Bánh xèo tôm nhảy

07/01/2012 01:27 GMT+7

Cách TP.Quy Nhơn (Bình Định) chừng 20 km, có một ngôi nhà lá tranh, nằm nép mình bên cầu Mỹ Cang (xã Phước Sơn, H.Tuy Phước). Không bảng hiệu, cũng không dấu hiệu gì cho biết đó là quán. Vậy mà cứ đến cuối tuần, lễ tết, xe ô tô, xe máy đậu hàng dài hai bên mép cầu chờ tới lượt... ăn bánh xèo.

Cách TP.Quy Nhơn (Bình Định) chừng 20 km, có một ngôi nhà lá tranh, nằm nép mình bên cầu Mỹ Cang (xã Phước Sơn, H.Tuy Phước). Không bảng hiệu, cũng không dấu hiệu gì cho biết đó là quán. Vậy mà cứ đến cuối tuần, lễ tết, xe ô tô, xe máy đậu hàng dài hai bên mép cầu chờ tới lượt... ăn bánh xèo.

Phía sau bếp, bà Năm lúi húi luôn tay với mấy khuôn bột. Bà chỉ rổ tôm đã làm sạch rồi mà còn búng lách tách: “Bí quyết là ở mấy con tôm này”. Món bánh xèo tôm nhảy của bà nổi tiếng thơm ngon nhờ những con tôm đất của dòng sông Gò Bồi ngọt lành. Nếu ngày nào không mua được tôm ngon, ngày đó quán lá đóng cửa. Ngay cả khi đang đúc bánh, lỡ cạn tôm, bà cũng không thay bằng tôm biển hay bất cứ loại nào khác. Anh Tuấn, con trai bà Năm dẫn giải: “Con tôm ở đất này ngọt và chắc thịt. Có nó mới có tên bánh xèo tôm nhảy”.

Bà Năm thủng thỉnh kể chuyện khi quán vãn. Ngày ấy, về đất này làm dâu bà phải bôn ba năm bảy đường kiếm sống. Ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chỉ thấy sào ruộng, dòng sông, phiên chợ. Những lúc trời thâm thẩm mưa, bà gom những thứ “cây nhà lá vườn” đổ vài khuôn bánh ăn chơi. Từ vị ngon khó lẫn trong chiếc bánh cộng với sự động viên của mọi người, bà quyết định mở quán. Nói là quán nhưng trong tâm tưởng của thực khách, nó giống như một chốn dừng chân hơn. Họ ghé quán sau bao ngày rong ruổi cho cuộc sống. Vào quán, khách xa gác lại bên đường những bon chen danh lợi. Họ như được về lại cái chái bếp ám khói thuở lên năm lên mười. Cái thuở say sưa chăn trâu thả diều mệt nhoài được những bà, những mẹ thưởng cho bữa bánh xèo ấm nóng.

Quán bánh xèo ấy có cách buôn bán không giống ai. Khách ngày càng đông nhưng quán cứ vậy. Không mở rộng cũng chẳng mua thêm máy móc hỗ trợ. Bột gạo bao năm nay vẫn được xay tay với cối đá. Bột ra tới đâu, bánh đổ tới đó. Khách thì nóng lòng mà cối thì cứ đủng đỉnh nghiền cho nhuyễn từng hạt gạo. Nhưng chính phương thức cổ điển này khiến chiếc bánh có được độ thơm giòn, mềm mịn. Khi ăn, phải cầm cuốn bánh chấm chén nước mắm ớt tỏi, xoài băm mà cắn ngập răng. Ngon tới độ không dám nuốt vội. Người ăn cứ sợ trôi mất cái vị ngọt lừ con tôm đất, vị giòn giòn béo béo của bột bánh, vị nồng nàn của rau sống hành hoa...

Buổi sáng, bà lão 74 tuổi ấy dậy sớm ngâm gạo rồi quày quả xách giỏ ra chợ, tự tay chọn những nguyên liệu tươi ngon nhất. Nhìn cái cách bà Năm đứng bên bếp lửa, tỉ mẩn, vón vén cho từng khuôn bột mới thấy hết cái tình của bà dành cho “tác phẩm” của mình.  

Trần Thị Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.