Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 21.8: TP.HCM thành lập các Tổ công tác đặc biệt

21/08/2021 19:32 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 21.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 21.8.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 13.439 ca nhiễm Covid-19 mới, 7.272 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 21.8 cho biết tính từ 18h30 ngày 20.8 đến 18h ngày 21.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.321 ca nhiễm mới. Ngày 21.8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương đăng ký bổ sung 2.118 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19. Như vậy, tổng số ca nhiễm Covid-19 được công bố trong ngày 21.8 là 13.439 ca.
Đây cũng là ngày ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất kể từ đầu dịch.
7.272 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 21.8.

TP.HCM giãn cách từ ngày 23.8: Có việc cần, người dân gọi điện cho ai?

Thông tin về 11.321 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 21,8 như sau:
- 22 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 11.299 ca ghi nhận trong nước (trong đó có 7.428 ca trong cộng đồng), gồm: Bình Dương (4.505), TP.HCM (4.084), Tiền Giang (589), Đồng Nai (551), Long An (393), Đà Nẵng (197), Đồng Tháp (109), Cần Thơ (100), Tây Ninh (83), Hà Nội (76), Khánh Hòa (76), An Giang (71), Nghệ An (60), Bà Rịa - Vũng Tàu (57), Phú Yên (45), Kiên Giang (43), Bình Thuận (43), Bến Tre (42), Đắk Lắk (32), Quảng Nam (32), Trà Vinh (24), Hậu Giang (12), Gia Lai (11), Lâm Đồng (10), Bình Phước (8 ), Lạng Sơn (7), Cà Mau (6), Thừa Thiên - Huế (6), Quảng Bình (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (3), Quảng Ngãi (3), Thanh Hóa (3), Hà Tĩnh (3), Ninh Bình (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Hải Dương (1), Phú Thọ (1).
- Ngày 21.8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương đăng ký bổ sung 2.118 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19. Như vậy, tổng số ca nhiễm được Bộ Y tế công bố tại Bình Dương trong ngày 21.8 là 6.623 ca.
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 2.767 ca. Tại Bình Dương tăng 2.400 ca, TP.HCM tăng 709 ca, Tiền Giang tăng 222 ca, Đồng Nai giảm 135 ca, Long An tăng 26 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 336.707 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.425 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 332.626 ca, trong đó có 137.313 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Hải Phòng, Yên Bái.
+ Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Thái Bình.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (171.801), Bình Dương (66.447), Long An (17.440), Đồng Nai (16.839), Tiền Giang (6.575).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 140.087 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 687 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 24 ca.

Từ 23.8, dân trong “vùng xanh”, “vùng vàng” tại TP.HCM vẫn đi chợ bình thường

- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 20/8 là 7.540 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới. Số ca tử vong trong ngày hôm nay chưa cập nhật do Tiểu ban điều trị chưa chuyển số liệu về
- Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 9.268.865 mẫu cho 27.043.618 lượt người.
- Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 16.494.665 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.787.599 liều, tiêm mũi 2 là 1.707.066 liều.

TP.HCM ra quy định chi tiết về tăng cường giãn cách xã hội từ 23.8

Ngày 21.8, UBND TP.HCM có văn bản về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo văn bản này, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức tăng cường thực hiện một số biện pháp nhằm đạt mục tiêu kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP trước ngày 15.9 với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch” kể từ 00 giờ 00 ngày 23.8 đến hết ngày 6.9.
Cụ thể, về thực hiện triệt để giãn cách xã hội, phải thực hiện nghiêm cách ly nhà; tổ dân phố/tổ nhân dân cách ly tổ dân phố/tổ nhân dân; khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn.
Thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, trong đó tập trung tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao (“vùng cam”, “vùng đỏ”); tham gia công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội; duy trì các tổ tự quản bảo vệ vùng xanh; đi chợ thay cho người dân, thực hiện an sinh xã hội.

TP.HCM quy định chi tiết về giãn cách từ 23.8: Người dân 'vùng xanh' đi chợ 1 lần/tuần

TP.HCM khẳng định không phong tỏa hay trong tình trạng khẩn cấp sau 23.8

Lúc 15 giờ hôm nay 21.8, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về các biện pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn trong những ngày tới. Đây là buổi họp báo thứ 3 liên tiếp trong 3 ngày qua. 
Mở đầu buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 cho biết sau khi thành phố thông tin tiếp tục tăng cường nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất lây lan của Covid-19 thì người dân có tâm lý lo lắng, nên sáng nay (21.8) ghi nhận tình trạng bà con ra đường đông để mua sắm tích trữ hàng hóa.
Ông Hải nói rằng đây là tình trạng mất trật tự giãn cách xã hội, đe dọa, nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nếu tình trạng này không chấm dứt sẽ khó kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.
Do đó, Ban chỉ đạo khẳng định không thực hiện phong tỏa TP.HCM trong 2 tuần tới cũng như không thực hiện tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Vì theo khoản 2 điều 42 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, thì trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố.

