Bạn trẻ xung đột với cha mẹ: 'Em ước mình có người mẹ khác'

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
25/11/2019 19:45 GMT+7

Khi An nói chuyện điện thoại với bạn, mẹ An nghe 'câu được câu mất', tưởng bạn rủ đi chơi bèn la lên: Tụi bay học không lo học cứ chơi bời lêu lổng, thế này thì mai mốt ra đường chạy xe ôm! Lúc đó An ước giá như đó không phải là mẹ mình vì xấu hổ.

Xin ba mẹ đừng làm con “mất mặt”

"Có lần em dẫn một nhóm bạn học đại học chạy xe về quê chơi. Mọi người đang ăn uống vui vẻ thì một bạn nói đùa 'con dâu tương lai của bác đây này'. Ba em đột ngột sa sầm nét mặt", bạn Lê Nguyên An (Đồng Nai), sinh viên năm 4 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ.
Và lý do mà ba của An sa sầm nét mặt, khi đang ăn cùng bạn bè của An mà bỏ ra ngoài, là vì “tao tưởng là bạn bè bình thường, chứ trông mặt mũi nó chán quá. Con gái mà đi đứng huỳnh huỵch, ăn to nói lớn vậy mà mày lại yêu với đương. Bộ mắt của mày có vấn đề hay sao”?
An kể tiếp: “Hôm đó bạn bè em ngơ ngác không hiểu vì sao ba em lại có thái độ đó. Cả bọn xin phép về lại TP.HCM sớm, trong khi kế hoạch là ở lại nhà em để sáng hôm sau đi picnic. Cô bạn của em thì linh cảm có điều gì đó bất ổn nên từ hôm đó tránh mặt em luôn. Đó chỉ là lần thứ “n” ba mẹ làm em mất mặt trước bạn bè. Một lần năm lớp 12 cũng vậy, sinh nhật em các bạn trong lớp đến chơi, có một bạn gái không có xe nên em định chở bạn ấy về nhà. Đang dắt xe ra thì mẹ nói rất to: Tối rồi còn đi đâu nữa? Ở nhà dọn dẹp chứ bao nhiêu đồ đạc bừa bãi vậy? Ngay đầu nhà mình có xe ôm đó sao không nói bạn đi xe ôm về? Em chỉ còn nước độn thổ xuống đất”.
Một lần khác, An đang nói chuyện điện thoại với bạn trong lớp về việc đến thăm cô giáo bị bệnh, mẹ An nghe "câu được câu mất", tưởng bạn rủ đi chơi bèn đứng ngoài hét lên: Tụi bay học không lo học cứ chơi bời lêu lổng, thế này thì mai mốt ra đường chạy xe ôm! Lúc đó An ước giá như đó không phải là mẹ mình vì quá xấu hổ.
An thổ lộ ước gì ba mẹ mình tế nhị, tâm lý một chút và đừng bao giờ đánh giá ai chỉ qua vẻ bề ngoài, thì có lẽ An đã không bị một số bạn bè rời xa vì cảm thấy bị “xúc phạm”.
Phạm Hải (ấp Bến Sắn, Phước Thiền, Nhơn Trạch, Đồng Nai) hiện học năm 1 ngành cơ điện tử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, có lần bỏ nhà đi 2 hôm chỉ vì bị mẹ mắng trước mặt bạn bè. “Năm đó lớp 12, em và nhóm bạn học rủ nhau đi Biên Hòa xem phim một buổi để “xả hơi” trước khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia. Vì mẹ em không muốn cho em đi nên khi đám bạn vừa đến trước cửa nhà, mẹ em mắng xa xả là “thi đến nơi không lo học, trượt ĐH thì đừng có trách ai, giờ này còn nghĩ đến phim với nhạc. Nếu đi thì đừng bước về nhà nữa”. Đó là cách mà mẹ vẫn nói mỗi lần không đồng ý với em chuyện gì. Lần này mắng trước mặt bạn bè, em ức quá lấy xe đi luôn. Tối đó em không về nhà thật mà ngủ nhà cậu bạn thân. Hôm sau em cũng tính đi luôn vì quá giận mẹ. Mẹ em cùng với chị gái đi tìm khắp nơi. Sợ mẹ phải bỏ công việc để đi tìm, với lại sắp đến ngày thi, nên em quyết định về nhà. Vừa về, mẹ lại la em một trận nữa”, Hải kể.

“Ba mẹ cũng từng là trẻ con mà”

Với Phương Linh, cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, rất nhiều lần Linh từng nhạt nhòa nước mắt khi viết những dòng nhật ký của mình. Linh cho biết: “Em không hiểu vì sao ba mẹ cũng từng là trẻ con, mà sao ba mẹ không hiểu được tâm lý của trẻ con? Hay ba mẹ già rồi nên quên rằng ngày xưa mình cũng từng như thế? Tại sao em thích mặc quần jeans rách thì mẹ lại cho rằng “chỉ có mấy đứa bụi đời mới mặc”, khi em thích ca sĩ C.T thì mẹ bảo “ca sĩ gì mà đang là phụ nữ xinh đẹp tự dưng ăn mặc như thằng con trai, nhìn không ra thể thống gì”. Mẹ bắt em phải mặc váy, muốn em phải nghe những bài hát bolero mà mẹ thích, trong khi em không thích tí nào. Đỉnh điểm là có lần mẹ mang hết quần jeans và mấy cái áo kiểu hip hop của em đi đâu đó, đến lúc em tìm để mặc đi thi nhảy ở trường thì không thấy cái nào. Em đã nói những lời nặng nề với mẹ do không kiềm chế được”.
Phương Linh nhiều lần cãi nhau với mẹ, thậm chí ước mình “có một bà mẹ khác” vì quá ức chế khi bị mẹ cấm không được thích điều mình thích, không được làm điều mình muốn làm.
Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận ở tuổi mới lớn hay thậm chí là tuổi thanh niên, bạn trẻ đã có chính kiến của mình nên cần được ba mẹ tôn trọng. “Nếu ba mẹ áp đặt, muốn 'điều khiển' cuộc sống của con, muốn con phải làm theo ý mình thì có thể sẽ gây ra hậu quả không tốt. Trước tiên là khiến cho mối quan hệ cha mẹ - con cái thường xuyên xảy ra xung đột. Nếu bạn trẻ cá tính mạnh, sẽ không chấp nhận sự áp đặt và sẽ làm cho mối quan hệ trở nên xấu đi. Nếu bạn trẻ yếu đuối, nghe theo lời cha mẹ thì sau này cũng sống không hạnh phúc vì bản thân luôn có sự phản kháng từ bên trong. Chính vì thế, cha mẹ cần khéo léo, tế nhị, tâm lý để giúp con vừa được sống là chính con, vừa hài hòa với mong muốn của ba mẹ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.