Bao giờ tái cấu trúc VPF?

06/04/2020 15:23 GMT+7

Nguồn tin của Thanh Niên được biết thường trực VFF có thể sẽ chỉ đạo tái cấu trúc lại VPF trong thời gian tới khi nhiều chuyện lùm xùm xảy đến trước và sau cuộc họp ngày 31.3 vừa qua, không có lợi cho phong trào.

Câu chuyện ngày 31.3 họp trực tuyến giữa Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) và đại diện các CLB, đặc biệt là sự vắng mặt của HAGL do phản ứng gay gắt của bầu Đức chỉ càng làm đậm thêm vai trò mờ nhạt, yếu kém của tổ chức đang điều hành các giải cao nhất của bóng đá Việt Nam.

Trước đó rất nhiều lần giới chuyên môn và người hâm mộ chỉ ra những bất cập trong cấu trúc bộ máy VPF khi Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm Tổng giám đốc không tạo được sức bật. Bên cạnh đó là sự thiếu hẳn những người đủ uy tín và chuyên môn để quản lý điều hành sân chơi V-League, phơi bày ra nhiều lúng túng và không đủ bản lĩnh mang lại hiệu quả cho tổ chức này.

Đơn cử như chuyện sân Vinh mặt sân như mặt ruộng, VPF có kiểm tra trước giải không? Nếu có sao không kiên quyết yêu cầu sân này phải đảm bảo đúng chuẩn mới cho đá? Hoặc có kiểm tra mà vẫn cho đá thì phải chăng năng lực có vấn đề hay xuê xoa cho qua. Đến khi báo chí “la làng” thì Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF mới lập tức có công văn yêu cầu đội bóng xứ Nghệ phải làm sân. Vậy rõ ràng bộ máy ở dưới của VPF đã thiếu trách nhiệm, có cần được “thay máu” và củng cố?

Hoặc chuyện ông Trưởng ban điều hành Nguyễn Trọng Hoài dù được lãnh đạo VPF mời ở cương vị người đứng đầu sân chơi V-League, nhưng lại thiếu đạo đức làm sao có thể cầm cân nảy mực? Không biết VPF có nhớ sự cố sân Kiên Giang năm 2012. Khi đó ông Hoài với tư cách phó chủ tịch CLB Thanh Hoá đã từng nhào ra sân miệt thị, chỉ tay chửi mắng trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh vì cho rằng xử ép đội bóng xứ Thanh. Thực tế sau đó thì người điều hành ban trọng tài Đoàn Phú Tấn sau khi xem băng hình đã kết luận “ Không có sai sót nào của trọng tài ảnh hướng đến kết quả trận đấu”. Với một nhân vật hành xử hồ đồ như vậy liệu có đủ sức nặng làm Trưởng ban điều hành V-League?

Ông Nguyễn Trọng Hoài từng chỉ mặt miệt thị trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh

Dương Thu

Nhưng điều mà người ta thấy cần phải tái cấu trúc VPF chính là phải tách bạch 2 vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và Tổng giám đốc. Vai trò Chủ tịch HĐQT hiện nay của ông Trần Anh Tú là do ông đang đại diện cho vốn cổ đông lớn của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Nhưng Tổng giám đốc thì không nhất thiết phải là người của VFF làm. Nó cũng như một doanh nghiệp,  HĐQT là những người chỉ đạo quản lý, vạch ra phương hướng, còn Tổng giám đốc phải như một Tổng công trình sư điều hành cả bộ máy VPF để thực thi sao cho có hiệu quả nhất. Tùy tình hình thực tế mà Chủ tịch hay Phó chủ tịch của HĐQT có thể kiêm nhiệm vai trò Tổng giám đốc một thời gian ngắn nhưng sau đó mọi chuyện cần phải tách bạch rõ ràng.

Tuy nhiên đến nay đã hơn 2 năm từ khi được thường trực VFF đưa sang giữ vai trò Chủ tịch HĐQT, ông Trần Anh Tú vẫn “ôm” vai trò Tổng giám đốc. Điều này khiến cho bộ máy VPF bị trì trệ hay nói đúng hơn là hoạt động không thực sự hiệu quả mà như bầu Đức nói thẳng “năng lực có vấn đề”.

Bầu Đức rất nhiều lần phản ứng VPF. Ông Trần Anh Tú hãy nghĩ xem vì sao?

Trên công luận và khi họp thường trực VFF, ông Tú có “than thở” là tìm không ra người giữ cương vị này. Thực tế có đúng không? Nhiều người biết chuyện cho rằng chính cách làm có phần “bưng bít” và còn muốn ôm đồm của lãnh đạo VPF khiến cho nhiều người ngại không muốn “nhảy vào lửa”. Nếu VPF muốn tuyển người thì chắc chắn sẽ có ứng viên.

Như đại hội VFF hồi cuối năm 2017 từ vài tháng trước đã có một danh sách 4-5 người có “máu mặt” trong giới kinh doanh đã sẵn sàng nộp hồ sơ tham gia. Bởi vị trí trong bộ máy điều hành VFF hay VPF đâu nhất thiết phải là người có chuyên môn giỏi mà quan trọng là làm CEO giỏi, có đam mê bóng đá và tổ chức công việc thật chỉn chu. Nếu VPF cầu thị, trải thảm thì khó gì không có người tài chung sức.

Trao đổi với một vài lãnh đạo VFF thời gian qua, chúng tôi được biết thường trực VFF cũng có suy nghĩ đến việc tăng thêm sức mạnh cho bộ máy VPF, tránh kiêm nhiệm quá lâu không cần thiết. Chính VFF cũng hiểu rằng phản ứng đôi khi thái quá của bầu Đức nhắm vào VPF mà cụ thể là vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của ông Trần Anh Tú cũng xuất phát từ đây.

Vì vậy để điều này không xảy ra, tiếp tục gây phân hóa không cần thiết, không có lợi cho phong trào thì tách bạch vai trò của ông Tú ra, tìm những con người mới nhiệt huyết bổ sung vào chắc chắn sẽ là động thái mà VFF tính đến nhằm tái cấu trúc lại VPF trong tương lai.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.