Bản tin Covid-19 ngày 9.7: TP.HCM siết chặt phòng dịch ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16

09/07/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 9.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .

Bản tin Covid-19 ngày 9.7 của Báo Thanh Niên gồm có nhưng nội dung sau: 

 
Số ca mắc Covid-19 trong ngày lại cao "kỷ lục"
Bản tin dịch Covid-19 tối 9.7 của Bộ Y tế cho biết cả nước có thêm 591 ca mắc Covid-19, TP.HCM vẫn nhiều nhất 400 ca. Như vậy, tổng số ca mắc trong ngày là 1.625 bệnh nhân nâng tổng số bệnh nhân được ghi nhận kể từ đầu dịch lên 26.010 ca. Trong ngày cũng có 34 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Ngày 9.7: Cả nước 1.625 ca Covid-19, riêng TP.HCM chiếm tới 1.229 bệnh nhân

Thông tin về 1.625 ca mắc mới trong ngày như sau:
+ 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Tĩnh (3), Quảng Nam (2), Thái BÌnh (1), An Giang (1), Kiên Giang (1), Đồng Tháp (1).
+ 1.616 ca ghi nhận trong nước, trong đó 1.359 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Gồm: TP.HCM (1.229), Long An (77), Bình Dương (73), Tiền Giang (34), Đồng Nai (32), Đồng Tháp (32), Khánh Hoà (29), Phú Yên (28), Bắc Ninh (15), Bắc Giang (10), Trà Vinh (8 ), Hưng Yên (8 ), Quảng Ngãi (7), Cần Thơ (6), An Giang (5), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Hậu Giang (4), Vĩnh Phúc (2), Bạc Liêu (2), Hà Nội (2), Sóc Trăng (2), Gia Lai (1), Lâm Đồng (1), Thanh Hóa (1), Đắk Nông (1), Bình Phước (1), Đà Nẵng (1), Nghệ An (1).
Với 1.229 ca bệnh mới, TP.HCM tiếp tục nối dài chuỗi ngày dịch bệnh "kỷ lục", đây là lần đầu tiên Bộ y tế công bố số bệnh nhân Covid-19 trong một ngày ở thành phố ở mức 4 con số. Tổng số bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM tính từ đầu dịch (được Bộ Y tế công bố) đã vượt qua 5 con số với 10.614 bệnh nhân (chiếm 40,8% tổng số bệnh nhân cả nước kể từ đầu dịch).
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 26.010 bệnh nhân Covid-19 với 24.103 ca ghi nhận trong nước và 1.907 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27.4 đến nay là 22.533 ca
- Số ca tử vong: 110 ca.
- Số ca điều trị khỏi: 8.984 ca. 

Ngày 9.7: “Kỷ lục” 1.229 ca Covid-19, TP.HCM chiếm 75% bệnh nhân cả nước

Thêm 5 bệnh nhân Covid-19 tử vong

Chiều 9.7, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có thông báo về 5 ca tử vong thứ 106, 107, 108, 109 và 110 ở Việt Nam. 5 bệnh nhân tử vong này ghi nhận ở TP.HCM và Đồng Tháp.
Ca tử vong thứ 106 là BN15569, bệnh nhân nữ, 50 tuổi, địa chỉ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM. Bệnh nhân không ghi nhận tiền sử bệnh tật.
Bệnh nhân tử vong vào lúc 7 giờ 15 phút ngày 4.7 với chẩn đoán: suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch, tổn thương đa cơ quan.
Ca tử vong thứ 107 là BN13938, bệnh nhân nữ, 85 tuổi, địa chỉ tại quận 1, TP.HCM. Bệnh nhân có tiền sử tai biến mạch máu não, nằm một chỗ đã lâu.
Bệnh nhân tử vong vào lúc 6 giờ ngày 3.7 với chẩn đoán: viêm phổi nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch, suy hô hấp cấp, tổn thương đa cơ quan, suy tim, nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp trên bệnh nhân di chứng tai biến mạch máu não.

