Bão càn quét, lũ rình rập

16/10/2013 03:00 GMT+7

Tính đến tối 15.10, bão số 11 đã làm 3 người chết, 6 người mất tích, 49 người bị thương cùng hàng ngàn ngôi nhà sập và tốc mái. Trong khi đang giải quyết hậu quả, nhiều tỉnh miền Trung lại phải đối mặt với nguy cơ lũ lớn.

Bão tan hoang, lũ rình rập
Tuyến đường về Hương Phong (thị xã Hương Trà) đã bị nước lũ phong tỏa - Ảnh: B.N.L

Lúc 5 giờ ngày 15.10, một phần cơn bão số 11 đã đổ bộ lên khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam. Tuy nhiên, 2 giờ sau bão rẽ hướng sang tây tây nam khiến H.Điện Bàn và Hội An (Quảng Nam) hứng trọn bão trong bán kính 20 km.

Chiều 15.10, điện lực miền Trung cho biết các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Bình đã khôi phục được từ 75 - 90% điện lưới. Tại TP.Đà Nẵng đã ưu tiên cấp điện cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, UBND TP.Đà Nẵng, Trung tâm hành chính Q.Thanh Khê và Q.Sơn Trà, Bệnh viên Đà Nẵng, Bệnh viện C và các tuyến phố trung tâm Q.Hải Châu, Thanh Khê để phục vụ công tác khắc phục hậu quả sau bão. Tuy nhiên công suất khôi phục cấp điện chỉ đạt 5,8%, gần như toàn bộ thành phố sẽ tiếp tục mất điện trong vài ngày tới. Quảng Nam công suất khôi phục cấp điện cũng chỉ đạt 14% tập trung ở các cơ quan chính khắc phục hậu quả của bão. (N.Tú)

Quảng Bình: Chiều 15.10, do ảnh hưởng của bão số 11, trên địa bàn xã Nhân Trạch, H.Bố Trạch có mưa gió lớn, nước biển dâng cao kèm sóng lớn liên tục đã khiến nhiều đoạn đê kè bị sạt lở; đặc biệt tại những điểm do bão số 10 gây ra vừa mới khắc phục. Một đoạn kè biển dài trên 20 m đã bị sóng đánh sập hoàn toàn; các hồ tôm ven biển cũng bị sóng đánh vỡ nhiều chỗ.

Quảng Trị: Đã có 11 người bị thương do bão số 11. Mưa lớn xuất hiện trên diện rộng khiến sông Đakrông đã vượt báo động 3, uy hiếp nhiều vùng thấp trũng của huyện vùng cao này. Ông Hoàng Nam, Chủ tịch UBND H.Đakrông, cho biết địa phương đang phải khẩn cấp chuyển từ phương án chống bão sang phương án chống lũ. Riêng tuyến đường từ cầu treo Đakrông vào xã Tà Rụt cũng bị tắc vài đoạn do sụt đất. Đáng ngại hơn, từ 0 giờ ngày 15.10, hồ thủy điện - thủy lợi Quảng Trị (ở H.Hướng Hóa) đã xả lũ mạnh, 1 cửa xả đã nâng lên với khẩu độ 1,5 m, với vận tốc 397 m3/giây. Lo sợ lũ sẽ về trong đêm, UBND huyện này yêu cầu các địa phương hoàn thành công tác di dời dân trước 19 giờ ngày 15.10.

Thừa Thiên-Huế, đến chiều 15.10, toàn tỉnh đã có 17 nhà tạm bị sập; 669 nhà bị tốc mái, trong đó 568 nhà chính bị tốc mái nặng. 11 người bị thương và một người ở xã Quảng An (H.Quảng Điền) bị lũ cuốn trôi, 2 em nhỏ câu cá ở Lăng Cô bị sóng cuốn mất tích; 190 ha cao su bị gãy đổ do bão. Cơn bão cũng đã làm nhiều tuyến bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng kéo dài hơn 7 km, sâu vào 5 - 10 m. Đặc biệt tại thôn Thai Dương Hạ Nam (xã Hải Dương) triều cường trên 1,5 m và sóng lớn cũng đã tràn qua làm sạt lở bờ kè đá rộng 4 m, đe dọa mở thêm cửa biển mới. Ngay sau bão, nước lũ trên các sông dâng cao kết hợp với triều cường, gây ngập lụt và uy hiếp 1.686 hộ gia đình tại Thừa Thiên-Huế. Nước lũ cũng đã làm nhiều tuyến giao thông tê liệt.

