Dự thảo luật Nhà giáo vừa được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV với nhiều chính sách mới cải thiện tiền lương, thu nhập cho nhà giáo. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên nhà giáo vẫn còn nhiều nỗi lo khác, trong đó có nỗi lo lớn nhất từ những áp lực của phụ huynh học sinh (PHHS).
Trong khuôn khổ nghiên cứu đời sống của giáo viên (GV) khu vực Nam bộ, Viện Phát triển chính sách ĐH Quốc gia TP.HCM (trực thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật) đã tiến hành nghiên cứu, phỏng vấn 132 nhà quản lý giáo dục, GV các cấp và khảo sát diện rộng 12.505 GV các cấp về các nội dung liên quan đến thu nhập, đời sống, áp lực… tại 3 tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang vào tháng 9 và tháng 10.2024. Kết quả cho thấy, ngoài áp lực thu nhập (chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hằng tháng của gia đình GV) thì hiện nay GV bị áp lực lớn không phải từ công việc chuyên môn mà từ PHHS. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 70,21% GV cho rằng mình đang bị áp lực hoặc rất áp lực từ PHHS với điểm trung bình 4,4/5 (5 điểm là rất áp lực). Kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến 40,63% GV từng có ý định chuyển nghề do bạo lực tinh thần từ PH.
Phỏng vấn sâu thầy cô trong ban giám hiệu, tổ trưởng bộ môn và GV đều có chung nhận định là hiện nay áp lực từ phía PHHS đối với GV đang là vấn đề đáng báo động trong ngành giáo dục. Nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng quá cao, thường xuyên can thiệp sâu vào công việc giảng dạy, thậm chí gây áp lực về điểm số. Họ liên tục theo dõi, đặt câu hỏi và yêu cầu báo cáo chi tiết về tình hình học tập của con qua các nhóm Zalo hay Facebook... Đáng lo ngại hơn, một số GV còn phản ánh rằng một số PH còn có những hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến thầy cô như đến trường gây gổ, thậm chí hành hung GV khi con em họ bị phê bình, nhắc nhở hoặc không đạt điểm cao. Nhiều GV còn phải đối mặt với tình trạng bị đe dọa hay bị bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội.
Mặt khác, kết quả khảo sát cũng cho thấy có đến 94,23% GV cho rằng họ tiếp tục theo đuổi nghề là vì lòng yêu nghề, yêu trò; 91,6% tiếp tục theo đuổi nghề vì lý tưởng bản thân, xem đây là nghề cao quý.
Nhiều nhà quản lý giáo dục và GV khi được phỏng vấn đều thống nhất chung nhận định: Trong bối cảnh hiện nay, khi mà quyền của HS và PH được đề cao thì dường như quyền của nhà giáo bị hạ thấp, nhất là quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự nói chung và trên không gian mạng nói riêng. Nhiều nhà giáo cũng nhận định rằng công việc dạy học rất nặng nhọc, thu nhập chưa trang trải đủ cuộc sống gia đình, thì lý do quan trọng nhất để họ gắn bó với nghề là do đây được xem là nghề cao quý. Nếu hình ảnh nghề cao quý ngày càng bị hạ thấp thì khó mà yêu nghề, yêu trò và trụ được với nghề.
Vì vậy, nội dung được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp phải được quy định thành một khoản riêng trong luật Nhà giáo mới tạo được hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện nhằm bảo vệ nhà giáo. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống tôn sư trọng đạo trong bối cảnh mới, nhất là bối cảnh phát triển của mạng xã hội và chuyển đổi số.
Bình luận (0)