Bão Chanchu qua cái nhìn của một nhà khoa học Mỹ gốc Việt

29/05/2006 00:04 GMT+7

Sinh tại Huế, là cựu học sinh Lycee Blaise Pascal - Đà Nẵng, ông Trần Tiễn Khanh sang Mỹ du học và năm 1974 lấy bằng thạc sĩ cơ khí, 4 năm sau tiếp tục lấy bằng tiến sĩ khí tượng và môi trường tại Đại học California, phân nhánh Los Angeles (UCLA). Là người tiên phong áp dụng mô hình dự báo thời tiết vào chiếc máy tính đầu tiên của không quân Hoa Kỳ năm 1982, hiện TS Trần Tiễn Khanh làm công tác tham vấn cho Bộ Năng lượng Hoa Kỳ.

TS Trần Tiễn Khanh cũng là chuyên viên hình thành và áp dụng các mô hình cho ô nhiễm không khí, khí tượng và môi trường. Từ năm 1980, ông lập Hãng tham vấn AMI  Environmental., cố vấn cho Chính phủ Hoa Kỳ cũng như các hãng điện lực và công ty dầu lửa. 

Những ngày qua, ông thường xuyên theo dõi các cuộc tranh luận về nguyên nhân dẫn đến thảm nạn bão Chanchu và đã cung cấp cho chúng tôi những dữ liệu so sánh cần thiết cùng những nhận định chuyên môn.

* Thưa ông, bão Chanchu hình thành tại vùng biển Mindanao từ 8.5, vượt qua quần đảo Philippines ngày 14.5. Sau đó 1 ngày, cơ quan dự báo khí tượng thủy văn ở VN thông báo bão Chanchu đang hướng vào đất liền. Liệu có sự khác nhau đối với các dự báo của nước ngoài được cập nhật tại vnbaolut.com do ông phụ trách?


TS Trần Tiễn Khanh

- Sau khi xem lại hai bản sơ đồ báo bão của Hải quân Mỹ và Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn VN  cùng ngày 14.5, tôi có vài nhận xét: theo dự báo của Mỹ, Chanchu đã đổi hướng lên phía Bắc, ngoài khơi Quy Nhơn, trong khi dự báo VN vẫn cho rằng bão vẫn tiến về Thanh Hóa. Có thể những người làm dự báo VN đã không tham khảo các dự báo quốc tế như của Hải quân Hoa Kỳ, của Hồng Kông, của Nhật. Các dự báo này, như của Hải quân Hoa Kỳ đều căn cứ trên các ảnh vệ tinh - cho ra các dự kiến mới nhất từ 3 ngày trở lên - mà chúng tôi đã tạo link liên kết tại vnbaolut.com với mô hình tối tân nhất là MM5/72, thường xuyên cập nhật 4 lần/ngày và người sử dụng nó hoàn toàn miễn phí.

* Thật tiếc, những dự báo như vậy trong thực tế đã không đến được ngư dân. Trong các cuộc nói chuyện với chúng tôi sau khi thoát nạn trở về, ngư dân cho biết họ theo dõi tin bão từ các trung tâm dự báo khí tượng ven bờ như Bạch Long Vĩ, các radio duyên hải miền Trung qua ICOM và từ Đài tiếng nói VN (VOV).

-  Theo như tôi biết, các ngư dân đã nghe tin tức từ VOV, cũng như họ đã được thân nhân thông báo lại các bản tin trên VOV và VTV qua sóng ICOM. Tôi không biết các dự báo của VOV, VTV do ai làm, lấy từ đâu, có tham khảo các dự báo quốc tế? Việc tham khảo này rất dễ dàng khi vào internet. Như tôi biết, có một cơ quan nghiên cứu khí tượng thủy văn ở Hà Nội, cũng biết đến website vnbaolut.com. Và chắc rằng, nếu thường xuyên vào internet, họ phải biết các dự báo của Hải quân Hoa Kỳ. Tại đó đã loan báo rõ: bão Chanchu sẽ đổi hướng từ ngày 10.5 chứ không phải đợi đến 15.5 như dự báo của VN. Tuy nhiên, trong chuyện đi tìm nguyên nhân thảm nạn, tôi nghĩ không thể hoàn toàn đổ hết trách nhiệm cho những người làm dự báo. Vấn đề giờ đây là tìm ra giải pháp. Theo tôi, đó là làm sao để ngư dân được biết các dự báo thời tiết mới nhất cũng như các tin tức mới nhất về cơn bão đang hình thành để bà con có đủ thời gian phòng tránh an toàn. Việc vnbaolut.com cập nhật ngày 4 lần với dự báo trước 72 giờ cũng nằm trong nỗ lực đó.

