Bao giờ hết sống chung với ngộ độc thực phẩm?

12/03/2009 23:56 GMT+7

Nhiều bức xúc về công tác quản lý nhà nước về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã được các đại biểu đặt ra trong buổi làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM với Trung tâm y tế dự phòng TP hôm qua.

Nhiều vụ ngộ độc không tìm ra nguyên nhân...

Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) thành phố với đoàn đại biểu Ban Văn hóa - Xã hội HĐND sáng qua, có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) trong hai năm qua không tìm ra được nguyên nhân. Cụ thể, trong năm 2007, tại TP.HCM xảy ra 19 vụ NĐTP (với 2.089 người bị ngộ độc) thì có đến 13 vụ không xác định được nguyên nhân; năm 2008 TP xảy ra 23 vụ NĐTP (với 1.653 người bị ngộ độc, trong đó có 14 người bị tử vong do ngộ độc rượu), thì có 9 vụ cũng không tìm ra được nguyên nhân. Đáng lưu ý, tình trạng NĐTP xảy ra ở trường học trong năm qua tăng hơn nhiều so với năm trước (7 vụ trong năm 2008 so với 2 vụ của năm 2007)...

Đại biểu bác sĩ Cái Phúc Thắng (Phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP) không kìm được bức xúc: "Tại sao có quá nhiều vụ NĐTP không tìm ra được nguyên nhân? Phải chăng là vì trình độ chuyên môn của cán bộ YTDP còn yếu kém, hay do trang thiết bị, điều kiện khoa học kỹ thuật còn hạn chế? Cần phải tìm ra những "khuyết tật" ở chuyên môn, tác nghiệp để giải quyết vấn đề này".

Ông Nguyễn Sỹ Hào, Phó khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm (TTYTDP TP) giải thích: "Những vụ ngộ độc không tìm ra nguyên nhân là rơi vào quận huyện, nhiều vụ xảy ra ở quận huyện, họ không tìm được nguyên nhân; cũng có những vụ xét nghiệm không tìm ra được nguyên nhân; một số vụ đơn vị để xảy ra ngộ độc không có lưu mẫu thực phẩm; có những vụ rất khó kết luận nguyên nhân là gì...". Đại biểu Cái Phúc Thắng nói thẳng: "Không nên giao công tác chuyên môn về quản lý VSATTP cho đội ngũ phường xã, bởi họ đâu có chuyên môn để làm việc này".

Nhiều đại biểu cho rằng, với lực lượng của TTYTDP như thế mà phải làm nhiều việc, đó là một cố gắng. Tuy nhiên, qua thực trạng VSATTP, tình trạng NĐTP diễn ra liên tục cho thấy một gam màu tối ở lĩnh vực y tế dự phòng. Tình trạng NĐTP giống như "sống chung với lũ". Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa nói: "Ngành y tế, y tế dự phòng chưa hoàn thành nhiệm vụ ở khía cạnh đảm bảo VSATTP cho người dân. Phía YTDP cần xem lại việc quản lý VSATTP có những khó khăn gì cần giải quyết để tham mưu cho UBND TP nhằm có biện pháp tháo gỡ chứ không thể để thực trạng VSATTP tồn tại mãi như thế".

...nước uống không đảm bảo

Bên cạnh NĐTP, các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề bức xúc khác như: thực trạng nguồn nước uống của người dân TP không đạt các chỉ tiêu về lý hóa, vi sinh; tình trạng nước uống đóng chai được sản xuất trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh; việc "cháo dinh dưỡng" bày bán tràn lan... Ông Nguyễn Văn Minh, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP đặt câu hỏi: "Việc kiểm tra, giám sát của TTYTDP ra sao đối với một tỷ lệ lớn các cơ sở sản xuất nước đá, nước uống đóng chai, đóng bình qua kiểm tra trên địa bàn TP sai phạm trong năm 2008? Tỷ lệ nước giếng ở hộ dân TP không đạt chuẩn qua xét nghiệm trong năm 2008 là 12% - cao hơn năm 2007. Vì sao lại ngày càng tệ hơn?". Ông Phạm Văn Hải, Phó chủ tịch UB MTTQ TP.HCM, đặt vấn đề thêm: "Về các nguồn nước hiện nay mà người dân sử dụng như: nước máy, nước giếng khoan... trung tâm có kiểm tra được chất lượng nguồn nước hay không? việc dư luận nghi ngờ về nguồn nước, môi trường ở P.Bình Hưng Hòa A, Q.Tân Phú là yếu tố khiến nhiều người ở đây chết vì bệnh ung thư, trung tâm có kiểm tra ra sao?"...

Trước những bức xúc của các đại biểu, phía TTYTDP chưa có những câu trả lời cụ thể, thỏa đáng. Riêng về việc dư luận nghi ngờ nguồn nước ở P.Bình Hưng Hòa (Q.Tân Phú) thì bà Hoàng Thị Ngọc Ngân (TTYTDP) cho biết: "Sau khi có thông tin phản ánh, chúng tôi cùng các nhà chuyên môn đã khảo sát, lấy mẫu nước kiểm nghiệm... và không phát hiện ra các kim loại nặng, hay độc chất ở nguồn nước tại đây".

Chiều 12.3, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM thông báo qua kiểm tra đã phát hiện thêm một số cơ sở sản xuất nước uống đóng chai vi phạm điều kiện vệ sinh thực phẩm, nước bị nhiễm vi sinh. Cụ thể thêm 4 cơ sở bị đình chỉ hoạt động gồm: Công ty TNHH TM SX Lương Tuyền (Q.11) sản xuất nước mang nhãn hiệu Nice Water, qua kiểm tra không đạt về lý hóa và vi sinh; Công ty TNHH Sài Gòn Bến Thành (P.15, Q.Tân Bình) với loại nước mang tên Saigontourist không đạt vệ sinh; Công ty Hải Cường (P.11, Q.Gò Vấp) nhãn hiệu nước Havina, điều kiện sản xuất không đảm bảo vệ sinh; cơ sở Như Hảo (P.5, Q.11) với nhãn hiệu nước Rivera, điều kiện sản xuất không đảm bảo vệ sinh.

Thanh Tùng

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.