Việt Nam là nước có nhiều loại hình đào tạo và nhiều loại bằng cấp. Như một gia đình nghèo, cần có nhiều con để lao động và đỡ đần cha mẹ. Con nào cũng do cha mẹ đẻ ra. Hệ tại chức cũng do nhà nước chủ động thành lập, một thời từng được ca ngợi là loại hình sáng tạo, đặc trưng của chế độ, kiểu “vừa làm vừa học”. Bây giờ nhiều địa phương nói không với hệ tại chức, khác nào đó là những đứa con bị ruồng bỏ?
Đành rằng hệ tại chức ngày càng bộc lộ những bất cập về chất lượng. Nhưng điều đó do quản lý lỏng lẻo mà ra. Thú thật, giáo dục đại học Việt Nam, cả chính quy cũng có rất nhiều vấn đề chứ không riêng gì tại chức. Nếu hệ tại chức bị từ chối thì rất nhiều cán bộ lãnh đạo từng học tại chức sẽ xử lý thế nào? Giáng chức hay cho về hưu non? Có khi chính các vị học tại chức mà đương chức đang làm khổ các em sinh sau đẻ muộn của mình. Nếu thật sự cầu thị, hãy tổ chức thi tuyển minh bạch, chủ yếu là kỹ năng và hiệu quả công việc chứ không chỉ căn cứ vào tại chức hay chính quy. Đại học Việt Nam rất nặng về lý thuyết, coi nhẹ phần thực tiễn và hành động. Do vậy, chính quy khác tại chức cũng căn bản ở phần lý thuyết?
Ai cũng biết, ở bậc đại học thì sinh viên tự nghiên cứu và tự học là chính. Không nên phân biệt hình thức học tập, cứ thi cử thật nghiêm túc là đầu ra đảm bảo chất lượng. Tôi đang làm chủ doanh nghiệp, cũng có tham gia giảng dạy ở mấy trường đại học, cả công lập và dân lập. Chủ quan tôi thấy, trong ngành du lịch thì thầy cô ở các trường công lập thường có học vị cao hơn nhưng lại ít thực tiễn hơn trường dân lập. Đầu vào công lập tốt hơn, đầu ra cũng khá hơn nhưng kỹ năng nghề và sức chịu đựng áp lực công việc kém hơn? Hầu hết các em không trụ nổi. Thường các em học lý thuyết xuất sắc ở trường lại ít năng động trong thực tế. Khi tuyển nhân sự, tôi chọn người chứ không xét bằng cấp. Nếu có, chỉ để tham khảo. Cũng chẳng quan tâm là trường công hay tư, trường dân hay quan. Cứ lấy công việc làm thước đo hiệu quả.
Cha mẹ sinh con thì phải có trách nhiệm nuôi dưỡng. Con cái cũng có bổn phận với cha mẹ. Cha mẹ nào sinh con rồi ruồng bỏ, không chỉ bị pháp luật xử lý mà còn bị đạo đức xã hội lên án. Nếu hệ tại chức đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, không cần thiết tồn tại thì cũng phải công bố rõ ràng. Đó là chuyện tương lai. Còn hiện nay, Bộ GD-ĐT không thể phủi tay, làm ngơ để mấy người “lỡ dại” học tại chức bị bạc đãi như những đứa con bị ruồng bỏ!
Nguyễn văn Mỹ
Bình luận (0)