Đà Nẵng: Dù chỉ “lướt” qua, nhưng bão đã làm 11 người bị thương, trong đó có 5 người ở Q.Ngũ Hành Sơn, 1 người ở Q.Sơn Trà, 4 người ở H.Hòa Vang và 1 chiến sĩ thuộc Quân khu 5 bị thương khi đang chống bão. UBND TP.Đà Nẵng đã quyết định tạm ứng 28 tỉ đồng cho 7 quận, huyện khắc phục hậu quả, trong đó một nửa chăm lo đời sống người dân, còn lại ưu tiên sửa chữa trường học. Khó khăn lớn nhất của Đà Nẵng hiện tại là không thiếu người nhưng thiếu phương tiện dọn cây cối ngã đổ ở hầu như tất cả tuyến đường. Công ty công viên cây xanh TP.Đà Nẵng cho hay thiệt hại về cây lâu năm không nhiều như bão Xangsane 2006, nhưng số lượng cây lại nhiều hơn nên công việc nặng nề hơn, dự kiến phải mất cả tháng mới phục hồi được toàn bộ.

Bão tan hoang, lũ rình rập
Lũ trên sông Đakrông làm chia cắt hoàn toàn xã Ba Lòng (H.Đakrông, Quảng Trị) với bên ngoài - Ảnh: Nguyễn Phúc

Quảng Nam: Lúc 10 giờ ngày 15.10, thủy điện Đăk Mi 4 đã xả tràn 2.000 m3/giây, thủy điện A Vương xả 1.152 m3/giây. Đáng chú ý, Quảng Nam đã yêu cầu 2 hồ thủy điện này phải xả nước trước khi bão vào, để tăng dung tích phòng lũ và giảm lũ cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn trước 17 giờ ngày 14.10. Nhưng trưa 15.10, khi ở mức nước 376,54 m (cao hơn 0,54 m so với mức phải hạ để có sẵn dung tích đón lũ) thì thủy điện A Vương đã xả với lưu lượng lớn. Thủy điện Đăk Mi 4 ở mực nước 256,2 m (cao hơn 1,2 m so với yêu cầu) cũng xả mạnh. Như vậy, sức “chịu đựng” của các hồ thủy điện này không kéo dài, dung tích đón lũ thấp... khiến vùng hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn vừa dứt khỏi cơn bão dữ dội đã phải đón lũ lên rất nhanh, tương đương mức báo động 3. Nhiều vùng trũng thấp ở H.Đại Lộc và một số khu vực trên tuyến ĐT609, tuyến nội thị Ái Nghĩa, tuyến ĐH3… đã bị lũ cô lập. Cuối giờ chiều 15.10, nhiều tuyến đường tại TP.Hội An đã ngập sâu trong nước.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã đến thăm, hỗ trợ gia đình nạn nhân Trương Chạy (84 tuổi, ở thôn Triêm Đông 1, xã Điện Phương, H.Điện Bàn) thiệt mạng vì sập nhà xưởng do bão. Đây là một trong 3 người chết tại Quảng Nam, 2 trường hợp còn lại là Phạm Văn Quy (32 tuổi, xã Điện Phong, cùng H.Điện Bàn) và 1 học sinh lớp 3 (chưa rõ danh tính) ở Trường tiểu học Phước Ninh, H.Nông Sơn tử vong do sạt lở đất. Ngoài ra, có 2 người mất tích ở Hội An và Thăng Bình; 7 người bị thương ở Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Đại Lộc, Nông Sơn. Thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam cho biết toàn tỉnh có trên 5.033 ngôi nhà bị tốc mái, tập trung nhiều nhất ở H.Điện Bàn (3.000 nhà); hơn 181 nhà ngã đổ. Đặc biệt, 2 trụ ăng ten bị gãy đổ, gồm trụ tại trạm phát sóng của VNPT và Viettel tại xã Duy Hải (H.Duy Xuyên) gãy sập xuống trường mẫu giáo và nhà dân; trụ còn lại cao 40m thuộc Đài truyền thanh - truyền hình H.Đại Lộc.