* Theo các nhà dự báo VN, bão Chanchu đã đột ngột chuyển hướng Bắc. Theo ông, có gì kỳ lạ trong việc chuyển hướng này?

-  Bão lên hướng Bắc, thật ra không có gì kỳ lạ hết, vì các cơn bão đầu mùa ít khi vào bờ biển VN. Tại 3 bản đồ các cơn bão ở vùng Thái Bình Dương 3 năm qua (2003-2005) mà tôi gửi kèm cho thấy điều đó. Hằng năm có khoảng 30 trận bão ở vùng tây bắc Thái Bình Dương nhưng chỉ có 3 - 4 cơn bão vào bờ biển VN. Đa số các bão ngoặt lên hướng Bắc vì ảnh hưởng khối áp cao bán vĩnh cửu ngoài khơi và lực Coriolis do quả đất xoay. Đường đi của bão chỉ thay đổi khi nó bị tác động mạnh bởi các yếu tố khác, như gió mùa Đông Bắc chẳng hạn. Trường hợp bão Chanchu cũng vậy, ngay khi mới hình thành ngày 8.5, các dự báo đều cho nó đi hướng Bắc hoặc Bắc - Tây Bắc nhưng vì ảnh hưởng đợt gió mùa Đông Bắc (khối không khí lạnh áp cao) nên nó tạm "bị ép" đi về hướng Tây - Tây Bắc trong vài hôm. Khi lực này tan, bão trở lại lộ trình ban đầu là hướng Bắc. Cho nên, bão Chanchu đổi hướng Bắc, không có gì kỳ lạ. Chuyện kỳ lạ là nếu cơn bão này thật sự đổ bộ VN vào tháng 5, vì mùa bão ở miền Trung thường chỉ diễn ra từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm. "Tháng bảy, nước nhảy lên bờ", ông cha ta thường nói.

* TS có thể giới thiệu sơ nét về trang vnbaolut.com?

- Năm 1999-2000 về thăm quê, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh thương tâm do bão lụt gây ra ở miền Trung. Trở lại Mỹ, tôi lập website này để chia sẻ thông tin với đồng nghiệp và bà con trong nước. Các cơ quan khí tượng quốc tế dùng các phương tiện như satellite, computers và mô hình để làm dự báo, không những mô hình vùng Thái Bình Dương mà toàn cầu. Hằng ngày,  tôi lấy các dữ kiện này để chạy mô hình MM5 để làm dự báo chi tiết cho hơn 60 địa điểm ở VN. Các mô hình có thể dự báo trước 3 - 5 ngày trong khi VN vì thiếu phương tiện nên chỉ làm dự báo 24 giờ nên chúng gần với thông báo hơn là dự báo.

Tôi được biết, các làng đánh cá ở VN ít có máy tính nối mạng internet. Theo tôi, các ngư dân có thể nhờ thân nhân ở thành phố như Đà Nẵng, Hội An, TP.HCM... mỗi khi có tin báo bão thì vào mạng vnbaolut.com theo dõi, gọi về cho gia đình họ thông báo ra ngoài biển bằng ICOM. Công việc này không khó khăn và cũng không tốn kém bao nhiêu. Rút kinh nghiệm của Chanchu, từ nay, trang web của tôi sẽ có các dự báo lộ trình bão của Hải quân Mỹ, Nhật, Hồng Kông và Philippines.

Đặng Ngọc Khoa (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.