Bão Cimaron chuyển hướng

01/11/2006 00:42 GMT+7

** Nhiều dự báo khác nhau về bão Cimaron ** Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi trong lúc này Vì đường đi của cơn bão Cimaron hết sức phức tạp, cho dù thông tin mới nhất, "Con bò rừng" đã di chuyển về hướng bắc, nhưng tại cuộc họp chiều tối qua, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng vẫn chỉ đạo quyết liệt chuẩn bị việc di tản để bảo đảm tính mạng người dân.

Hôm qua 31/10, ông Nguyễn Văn Bảy - Phó phòng Dự báo khí tượng ngắn hạn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, cơn bão Cimaron là một cơn bão phức tạp và khó dự đoán hơn dự kiến. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc khó dự báo là do cơn bão này di chuyển với tốc độ rất chậm (trưa 31/10 là 5 - 10 km/giờ).

Qua theo dõi đường đi của cơn bão cho thấy, đêm 30/10 bão di chuyển theo hướng tây nhưng đến ngày 31/10, bão đã chuyển hướng theo hướng tây tây bắc. Trong khi đó, hiện đang có nhiều nguồn thông tin dự báo trái ngược nhau của các cơ quan khí tượng thủy văn trên toàn cầu về cơn bão này nên việc phân tích hướng đi của bão của các chuyên gia khí tượng thủy văn trong nước ít nhiều bị phân tán.

Mô hình dự báo của hải quân Hoa Kỳ sáng 31/10 cho là bão Cimaron sẽ đổ bộ vào khu vực phía bắc Thừa Thiên - Huế, nhưng đến chiều cùng ngày lại cho là bão sẽ đổ bộ vào Trung Quốc. Trong khi nhiều cơ quan khí tượng khác trên thế giới đều rất thận trọng, chưa dám khẳng định bão sẽ đổ bộ vào khu vực nào. Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ tối 31/10 cho biết, các mô hình dự báo rất khác biệt, có mô hình dự báo cho là bão sẽ đi lên và đổ bộ vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), có dự báo cho là bão sẽ vào Bắc Trung Bộ của Việt Nam, có dự báo cho là bão sẽ đi theo dạng thắt nút rồi chuyển hướng đi xuống.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan nhận định, do không khí lạnh đang tăng cường yếu xuống vùng đông nam Trung Quốc, nên bão số 7 khó có thể đi lên Trung Quốc, mà khả năng bão đi vào Việt Nam nhiều hơn, có thể sẽ vào khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Cũng theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, các mô hình dự báo đều cho rằng bão sẽ vẫn giữ cường độ như hiện nay (cấp 14) trong 48 giờ tới, sau đó sẽ giảm cường độ.


Bản đồ dự báo hướng đi bão Cimaron của Hải quân Mỹ

Bản đồ dự báo hướng đi bão Cimaron của Hồng Kông

Bản đồ dự báo hướng đi bão Cimaron của VN

Ảnh chụp qua vệ tinh lúc 21h ngày 31/10

* Chiều tối ngày hôm qua, 31/10, tại Đà Nẵng, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ huy tiền phương phòng chống bão lụt Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định để chỉ đạo công tác phòng tránh bão Cimaron.

Sau khi nghe các địa phương báo cáo tình hình, kế hoạch di dân... Phó thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành quyết liệt chuẩn bị di tản người dân ở các vùng có nguy cơ cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân. Phó thủ tướng nhắc nhở: "Tính mạng đồng bào là hết sức quan trọng. Các địa phương không được lơ là trong quá trình kiểm tra, nắm thông tin về từng hộ cần di dời. Đặc biệt phải chuyển ngay gạo cứu đói đến các xã vùng sâu, các nơi có khả năng bị chia cắt trong lũ để kịp thời cứu trợ cho người dân khi cần". 

Hồi 19h tối 31/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ vĩ bắc; 116,6 độ kinh đông cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 660 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (từ 150 đến 166 km/giờ), giật trên cấp 14. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 -10 km. Đến 19 giờ ngày 1.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ vĩ bắc; 115,6 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam khoảng 550 km về phía đông. Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 7 sẽ di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km. Đến 19 giờ ngày 2.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ vĩ bắc; 114,4 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam khoảng 430 km về phía đông.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Đông Sa và vùng biển tiếp giáp Đài Loan) có gió bão mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật trên cấp 14, sóng biển cao từ 10 đến 12 mét. Biển động dữ dội. (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương)

Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi trong lúc này

Hôm qua 31/10, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã ký Công điện khẩn số 1750 của Thủ tướng Chính phủ gửi các bộ: Quốc phòng, Thủy sản, Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND các tỉnh, TP: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang; Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 7. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Tư lệnh trưởng Bộ đội biên phòng chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay các biện pháp mạnh, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi. Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, tìm mọi biện pháp khẩn cấp tổ chức việc kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền tìm nơi trú, tránh bão để đảm bảo an toàn. Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo thường xuyên kết quả thực hiện việc hướng dẫn tàu thuyền về nơi an toàn về Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư và Ban chỉ đạo tiền phương tại TP Đà Nẵng. (Quang Duẩn)

M.Vọng - Q.Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.