Bạn trẻ Việt ở châu Âu chia sẻ mẹo đeo khẩu trang để không bị kỳ thị

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
14/03/2020 10:02 GMT+7

Nhiều người châu Âu quan niệm ai bị bệnh mới đeo khẩu trang để tránh lây lan cho mọi người xung quanh, do vậy nếu đeo khẩu trang y tế ra đường trong thời gian Covid-19 đang bùng phát sẽ khó tránh khỏi bị kỳ thị.

Chị M.T (33 tuổi) một nhiếp gia ảnh tự do người Việt đang sống ở thành phố Genève (Thuỵ Sĩ) đã nghĩ ra cách có thể đeo khẩu trang ra đường mà không bị kỳ thị.
“Mọi người cứ hay hỏi mình là không sợ bị kỳ thị hay sao mà đeo khẩu trang ra đường. Mình trả lời không. Các cụ bộ đội ngày xưa ngụy trang tốt thì mình bây giờ cũng phải nguỵ trang kháng chiến”, chị M.T hài hước chia sẻ.
Sống nhiều năm ở phương Tây, chị M.T cho biết, người dân ở đây thường quan điểm ai bị bệnh thì mới cần đeo khẩu trang để tránh lây lan ra mọi ng xung quanh còn người khỏe đeo khẩu trang không có tác dụng gì. Do vậy, khi thấy ai đó đeo khẩu trang y tế ra đường, họ sẽ nghĩ người đó đang bị bệnh, đặc biệt trong thời điểm Covid-19 đang lây lan phức tạp này người đeo khẩu trang sẽ khó tránh khỏi bị kỳ thị bởi những người mất lịch sự và thô lỗ.

Khi có việc cần thiết đi ra những chỗ đông người, chị M.T đeo khẩu trang y tế bên trong và đeo thêm khẩu trang vải bên ngoài để không bị nhiều người chú ý.

NVCC

Để đeo khẩu trang phòng dịch mà không bị kỳ thị, theo chị M.T thay vì đeo khẩu trang y tế, mọi người có thể dùng khẩu trang vải. Cô nói: “Vải gì cũng được, trang trí hoa lá cành lên càng tốt, mọi người sẽ nghĩ nó là một loại phụ kiện thời trang. Mình nhận thấy điều này ngay từ khi qua châu Âu, nên mình đã mang khẩu trang vải từ Việt Nam sang. Trước đó, dịch bệnh chưa bùng phát nhưng vì mùa đông lạnh nên mình vẫn đeo khẩu trang và không ai có ý kiến gì”.
Khi dịch bùng phát ở nhiều nước châu Âu và Thuỵ Sĩ bắt đầu ghi nhận thêm các ca nhiễm, cô đã tự may thêm khẩu trang vải và không quên thêu hoa, đính hạt lên.
“Ra đường với những chiếc khẩu trang này mình bắt đầu thấy có nhiều sự chú ý hơn, đa số là bật cười, cười thân thiện, khen mình xinh, khen cái khẩu trang đẹp... Tất nhiên cũng có một số ít cười mỉa mai hoặc nhìn mình chằm chằm kiểu 'con dở hơi' nhưng vì số ít nên mình chẳng để ý”, nữ nhiếp ảnh gia chia sẻ.
Cô cũng nhắn nhủ, ở châu Âu số ca dương tính với Covid-19 ngày càng tăng, do vậy mọi người vẫn nên chú ý phòng bệnh, ngoài việc rửa tay, vệ sinh thường xuyên thì nên mang khẩu trang khi tới những chỗ đông người. Để không bị kỳ thị có thể mang khẩu trang y tế ở trong và mang thêm khẩu trang vải bên ngoài.

Những chiếc khẩu trang vải được chị M.T tự may để dùng trong thời gian dịch bệnh

NVCC

Chia sẻ thêm về những chiếc khẩu trang đặc biệt của mình, chị M.T cho biết ở khu vực chị sống khẩu trang y tế rất hiếm, ít ai mua được nên chị đã tự may khẩu trang vải 3 lớp. Mỗi ngày chị đều mang khẩu trang ra ngoài, sau đó có thể giặt sạch rồi phơi khô dùng lại.
Cũng theo chị M.T trước khi dịch bùng phát, một số nước ở châu Âu chỉ xem Covid-19 như một bệnh cúm mùa, người dân không được cảnh báo sớm nên khá chủ quan. Khi những con số người bệnh cùng những ca tử vong tăng mạnh, mọi người mới bắt đầu chú ý.
Nữ nhiếp ảnh gia cho biết, Thuỵ Sĩ là nước có biên giới giáp Pháp, Đức và Ý. Hiện cả 3 nước này số ca dương tính đã tăng rất mạnh. Riêng Genève hiện đã có khoảng 76 người dương tính với Covide-19 nên chính quyền ở đây đang xem xét về việc đóng cửa biên giới với Pháp, còn biên giới với nước Ý đã đóng trước đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.