến 74, thời gian hoạt động tại Bến xe Củ Chi từ 4 giờ 30 đến 17 giờ 30 và Bến xe An Sương từ 5 giờ 30 đến 18 giờ 30 hằng ngày.

Tranh thủ dẹp lại chiếc xe buýt số 20 để chuẩn bị một chuyến xe mới, sáng 25.10.2021, vợ chồng chi Lưu Ngọc Hà và anh Lê Tấn Phong mới có thể trở lại công việc đã gắn bó với họ nhiều năm trời.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vợ chồng chị Hà cũng như nhiều đồng nghiệp làm việc trên những chuyến xe buýt đã phải nghỉ không lương ở nhà nhiều tháng nay. Mỗi ngày, họ đều mong sớm trở lại với công việc.

Đối với những người đã quen làm việc trên những chuyến xe buýt, những ngày qua thực sự rất dài mà mệt mỏi.

Mặc dù trong ngày đầu tiên khi xe buýt hoạt động trở lại lượng khách đi xe vẫn còn ít. Bên cạnh đó, mỗi chuyến xe cả tiếp viên, tài xế và hành khách cũng phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, những tiếp viên, tài xế vẫn vui vẻ làm công việc của mình.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 25.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.