Chiều 9/7: Thêm 5 ca Covid-19 tử vong, một bệnh nhân không có bệnh nền

Ca tử vong thứ 108 là BN20587, bệnh nhân nữ, 54 tuổi, địa chỉ tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Bệnh nhân tử vong vào lúc 23 giờ 30 phút ngày 4.7 với chẩn đoán tử vong: Covid-19 biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển, choáng nhiễm trùng trên bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường type 2.
Ca tử vong thứ 109 là BN20026, bệnh nhân nữ, 43 tuổi, địa chỉ tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường đang điều trị, Thalassemia đã cắt lách.
Bệnh nhân tử vong vào lúc 5 giờ ngày 3.7 với chẩn đoán: hội chứng mạch vành cấp trên bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, tăng men gan cấp, đái tháo đường type 2, Thalassemia đã cắt lách, suy kiệt cơ thể.
Ca tử vong thứ 110 là BN21623, bệnh nhân nữ, 59 tuổi, địa chỉ tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2, sống trong vùng có ca mắc Covid-19.
Ngày 6.7, bệnh nhân được làm xét nghiệm RT- PCR, có kết quả dương tính với SARS-CoV-2; đang chờ đưa đi cách ly tập trung, điều trị. Tuy nhiên, khi đội vận chuyển vào thì phát hiện bệnh nhân ngưng tim thở. Kết quả khám nghiệm tử thi, chẩn đoán nguyên nhân tử vong: Nhiễm Covid-19 trên nền bệnh nhân suy hô hấp, suy tim mạn, đái tháo đường, lao đa màng.

TP.HCM tái lập 12 chốt kiểm soát, nhiều xe phải quay đầu

 
0 giờ ngày 9.7 tại cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (trạm thu phí Long Phước), tổ công tác gồm lực lượng CSGT (Đội CSGT Cát Lái), công an địa phương, quân đội, y tế… cùng nhiều lực lượng liên ngành phối hợp thiết lập chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cửa ngõ vào TP.
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là khu vực dành riêng cho xe ô tô, xe tải kết nối từ Đồng Nai đi TP.HCM với độ dài hơn 50 km. Tại chốt đặt gần trạm thu phí Long Phước (cửa ngõ vào TP.HCM), từ tối 8.7 đã có mặt lực lượng chức năng túc trực, họp bàn triển khai công tác thiết lập chốt kiểm soát dịch trong ngày đầu tiên giãn cách theo Chỉ thị 16.

TP.HCM tái lập 12 chốt kiểm soát cửa ngõ phòng Covid-19, nhiều xe phải quay đầu

Từ tối 8.7, lượng ô tô, xe container di chuyển vào TP.HCM khá thưa thớt. Thời điểm tổ công tác triển khai lập chốt kiểm soát dịch tại đây, nhiều tài xế xuất trình được giấy phép lái xe, chứng minh thư cũng như giấy xét nghiệm âm tính trước khi vào lại TP.HCM.
Lực lượng y tế cũng sử dụng máy đo thân nhiệt tự động tiến hành kiểm tra thân nhiệt từ xa đối với các tài xế. Trường hợp các tài xế chưa khai báo y tế online sẽ được yêu cầu vào check mã vạch để khai báo.

Người vào TP.HCM nếu chưa khai báo y tế online phải xuống xe khai báo và cần có giấy xét nghiệm âm tính

ẢNH: TRẦN TIẾN

Tại đây, tổ công tác chia thành 5 làn xe và cử nhiều lực lượng túc trực, kiểm tra tất cả các xe di chuyển về hướng TP.HCM. Nếu trường hợp giấy xét nghiệm quá 3 ngày (72 giờ) sẽ được mời vào bàn làm việc để trình bày lý do. Đối với các trường hợp không có giấy xét nghiệm âm tính sẽ không được phép di chuyển vào TP.HCM và buộc quay đầu xe.
Cũng trong buổi đầu tiên thiết lập giãn cách theo Chỉ thị 16, hàng loạt tài xế buộc phải quay đầu xe vì không có đủ giấy tờ cũng như lý do không chính đáng.
  

Một phần tòa nhà Thuận Kiều Plaza thành bệnh viện dã chiến

Ngày 9.7, hàng trăm công nhân miệt mài cải tạo 1 phần của tòa nhà Thuận Kiều Plaza (nay là The Garden Mall - 190 Hồng Bàng, P.2, Q.5, TP.HCM) – nợi dự kiến làm Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 5. Đây là ngày thứ 2 cải tạo tòa nhà này.
Công việc cải tạo dự kiến từ 8 - 10 ngày. Hiện công việc dọn đồ, ngăn phòng, điện, nước… đang tiến hành khẩn trương. Vật liệu xây dựng, công nhân ra vào tòa nhà chủ yếu diễn ra ở phía mặt đường Tân Hưng.

Cận cảnh một phần Thuận Kiều Plaza sắp thành bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19

Thông tin ban đầu cho biết, tòa nhà Thuận Kiều Plaza được cải tạo phần lầu 1 và 2 với quy mô 1.000 giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. 1.000 giường bệnh chỉ được cải tạo ở khu vực trung tâm thương mại, không liên quan đến các căn hộ ở 3 tòa tháp.