TP.HCM không phải phong tỏa hay trong tình trạng khẩn cấp sau 23.8

Những ai được phép ra đường sau 23.8?

Ngày 21.8, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký văn bản liên quan đến tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng Covid-19 nhằm thực hiện mục tiêu 'ai ở đâu ở yên đó'.
Kể từ 0 giờ ngày 23.8, đến ngày 6.9, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của thành phố, của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện phương án 3 tại chỗ hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” (tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị) và phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 00 giờ ngày 23.8.
Các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông vẫn thực hiện theo Công văn số 2718 ngày 15.8 của UBND TP.HCM, bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định.

TP.HCM giãn cách từ ngày 23.8: Những ai được phép ra đường?

TP.HCM cam kết cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân

Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM nói TP 'cam kết cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân'.
Theo đó, sau khi có thông tin thành phố tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp nhằm tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch Covid-19 bắt đầu từ 0 giờ ngày 23.8, thì bắt đầu có tình tình trạng người dân ra đường rất đông để mua sắm, tích trữ hàng hóa.
Điều này sẽ dẫn đến tình trạng mất trật tự, ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội, đe dọa trực tiếp tới nguy cơ làm làm lây lan mạnh dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nếu tình trạng này không chấm dứt sẽ không thể thực hiện được việc kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch Covid-19.
Vì vậy, lãnh đạo TP.HCM kêu gọi người dân hãy bình tĩnh, không thu gom hàng hóa. Thành phố cam kết sẽ cung ứng đầy đủ cho người dân trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường. Đề nghị người dân hãy tin tưởng vào chính sách chăm lo của thành phố, không tin, không chia sẻ, không bình luận những thông tin sai sự thật.

TP.HCM cam kết cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân trong dịch Covid-19

Tạm dừng hoạt động của shipper ở 8 địa bàn

Ngày 21.8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình, ký văn bản khẩn thông báo về hoạt động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong những ngày sắp tới để phòng chống Covid-19.
Các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông vẫn thực hiện theo Công văn số 2718/UBND-VX ngày 15.8 của UBND TP.HCM, bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định.
Riêng lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại TP.Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn; đối với các quận, huyện còn lại thì shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định.

TP.HCM tạm dừng hoạt động của shipper ở 8 địa bàn từ ngày 23.8

Cho thôi việc Phó chủ tịch phường nói 'bánh mì mà thiết yếu gì'

Sáng 21.8, UBND TP.Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết đã có quyết định cho thôi việc đối với ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó chủ tịch UBND P.Vĩnh Hòa. Trước đó, vào ngày 11.8, UBND TP.Nha Trang cũng đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Thọ.
Lý do, ông Thọ nhận thức không đầy đủ, dẫn tới xử lý cứng nhắc, không đúng tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khi làm nhiệm vụ kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19; có thái độ, ứng xử thiếu chuẩn mực đối với người dân trong thực thi công vụ, gây bức xúc trong dư luận nhân dân; vi phạm quy định về Đạo đức của cán bộ, công chức; vi phạm về văn hóa giao tiếp với nhân dân...
Về việc xin thôi việc, tại quyết định giải quyết cho thôi việc đối với ông Trần Lê Hữu Thọ, do ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ UBND TP.Nha Trang ký ngày 19.8 nêu lý do ông Thọ có đơn xin thôi việc vì hoàn cảnh gia đình. Theo quyết định này, ông Thọ được nghỉ việc từ 1.9.

Cảnh cáo, cho thôi việc Phó chủ tịch phường nói 'bánh mì mà thiết yếu gì'

Đề xuất Quân khu 7 hỗ trợ 6.000 quân nhân, bác sĩ hỗ trợ TP.HCM

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Tổ trưởng Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM vừa có tờ trình gửi Chủ tịch UBND TP.HCM về kiến nghị Quân khu 7 hỗ trợ nhân lực trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Về số lượng cụ thể, Tổ điều phối nguồn nhân lực đề xuất 2.060 nhân viên quân y, gồm 400 bác sĩ, 1.600 nhân viên y tế khác, 30 lái xe cứu thương và 30 nhân viên y tế theo xe. Đồng thời, kiến nghị hỗ trợ thêm 4.000 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị chủ lực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và 30 xe cứu thương.
Việc đề xuất Bộ Tư lệnh Quân khu 7 hỗ trợ nhân lực, phương tiện nhằm giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo tại Nghị quyết 86 của Chính phủ.