Trong khi gió bão vẫn đang hoành hành, trên các đường phố Đà Nẵng, các lực lượng công an, quân đội, xung kích… đã có mặt từ rất sớm, giúp đỡ người dân thông tuyến, dọn dẹp các tuyến đường cây xanh ngã rạp. Tại Quảng Nam, Quân khu 5 đã điều động các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 143, Sư đoàn 315 khẩn trương đến nhiều khu vực dân cư tại TP.Hội An để giúp dân làm lại kè dọc bờ biển, dựng lại nhà cửa, dọn dẹp… sau bão. (D.H - H.S)

Quảng Ngãi: Huyện đảo Lý Sơn là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Trong đêm 14.10, bão số 11 tràn qua đảo Lý Sơn với gió giật cấp 11 kèm theo mưa to, sóng biển dâng cao 5 - 7 m, làm 31 tàu cá neo đậu tại vũng neo trú tàu thuyền xã An Hải bị hư hỏng, trong đó 1 tàu cá bị sóng biển nhấn chìm; 75 ngôi nhà của dân, 5 trường học và trụ sở UBND xã An Bình bị tốc mái, 151 ha hành bị hư hại hoàn toàn, hàng loạt cây xanh trên các tuyến đường ngã đổ ngổn ngang. Trong khi đó, thống kê sơ bộ tại các huyện Ba Tơ, Bình Sơn, Sơn Hà, Tây Trà, Trà Bồng… có gần 20 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn, hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, một số tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Tính đến chiều 15.10, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 9 người bị thương do mưa bão. Tại Bình Định, có một người mất tích là bà Huỳnh Kim Thanh (43 tuổi, trú đường Trần Phú, TP.Quy Nhơn).

Kon Tum: Bão gây mưa lớn từ đêm 14.10 đến 15.10, nên tỉnh này xảy ra lũ lớn, gây ngập, sạt lở núi, đường giao thông và chia cắt nhiều nơi. Tại TP.Kon Tum, các đường: Ngô Quyền, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ… bị ngập sâu cả mét nước, lực lượng chức năng phải căng dây cảnh báo và cấm các phương tiện giao thông qua lại. Theo báo cáo nhanh của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Kon Tum, đã có 16 căn nhà, 2 phòng học và 1 nhà văn hóa cộng đồng bị tốc mái. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã chủ động cho học sinh nghỉ học để tránh mưa lũ.

Bão tan hoang, lũ rình rập
Nhà của người dân đường ven biển Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng) đổ nát khi bão qua - Ảnh: Nguyễn Tú

“Mất cả cơ ngơi rồi chú ơi”

Hàng ngàn căn nhà bị tốc mái và đổ sập đã đẩy nhiều người dân Đà Nẵng, Quảng Nam vào cảnh “màn trời chiếu đất” sau khi cơn bão số 11 quét qua.