Khu thương mại tầng 1, 2 với 20.000m2 của tòa nhà Thuận Kiều Plaza dùng làm bệnh viện dã chiến 1.000 giường

ẢNH: ĐỘC LẬP

Trước đó, TP.HCM đã đưa vào hoạt động 4 Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, gồm: Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1, quy mô 4.000 giường, được chuyển hóa công năng từ Ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM; Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2, quy mô 2.000 giường, được chuyển hóa công năng từ chung cư tái định cư P.Tân Thới Nhất, Q.12.
Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3, quy mô 3.000 giường, chuyển đổi từ khu nhà tái định cư ở TP. Thủ Đức; Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4, chuyển đổi từ khu nhà tái định cư ở H.Bình Chánh, quy mô 3.000 giường.

Thêm 600.000 liều vắc xin Nhật Bản tài trợ về đến TP.HCM

Cùng với 400.000 liều được chuyển về hôm 2.7, như vậy, toàn bộ 1 triệu liều vắc xin Covid-19 của Nhật Bản tài trợ đã về Việt Nam phục vụ chiến lược tiêm chủng vắc xin của Chính phủ.

Thêm 600.000 liều vắc xin Covid-19 Nhật Bản tài trợ về đến TP.HCM

Hôm 2.7, ngay sau khi lô vắc xin về đến sân bay, Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS, doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam) đã chuyển vào kho và lưu giữ theo hướng dẫn. Công ty TCS cho biết sẽ miễn phí phục vụ và phí lưu kho đối với lô hàng này và lô hàng tiếp theo (khi đó dự kiến là vào ngày 8.7).
Trước đó, ngày 16.6, Nhật Bản đã viện trợ Việt Nam gần 1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 AstraZeneca. Mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5 ml (được tiêm bắp). Như vậy, tổng cộng Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam gần 2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của hãng AstraZeneca.

Chiếc xe X-Quang trước Bệnh viện dã chiến

Những ngày qua, các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 1 (Ký túc xá ĐH Quốc Gia TP.HCM) được chụp X-Quang ngay trên một xe lưu động được trang bị công nghệ trí thông minh nhân tạo.
Xe chụp X-Quang di động(X- ray DR Mobile) được thiết kế 2 phòng riêng, tách biệt giữa bệnh nhân với kỹ thuật viên chụp X-Quang, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm chéo khi chụp.
Ngoài ra, xe X-Quang di động sử dụng liều tia X ngưỡng thấp nhất nên an toàn cho bệnh nhân và cả nhân viên y tế khi sử dụng.

Chiếc xe X-Quang chụp phổi chỉ trong 5 giây trước Bệnh viện dã chiến Covid-19

Bệnh nhân được chỉ định chụp X-Quang phải mặc đồ bảo hộ tiến vào phòng chụp theo hướng dẫn của kỹ thuật viên qua hệ thống âm thanh tự động. Tín hiệu thu từ phòng chụp X-Quang sẽ được đưa lên hệ thống chẩn đoán trực tuyến có sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI). Cchỉ sau 5 giây kết quả chẩn đoán kèm hình ảnh mô phỏng đã có trên máy tính của kỹ thuật viên.
Hệ thống phần mềm trên xe chụp X-Quang di động sẽ chuyển toàn bộ kết quả chẩn đoán từ AI đến nhóm 5 bác sĩ chuyên về chẩn đoán hình ảnh của Trung Tâm Medic Hòa Hảo (TP.HCM).
Dựa trên kết quả này, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất cho các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1. 
Xe X-Quang lưu động này do một công ty tại TPHCM ủng hộ khi bệnh viện dã chiến số 1 đi vào hoạt động từ ngày 28.6.2021. Phương tiện này nhằm giúp bệnh viện chẩn đoán sớm và theo dõi tổn thương phổi do các biến thể mới của SARS-CoV-2 gây ra cho các bệnh nhân đang điều trị tại đây.
 

Bị phạt 2 triệu vì ra Công viên Gia Định tập thể dục giữa đại dịch Covid-19

 
Sáng 9.7, UBND phường 9 (quận Phú Nhuận) đã tổ chức ra quân xử phạt các trường hợp ra đường không có lí do chính đáng, vi phạm quy định trong Chỉ thị 16 tại khu vực quanh Công viên Gia Định. Mặc dù có quy định không ra đường nếu không có việc cần thiết nhưng một số người dân vẫn vi phạm.
Một người đàn ông khi lực lượng chức năng kiểm tra việc đi lại quanh Công viên Gia Định đã lấy lý do là đang tìm nơi có bán đồ ăn để ghé mua.
Trong buổi sáng, lực lượng chức năng phường 9 đã xử phạt 3 trường hợp, mỗi trường hợp 2 triệu đồng với lỗi vi phạm Chỉ thị 16.
 