TP.HCM đề xuất Quân khu 7 hỗ trợ 6.000 quân nhân, bác sĩ chống Covid-19

“Thi gan" với lực lượng chức năng để vào siêu thị

Sáng 21.8, lượng người đổ đến siêu thị Mega Market đông nghịt từ sáng sớm, lực lượng chức năng toát mồ hôi để đảm bảo giãn cách, hướng dẫn người dân. Một số trường hợp không có phiếu đi chợ, phiếu ghi sai ngày, khác quận không được vào đã cự cãi, đòi vào.
Hai ngày nay, lượng người đổ về các siêu thị trên thành phố tăng đột biến sau thông tin siết chặt giãn cách từ ngày 23.8 để phòng Covid-19.
Sau khi TP.HCM thông báo sẽ chính thức siết chặt giãn cách xã hội từ ngày 23.8.2021, người dân có tâm lý đổ xô đến các cửa hàng, siêu thị để tích trữ lương thực, thực phẩm. Các địa phương đã liên tục tuyên truyền, hướng dẫn bà con về việc sẽ đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, lượng người đổ về các siêu thị dự kiến sẽ còn tăng nhiều, trước ngày thành phố thực hiện tăng cường các biện pháp chống dịch.

"Thi gan" với lực lượng chức năng để vào siêu thị trước ngày siết chặt giãn cách

Dậy sớm chờ vào siêu thị để “ai ở đâu, ở yên đó”

Sáng 21.8.2021, rất nhiều người đã tới siêu thị Big C trên đường Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM xếp hàng đợi vào mua đồ. Nhiều người dân đã đổ về các siêu thị, cửa hàng để mua sắm, chuẩn bị cho những ngày TP.HCM giãn cách triệt để “ai ở đâu, ở yên đó”.
Những người muốn vào siêu thị phải khai báo y tế và xếp hàng chờ tới lượt. Nhiều người chấp nhận đứng cả ngoài nắng chờ tới lượt. Một số phải tìm bóng râm ngồi đợi vì đã hơn 11 giờ trưa.
Nhiều người đi từ sớm, sau khi vào siêu thị mua được những nhu yếu phẩm cần thiết cũng nhanh chóng ra về.

Xếp hàng mấy tiếng chờ vào siêu thị để “ai ở đâu, ở yên đó” chống Covid-19

Xếp hàng dài chờ mua thuốc trước ngày giãn cách triệt để

Sáng 21.8.2021, rất nhiều người đã tập trung tại các nhà thuốc ở trên đường Trường Chinh, đoạn giao với đường Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) để mua thuốc.
Do số lượng người đông nên phải xếp hàng dài chờ tới lượt. Nhiều người chuẩn bị sẵn đơn thuốc trên tay để thuận tiện khi mua thuốc.
Ở địa điểm này, không chỉ có người ở Q.Tân Bình mà ở các quận khác cũng tới đợi mua thuốc. Có người để đảm bảo an toàn khi đi mua thuốc còn mặc luôn bộ đồ bảo hộ.
Do nhiều người đi mua thuốc nên lực lượng chức năng đã có mặt để nhắc nhở người dân xếp hàng trật tự và giữ khoảng cách an toàn theo quy định. Các nhà thuốc cũng cử người ra hỗ trợ người dân mua thuốc.

Xếp hàng dài chờ cả tiếng để mua thuốc trước ngày TP.HCM giãn cách triệt để

Đà Nẵng sẽ kéo dài thời gian phong tỏa cứng thêm 3 ngày

Sáng nay 21.8, trao đổi với PV Thanh Niên, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, TP đã quyết định kéo dài thời gian phong tỏa cứng thêm 3 ngày sau khi hết hạn 7 ngày (kể từ 8 giờ ngày 23.8) để phòng, chống Covid-19.
Thông tin này cũng được ông Chinh báo cáo với Chính phủ tại cuộc họp giao ban sáng nay về công tác phòng chống dịch Covid-19. Với việc kéo dài thời gian phong tỏa cứng, TP sẽ tập trung xét nghiệm toàn dân, nhất là các điểm nóng hiện nay, như Q.Hải Châu, Sơn Trà… để bóc các F0 ra khỏi cộng đồng.
Việc phong tỏa TP trong 7 ngày được áp dụng từ ngày 16.8. Tính đến hôm nay (21.8), Đà Nẵng đã bước vào ngày phong tỏa thứ 6.

Đà Nẵng sẽ kéo dài thời gian phong tỏa cứng thêm 3 ngày, kể từ 8 giờ ngày 23.8 dập Covid-19

Nhóm người bốc vác chôm chôm trốn trong thùng xe tải ‘thông chốt’ kiểm soát

Ngày 21.8, Công an xã Gia Tân 1 (H.Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 13,5 đồng đối với tài xế và nhóm 1 người bốc vác chôm chôm do vi phạm quy định về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể xử phạt 11 người bốc vác số tiền 1 triệu đồng/người, do vi phạm ‘không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch’.
Riêng tài xế Hoàng Văn Thanh, bị phạt 2,5 triệu đồng về hành vi ‘cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ’.

Trốn trong thùng xe tải để thông chốt kiểm dịch, 11 người bốc vác bị phạt 11 triệu

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 21.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.