Vừa qua, nhỏ bạn thân từ xa về thăm quê. Đám bạn xúm xít mời nó món này món nọ. Món nào nó cũng nói ngon nhưng ăn thì nhon nhón, uể oải không ra uể oải, từ tốn không ra từ tốn.
>> Nồng đậm vị quê bánh canh vịt Quảng Trị
>> Xì xụp bánh canh Nam Phổ xứ Huế
Mình nói mày ưng món gì thì “hô” để tụi tao chiều. Nó hất mái tóc, nhoẻn cười, nói tao bò heo đã trải, dê nai đã từng. Tôm cua cá mực lại càng không xa lạ. Giờ tao đang thèm một thứ trong mơ tao thường thấy nhưng thức dậy thì quên mất. Cái kiểu nói cà giựt cà tưng của nó khiến đám bạn chịu sầu, chẳng thể đoán ra.
|
Không ngờ, khi cả bọn rủ nhau lên núi chơi xuân, nhỏ bạn đã gọi tên được cái món trong mơ của nó. Hôm ấy, ra khỏi làng, tới ngã ba dẫn ra cánh đồng thì thấy có một căn chòi lá. Trong chòi có ba bốn bác nông dân dựng cuốc, ngồi ăn bánh canh trước khi ra thăm ruộng đầu năm. Rồi tiếng một phụ nữ giọng Nam bộ nói mấy cậu mấy cô ơi, bánh canh dì Bảy đây. Hỏi mới biết dì mới nhập làng bánh canh ở đây gần tháng nay. Mấy tiếng “bánh canh” làm nhỏ bạn reo lên: “Ơn giời, cậu đây rồi”.
Dì Bảy lăng xăng giăng mấy cái đòn tre ra rồi nhanh tay múc. Nhỏ bạn cười rạng rỡ, trách móc có cái quán bánh canh ven đồng dễ thương vầy mà mấy bữa nay tụi bay giấu tao. Có gì đâu? Tô bánh canh vẫn là những con bánh được làm từ bột gạo, xắt từng sợi, trông rất hiền lành thường thấy ở quán chợ. Lá hành xanh xanh, lá hẹ biêng biếc, lát ớt đỏ chói thì vẫn mang mùi vị và sắc màu thân thuộc.
Có khác chăng là, thay vì viên chả cá tròn tròn thường thấy ở hàng bánh canh của dân địa phương là những lát chả cá dài dài, mong mỏng, sem sém vàng. Một cái khác nữa: Mấy cái trứng cút trắng nõn nà, mịn màng như mời như mọc.
Chỉ vậy thôi mà ngon lạ ngon lùng. Nước bánh canh dìu dịu, húp tới đâu… tan sầu tới đó. Con bánh canh ngọt mềm, lát chả cá đậm đà; trứng cút vỡ ra, bùi bùi beo béo; lá hành lá hẹ lặng lẽ tỏa hương. Ngay cả khói bánh canh mỏng manh cũng vòng vèo đưa mùi thơm qua cánh mũi. Đứa nào cũng nhao nhao “thêm tô nữa đi Dì”. Riêng nhỏ bạn thì nói dì cứ múc, xếp hàng tới khi… chật bàn thì thôi.
Thằng bạn tốt nghiệp đại học sử (chưa xin được việc) đùa rằng sẽ ghi thêm tên dì Bảy vào “lịch sử bánh canh” của làng. Theo nó, bánh canh của dì góp vào cái đậm đà bằng chất ngọt rất riêng. Dì Bảy nói giản dị: “Đâu mà dữ vậy con. Chẳng qua là mấy hàng bánh canh làng mình nghỉ tết hơi lâu nên bánh canh của dì mới được khen đó chứ”.
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)