Bão tan hoang, lũ rình rập
Một căn nhà tại xã Điện Dương (H.Điện Bàn, Quảng Nam) bị gió bão giật sập -  Ảnh: Hoàng Sơn

Nhiều hộ dân tại xã Điện Dương (H.Điện Bàn, Quảng Nam) đã không ngăn được dòng nước mắt khi đứng trước căn nhà đổ nát sau khi bão số 11 quét qua. Chị Phạm Thị Bé (34 tuổi, trú tại thôn Quảng Gia, xã Điện Dương) tức tưởi: “Đến sáng, từ nơi trú ẩn tập trung, vợ chồng tôi trở về nhà thì thấy căn nhà đã đổ sập hoàn toàn. Bao nhiêu năm tích cóp, giờ chỉ là đống gạch vụn. Mất cả cơ ngơi rồi chú ơi”, chị Bé bật khóc. Khi vào bên trong căn nhà chị Bé, PV Thanh Niên chứng kiến toàn bộ mái nhà đã bị lật. Các bờ tường bên trong cũng bị sập xuống đè lên các vật dụng như xe đạp, xe máy, bàn ghế… Bà Định Thị Năm (50 tuổi, trú tại thôn Hà My Đông B, xã Điện Dương) thì vẫn chưa hết bàng hoàng, kể lại: “Khoảng 3 giờ sáng 15.10, tôi ra quán để lấy đồ ăn thì bất ngờ bão ập đến. Khi tôi vừa thoát ra ngoài thì bức tường phía trước căn nhà đổ sập hoàn toàn”.

Bão cũng khiến hàng trăm ngư dân vùng Thọ Quang, Mân Thái phải đối mặt với tình cảnh thuyền, thúng bị hư hỏng nặng. Vợ chồng bà Phùng Thị Bốn và ông Nguyễn Văn Tám (P.Mân Thái, Sơn Trà) nấc nghẹn: “Với nhiều người cái thuyền, thúng không là chi hết, nhưng với ngư dân tụi tui thì là cả gia tài. Không có nó cả nhà tui coi như chịu đói. Mà muốn đặt phải cả tháng trời mới có! Biết làm răng đây!”.

Mạnh không kém bão Xangsane !

Từ sáng sớm 15.10, PV Thanh Niên đã vào vùng tâm bão và chứng kiến cảnh tượng gió bão giật với cấp độ khủng khiếp. Dọc tuyến QL1 từ TP.Tam Kỳ ra đến H.Thăng Bình, hàng loạt cây cối đổ ngã nằm ngổn ngang khiến giao thông ách tắc cục bộ. Đặc biệt, tại thôn An Thọ, xã Tam An (H.Phú Ninh), những cây cổ thụ lớn đổ chắn ngang đường. Cũng dọc tuyến đường này, hàng loạt biển quảng cáo, pa nô bị gió thổi cuốn tung. Nhiều thanh kim loại to, nặng bị văng ra đến tận đường. Khoảng 8 giờ sáng, tỉnh Quảng Nam xuất hiện gió cực mạnh, người dân đều “cố thủ” trong nhà. Một cán bộ dân phố thị trấn Hà Lam (H.Thăng Bình) cho biết: “Từ 23 giờ ngày 14.10, gió đã rất mạnh, người dân không thể đi lại được. Đây là lần thứ hai trong đời, tôi chứng cảnh tượng hãi hùng như vậy, bão mạnh không kém so với cơn bão Xangsane năm 2006”.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, hàng ngàn cây xanh bị bão quật ngã nằm la liệt khắp các con đường; những tuyến bờ kè dọc sông Hàn bị sụp, hàng quán, nhà cửa tốc mái, sụp đổ; hàng trăm cột điện, cột biển báo giao thông ngã đổ… Gió quần đảo suốt ngày 15.10 khiến người dân vẫn lo sợ.Điện lưới của TP.Đà Nẵng từ đêm 14.10 đã gặp sự cố, mất điện trên diện rộng kéo dài đến tối 15.10. Nhiều thông tin loan truyền rằng trong bão, cầu sông Hàn gãy, gặp sự cố, nhưng trên thực tế đến cuối ngày 15.10, cầu vẫn hoạt động bình thường. Khu vực biển Thọ Quang, Mân Thái, toàn bộ tàu thuyền, thúng chai được đưa lên bờ neo đậu chắc chắn, trong cơn bão từ tối 14 đến ngày 15.10, hầu hết tàu thuyền đã bị gió và sóng biển hất tung ra giữa đường đi, thuyền này, thúng kia nằm đè lên nhau vỡ nát…

Được biết, đến 15 giờ chiều ngày 15.10, một số người dân tại hai địa phương Điện Bàn và TP.Hội An (Quảng Nam) buộc phải quay trở lại nhà trú ẩn tập trung bởi gió vẫn chưa thôi giật.