Bị phạt 2 triệu vì ra Công viên Gia Định tập thể dục giữa đại dịch Covid-19

Như Thanh Niên đã thông tin kể từ 0 giờ ngày 9.7, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng chính phủ trong thời gian 15 ngày để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Chỉ thị này yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ hoặc làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở khác được quy định.
Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.
 

Đi xét nghiệm lấy “giấy thông hành”, nhận kết quả dương tính Covid-19 

Ngày 9.7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Bình Phước cho biết, mẫu xét nghiệm liên quan đến một người đến phòng khám đa khoa Tâm Đức (TP.Đồng Xoài) test nhanh lấy giấy xét nghiệm Covid-19 đã dương tính với Covid-19 qua xét nghiệm PCR.
Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 8.7, một phụ nữ 49 tuổi (ngụ P.Tân Bình, TP.Đồng Xoài) đến phòng khám đa khoa Tâm Đức (TP.Đồng Xoài) test nhanh Covid-19 dịch vụ để lấy giấy xét nghiệm Covid-19.

Đi xét nghiệm lấy “giấy thông hành”, nhận kết quả dương tính Covid-19

Tại khu vực khám sàng lọc, test nhanh phía trước phòng khám, mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính. Sau khi đưa vào phòng cách ly, phòng khám thực hiện lấy mẫu lần 2 vẫn cho kết quả dương tính nên phòng khám đã báo CDC lấy mẫu xét nghiệm PCR khẳng định và tiếp tục cho kết quả dương tính với Covid-19 vào khuya cùng ngày.
Qua điều tra, truy vết, trường hợp này có liên quan đến chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM. Đến nay đã có 8 trường hợp F1 là những người đi lấy hàng, tài xế chở hàng tại chợ đầu mối Bình Điền và những người cùng buôn bán hàng với người này cùng 78 trường hợp F2 được xác định.
 

Người bán vé số trong nỗi lo “nước mắm, dưa leo sống qua ngày” vì Covid-19

 
Hơn 10 năm bán vé số, bà được hỗ trợ có cái bàn bán vé số ở đường Trường Chinh (quận Tân Bình). Tuy không phải đi bán dạo dọc các tuyến đường như nhiều người nhưng bà cũng phải lấy vé số về bán lại mỗi ngày kiếm được gần 200 ngàn đồng tiền lời.
Sống cùng con gái và cháu ngoại, trước dịch Covid-19 con gái bà Thanh còn đi làm phụ tiền nhà. Dịch Covid-19 bùng phát làm con bà cũng thất nghiệp nên bà lại càng lo lắng hơn khi không thể đi bán vé số kiếm tiền.

Người bán vé số rơi nước mắt trong nỗi lo thất nghiệp dài ngày vì Covid-19

Bà Thanh cho biết: "Giờ chưa biết làm gì nữa, giờ xin xếp bao giấy mà người ta hết rồi, tất cả đều ngưng hết rồi. Làm gì bây giờ? Giờ chỉ có ăn mắm muối bậy bạ sống đỡ 14 ngày. Lát mua 5 kg gạo, thì mấy mẹ con ăn cũng được 10 ngày, rồi tới đâu hay tới đó. Mình thì không nói chi, chén nước mắm với dưa leo sống chứ không cần đồ ăn. Chỉ cần mình sống để nuôi cháu, nuôi con".
Trong khi đó, không có một nơi cố định để bán, bà Nguyễn Thị Gái phải đi dọc các tuyến phố để bán vé số mỗi ngày. Ngày 8.7, lấy 150 tờ nhưng bà phải trả lại 50 tờ vé số trước giờ xổ số vì không bán được. Những điều làm bà lo lắng hơn cả là từ ngày 9.7 bà không có vé số để bán. 

Chiều 8.7, bà Thanh tranh thủ bán nốt ngày cuối cùng trước khi thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16

Nguyễn Anh

Dòng người lúc tan tầm cũng giúp bà Thanh, bà Gái mua hết những tờ vé số cuối cùng trong ngày 8.7. Nhưng thay vì vui mừng thì lòng họ nặng trĩu vì không biết những ngày tới sẽ phải xoay sở thế nào khi chỉ có một công việc duy nhất để mưu sinh.
Trước đó, TP.HCM ra công văn hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong 15 ngày để phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, thành phố tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống, nếu không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch thì tạm thời đóng cửa và thực hiện các biện pháp khắc phục, tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số, bán vé số dạo, tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về trong 15 ngày từ 0 giờ ngày 9.7.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 9.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.