‘Bảng tên đường Park Hang Seo’: Còn sống, có được đặt tên đường?

22/11/2019 14:47 GMT+7

Về ‘bảng tên đường Park Hang Seo’, lãnh đạo chính quyền địa phương đã có nhận định ‘có thể do người dân đam mê thể thao , hâm mộ huấn luyện viên Park Hang Seo nên mới gắn bảng tên đường không đúng quy định’.

Theo đó, ngay sau khi bất ngờ xuất hiện bảng tên đường "Park Hang Seo" gắn ở đầu hẻm 70 (đường 109, P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM), chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra. Khi biết việc gắn bảng tên đường này là việc làm tự phát và không đúng quy định, chính quyền địa phương đã tháo dỡ tấm bảng tên đường "Park Hang Seo" ngay trong sáng 22.11.
Về những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến việc đặt tên đường người còn sống thì có được quy định hay không, trả lời PV Thanh Niên, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM (cơ quan thược trực Hội đồng đặt đổi tên đường TP.HCM) cho hay về nguyên tắc chỉ đặt tên đường cho người đã mất. Người được chọn đặt tên đường thường là nhân vật lịch sử, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, danh nhân người nước ngoài, địa danh…

Đã có quy định

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, TP.HCM có 24 quận, huyện với 322 xã, phường, thị trấn. Trên địa bàn TP.HCM có hơn 4.500 đường với hàng chục ngàn khu dân cư.
Trong thời gian qua, đối với các khu dân cư hiện hữu thì cơ bản có tên đường. Riêng những khu dân cư mới hình thành, thì thực tế có rất nhiều khu ở các quận, huyện, đặc biệt là quận, huyện vùng ven TP.HCM chưa có tên đường. Và có nơi để "nhận diện", người dân tự đặt tên tường theo cách riêng của mình.
Về quy định, việc đặt đổi tên đường có quy định bài bản. Cụ thể là Nghị định số 91/2005/NĐ-CP năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP năm 2005 của Chính phủ.
Trên cơ sở đó, TP.HCM có Hội đồng đặt đổi tên đường (trực thuộc sự điều phối của Sở Văn hóa - Thể thao) để thực hiện việc đặt đổi tên đường theo quy định.
Khi có nhu cầu đặt đổi tên đường, UBND quận, huyện làm hồ sơ, trình lên Hội đồng đặt đổi tên đường thẩm định, và sau khi được Hội đồng nhân dân thông qua, thì mới được đặt đổi tên đường trên thực tế.
Quy định này nhằm đảm bảo cho công tác quản lý đô thị được bài bản, thống nhất, tránh được tình trạng tên đường tự phát ở các khu dân cư.

Nghi thức đặt tên đường Hoàng Thế Thiện vào năm 2017 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm

ĐÌNH PHÚ

Quỹ tên đường của TP.HCM

Cụ thể về quỹ tên đường, vào năm 2014, UBND TP.HCM ban hành quyết định 06/2014 về bổ sung quỹ tên đường tại TP.HCM. Theo đó, TP.HCM bổ sung 1.070 tên đường, trong đó có 101 tên các nhân vật lịch sử và địa danh, 969 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Một số tên đường nhân vật lịch sử sau thế kỷ 20 được chọn: Phạm Xuân Ẩn, Võ Chí Công, Võ Trần Chí, Nguyễn Chí Diểu, Văn Tiến Dũng, Trần Bạch Đằng, Võ Nguyên Giáp, Tôn Thất Dương Kỵ, Đoàn Khuê…
Nhà nghiên cứu, nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật bổ sung vào quỹ tên đường TP.HCM có: Huy Cận (Cù Huy Cận), Phạm Trọng Cầu, Phùng Há (Trương Phụng Hảo), Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành), Trần Quang Long, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đình Thi, Xuân Quỳnh (Nguyễn Thị Xuân Quỳnh), Hoàng Trung Thông, Diệp Minh Tuyền…
Hiện việc đặt đổi tên đường đối với những đường chưa có tên (hoặc trước đó chỉ đặt tên tạm thời) ở TP.HCM, đều phải lấy tên từ quỹ tên đường nói trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.