'Báo cáo của Bộ trưởng chỉ toát lên dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng'

Vũ Hân
Vũ Hân
04/06/2018 10:16 GMT+7

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cho rằng giải pháp BOT chỉ toát lên việc “dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng, thì giảm”, không cho thấy Bộ trưởng vì lợi ích của người dân.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể sáng nay 4.6 đã diễn ra rất sôi nổi xung quanh câu chuyện BOT.
Sau khi nghe Bộ trưởng nói sẽ xử lý vấn đề BOT “đứng trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân”, đã rà soát và giảm giá vé toàn bộ 56 dự án, sẽ căn cứ vào lưu lượng xe và khả năng hoàn vốn của dự án để điều chỉnh, đại biểu Hoàng Quang Hàm đã lập tức tranh luận
Theo đại biểu, từ báo cáo của Bộ trưởng, đại biểu không thấy phương án xử lý dựa trên lợi ích của người dân.
Đại biểu nhấn mạnh, bức xúc của người dân nằm ở 17 dự án dân không đi nhưng phải trả phí, trong đó 3 dự án làm một nơi thu phí một nẻo, 6 dự án làm đường tránh nhưng thu phí trên quốc lộ...
“Báo cáo của Bộ trưởng chỉ toát lên dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng, giảm, thuyết phục”, đại biểu Hàm nói thẳng.
Báo cáo về các dự án này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể một lần nữa giải trình. Theo Bộ trưởng, 3 dự án có trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án là do “lịch sử để lại”, “thời gian lâu rồi, khi chuyển về Bộ chúng tôi tiếp nhận”.
“Ví dụ trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ từ năm 2014 và Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện thu phí, nên với trách nhiệm, chúng tôi cố gắng thực hiện đúng chỉ đạo”, Bộ trưởng Thể cho biết.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc trước đây các dự án được duyệt đều có sự tham gia của chính quyền địa phương và các bộ, ngành. Các bên có liên quan đều xem chỗ (đặt trạm) đó là hợp lý, nên hiện nay nếu di dời thì phải tham mưu Quốc hội, Chính phủ phải có khoản kinh phí thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư BOT, theo Bộ trưởng.
Còn dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đặt trạm thu phí trên quốc lộ 5, là đoạn đường không hề được nhà đầu tư BOT cải tạo) được Bộ trưởng giải trình do đây là dự án lớn có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, và các bộ, ngành đều có chủ trương mở rộng.
Tương tự, các dự án đầu tư tuyến tránh mà thu phí trên quốc lộ (tiêu biểu là trạm Cai Lậy - phóng viên) được Bộ trưởng Giao thông vận tải nhấn mạnh là do mong muốn của địa phương mở rộng đô thị, kết hợp nâng cấp cải tạo quốc lộ, nên khi nghiên cứu dự án làm sao mang tính khả thi, đã cải tạo thêm quốc lộ và đặt trạm thu phí tại đó.
Toàn bộ việc này đều thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định và ngoài trách nhiệm của Bộ còn có cộng đồng trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.
Để xử lý việc này, theo Bộ trưởng Thể, là tương đối khó khăn cho ngân sách.
“Chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội để Quốc hội thảo luận, nếu Quốc hội biểu quyết có khả năng cân đối vốn thì chúng tôi sẵn sàng mua lại các dự án này, vì dù sao chúng ta cũng đã ký hợp đồng với nhà đầu tư với sự cộng đồng trách nhiệm của các bộ, ngành”.
Ngay sau đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm tiếp tục tranh luận, cho biết “nghe Bộ trưởng giải thích tôi thấy thêm 1 giải pháp: “đây là vấn đề của lịch sử”, còn quan điểm của Bộ trưởng vẫn là thuyết phục người dân và giảm giá.
“Xưa làm dự án này, bộ ngành, địa phương; nhà thầu; ngân hàng thỏa thuận với nhau, người dân có biết đâu, sao giờ người dân phải chịu? Trước khi thương thảo với người dân, Bộ trưởng đã thương thảo giảm lợi nhuận định mức của nhà đầu tư chưa, giảm lãi suất của ngân hàng chưa? Vì 3 đối tượng này đàm phán với nhau, vỡ lở ra người dân phải chịu”, đại biểu nhấn mạnh
Ủng hộ quan điểm của đại biểu Hàm, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cũng bày tỏ và đặt câu hỏi: “Có phải do có khả năng nhà đầu tư BOT có thể kiện Bộ Giao thông nên Bộ cứ tư duy vá víu để xử lý những trạm BOT nằm lạc? Bộ trưởng nói rằng tiếp tục giảm giá, giảm cước, kéo dài thời gian thu phí là tư duy không thể chấp nhận được”, đại biểu nêu.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cũng cho rằng cách giải trình của Bộ trưởng về giảm phí “giống ban phát, xin cho”.
“Chúng ta rất cần một nguyên tắc cung cầu theo cơ chế thị trường, quyền lợi của người dân và nhà đầu tư phải bình đẳng, phải được sự đồng tình giữa người mua và người bán, chứ không thể người dân gây áp lực rồi giảm giá”, đại biểu Diến nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.