Báo động sốt xuất huyết

27/09/2015 10:51 GMT+7

(TNTS) Gần đây, bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng tăng nhanh ở các tỉnh phía nam và có nguy cơ trở thành dịch.

(TNTS) Gần đây, bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng tăng nhanh ở các tỉnh phía nam và có nguy cơ trở thành dịch. 

Ảnh: ShutterstockẢnh: Shutterstock
Theo số liệu thống kê của Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM vừa công bố, tính đến hết ngày 13.9.2015, toàn thành phố có 8.739 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2014. Với con số nói trên, dự đoán theo đà gia tăng mạnh như hiện nay, sốt xuất huyết đang chuẩn bị bước vào đỉnh dịch.
Vì sao sốt xuất huyết dễ thành dịch ?
Sốt xuất huyết ở nước ta có thể xảy ra quanh năm, nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào giai đoạn mùa mưa, vì đây là thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển. Muỗi là loại môi giới truyền bệnh duy nhất gây ra bệnh sốt xuất huyết. Theo các chuyên gia y tế, bệnh lây lan chủ yếu do 2 loại muỗi Aedes aegypti (còn gọi là muỗi vằn) và Aedes albopictus (muỗi châu Á). Hai loại muỗi này rất phổ biến ở nông thôn cũng như thành thị ở nước ta. Khi bị muỗi mang vi rút Dengue (mầm bệnh) đốt thì rất dễ bị bệnh. Chúng hút máu người bệnh rồi bay đến hút máu người khỏe, thông qua vết cắn chúng sẽ truyền bệnh, từ đó bệnh phát triển và dễ lây lan thành dịch.
Đáng nói, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắcxin phòng bệnh, nên bệnh diễn biến khá phức tạp. Trong khi đó, nguyên do bệnh dễ bùng phát còn liên quan đến sự thiếu hiểu biết và hạn chế trong nhận thức của người dân về các biện pháp phòng chống, đặc biệt là thái độ chủ quan xem thường.
Quá trình sinh trưởng của muỗi Aedes liên quan mật thiết với nước và nhiệt độ của môi trường tự nhiên. Môi trường sinh sống thiếu vệ sinh sẽ tạo điều kiện cho muỗi Aedes phát triển và dĩ nhiên mầm bệnh càng dễ lây lan tạo thành dịch. Ở nước ta, muỗi Aedes rất thích đẻ trứng ở các môi trường gần nhà, tù đọng nước như: ao, hồ, cống rãnh, chum, lu, vại, lọ hoa, lốp xe hỏng, vỏ dừa, máng nước... Muỗi Aedes đốt và hút máu người cả ban ngày lẫn ban đêm, nhưng thời điểm chúng tác oai tác quái nhất là lúc sáng sớm và chập tối.
Sốt xuất huyết nguy hiểm ra sao ?
Th.S-BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - cho biết bệnh sốt xuất huyết bắt đầu gia tăng từ tháng 7 và đến nay số bệnh nhi sốt xuất huyết tại khoa hiện tăng so với thời điểm tháng 5 - 6 vì đã bước vào mùa mưa. Bắt đầu từ những ngày đầu tháng 9.2015, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận trên 100 trường hợp điều trị nội trú, trong đó có trường hợp nặng đến mức bị trụy tim mạch, suy hô hấp, có dấu hiệu suy gan, rối loạn đông máu và xuất huyết tiêu hóa.
Nói về triệu chứng của bệnh, bác sĩ Tuấn cho biết ngay từ khi khởi phát, bệnh đã gây sốt rất cao (từ 39 độ C). Nếu được uống thuốc hạ sốt thì thân nhiệt sẽ giảm nhưng sau đó tăng cao trở lại. Bệnh nhân sốt xuất huyết thường rất mệt mỏi, lừ đừ, buồn nôn, phát ban, giảm hẳn những hoạt động đơn giản thường ngày. Đến ngày thứ 3 - 4, bệnh diễn tiến nhanh, có thể bị sốc và xảy ra tình trạng nôn ói, đau bụng, chân tay lạnh, thậm chí có thể biến chứng suy đa cơ quan và tử vong rất nhanh nếu không được can thiệp kịp thời.
Vì vậy, nếu trẻ có những triệu chứng trên hay cha mẹ nghi ngờ trẻ hoặc người trong gia đình bị sốt từ 2 ngày trở lên có khả năng là sốt xuất huyết thì nhanh chóng đưa đi khám để được chẩn đoán và điều trị. Các trường hợp sốt xuất huyết tử vong ngoài nguyên nhân thường do nhập viện quá muộn còn có thể do theo dõi và điều trị không đúng, tình trạng cơ địa của người bệnh dư cân béo phì, trẻ nhũ nhi, có bệnh lý mãn tính kèm theo, tình trạng miễn dịch hoặc độc lực của vi rút. Bác sĩ Tuấn cảnh báo: nếu đã mắc bệnh sốt xuất huyết trước đây thì những lần sau dễ có biến chứng nặng hơn lần đầu tiên. Cần lưu ý không được truyền dịch sớm tại nhà vì bệnh nhân có thể suy hô hấp, phù nề khi bệnh diễn tiến nặng vào giai đoạn sau của bệnh.
Phòng ngừa vẫn là trên hết
Nhiều người nghĩ rằng bệnh sốt xuất huyết chỉ nguy hiểm đối với trẻ nhỏ còn ở người lớn thì không đáng bận tâm hoặc nhiều người mắc bệnh mà không biết, cứ nghĩ là cảm cúm, sốt thông thường nên tự uống thuốc, điều này rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Người lớn bị sốt xuất huyết có nguy cơ tử vong cao hơn trẻ em do chảy máu nhiều, xuất huyết não, suy gan, suy thận hoặc trụy tim mạch.
Nếu bệnh ở thể nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách cho người bệnh nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn nhẹ cháo, súp, sữa, dùng thuốc hạ sốt. Nhưng cần phải theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc bệnh diễn biến nặng hơn, như người bệnh li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều cần đưa ngay đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.
Theo bác sĩ Tuấn, đối phó tốt nhất với bệnh sốt xuất huyết là diệt muỗi và phòng chống muỗi đốt bằng cách phá bỏ những nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng), hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, vỏ dừa, lốp xe, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến, bỏ muối vào bát nước dùng để kê tủ bếp (ở nông thôn), cho cát ẩm vào lọ hoa...
Để không cho lăng quăng, muỗi có cơ hội cư trú trong nhà, nên tránh đổ quá nhiều nước vào các chậu cây, thay nước và cọ rửa lọ hoa hằng tuần để làm sạch trứng muỗi bám vào thành bình hoa trước khi đổ nước mới. Ở những nơi có nhiều vũng nước, có thể xử lý nhanh bằng cách phun hoặc rải hóa chất diệt bọ gậy. Những vật dụng không dùng đến như xe cũ, tủ lạnh, máy giặt... cũng có thể trở thành nơi sinh sản của muỗi, vì thế không nên để ngoài trời cho nước mưa đọng lại. Thùng đựng nước cần có nắp đậy, các ống tre làm hàng rào cần cắt sát tới đốt hoặc lấp cát để tránh đọng nước mưa...
Phòng chống muỗi đốt bằng cách ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay khi ngủ, dùng bình xịt diệt muỗi, nhang muỗi, kem chống muỗi, vợt điện diệt muỗi, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, quét dọn và lau chùi khô ráo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.