Diệu Hiền - Hoàng Sơn

Hướng về đồng bào miền Trung

Cơn bão số 10 ập vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị ngày 30.9 và tiếp sau đó là những trận lũ dữ dội xảy ra ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã gây nên bao tang tóc, đau thương cho dải đất miền Trung nhỏ hẹp. Khi đang nỗ lực khắc phục hậu quả của cơn bão số 10 thì vào rạng sáng 15.10, người dân miền Trung mà đặc biệt là các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… lại hứng thêm một cơn bão số 11 hết sức kinh hoàng, lại thêm hàng trăm ngàn người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Trước tình hình đó, với tinh thần “nhiễu điều phủ lấy giá gương” vốn là truyền thống rất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Báo Thanh Niên thiết tha kêu gọi quý bạn đọc, những đơn vị, doanh nghiệp, những nhà hảo tâm trong và ngoài nước với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, cùng nhau chung tay góp sức giúp đỡ đồng bào miền Trung ruột thịt vượt qua hoạn nạn này.

Mọi đóng góp xin vui lòng gửi về:

- Tòa soạn Báo Thanh Niên tại TP.HCM: 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM, ĐT: (84.8) 38394046 - 38322026 - 38332955

 - Tòa soạn tại Hà Nội: 389- 391 Trường Chinh, Q.Thanh Xuân, Hà Nội, ĐT: (84.4) 38570981

- Văn phòng đại diện Đông Bắc bộ: 41B Cát Cụt, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng, ĐT: (031) 6256625

- Văn phòng đại diện khu vực Bắc Trung bộ: 1 Nhà Thờ, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ĐT: (037) 3855748

- Văn phòng đại diện miền Trung: 144 Bạch Đằng, TP.Đà Nẵng, ĐT: (0511) 3824231

- Văn phòng thường trú tại Đà Lạt: A22A đường Trần Lê, P.4, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, ĐT: (063) 3827807

- Văn phòng đại diện khu vực Trung Trung bộ và Bắc Tây nguyên: 133 Lê Lợi, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, ĐT: (056) 3824142

- Văn phòng đại diện tại Nha Trang: 120 đường Thống Nhất, P.Vạn Thắng, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ĐT: (058) 3819306

- Văn phòng đại diện khu vực Đông Nam bộ: 88 Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ĐT: (061) 3940818

- Văn phòng đại diện đồng bằng sông Cửu Long: 99 Trần Văn Hoài, TP.Cần Thơ, ĐT: (0710) 3825244

Chuyển khoản: Bạn đọc có thể gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 102010000116341 - Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 tại TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ đồng bào miền Trung bị bão lũ.

Báo Thanh Niên sẽ nhanh chóng chuyển đến tận tay bà con vùng bão lũ tấm lòng quý báu của bạn đọc gần xa.

Đã vận động hơn 2,3 tỉ đồng tiền mặt và hàng hóa trị giá 500 triệu đồng

Từ ngày phát động cứu trợ đồng bào bị thiệt hại bởi cơn bão số 10 ( ngày 3.10) đến nay, Báo Thanh Niên đã nhận được 2.364.128.271 đồng tiền mặt và nhiều hàng hóa như tôn lợp, cặp học sinh, mì gói trị giá hơn 500.000.000 đồng. Các cán bộ, phóng viên Báo Thanh Niên ở miền Trung đã nhanh chóng chuyển toàn bộ số tiền và hàng hóa trên hỗ trợ người dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế...

Tấn Tú

Thanh Niên

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.