Bạo lực trong giới trẻ, do đâu? - Bài 8: Gần mực thì đen...

30/09/2010 23:27 GMT+7

Trong các nguyên nhân từ môi trường xã hội tác động, bị bạn xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp là một thực tế diễn ra đối với nhiều người trẻ hiện nay.

Tù tội vì bạn xấu

Dù mới 16 tuổi đời, nhưng V.T.An (tức Nị, ngụ Q.10, TP.HCM) đã được nhóm bạn xưng làm “đại ca”, cầm đầu một băng cướp “nhí” khoảng 10 thành viên.

Chỉ tính từ tháng 8.2008 đến khi bị bắt, băng nhóm này đã thực hiện trót lọt ít nhất 9 vụ trộm, 5 vụ cướp tại địa bàn các quận 6, 8 và H.Bình Chánh. Đáng lưu ý, cách thức “xử” đàn em “phạm luật” của “đại ca” An mới khiến nhiều người giật mình.

Đầu tháng 9.2008, do mâu thuẫn với một học sinh (HS) trường Bông Sao, P.5, Q.8, một đàn em của An là H.D.Đức (tức Nhi, 15 tuổi, ngụ Q.8) cầu cứu “đại ca” cùng 2 đồng bọn đến trường tìm HS trên trả thù. Trong vụ này, Đức bị Công an P.5, Q.8 bắt giữ lập biên bản xử phạt hành chính; số còn lại chạy thoát. Đức hoảng sợ bỏ trốn biệt tăm. Tức giận vì đàn em “phản bội”, An và đồng bọn truy tìm Đức để xử lý. Trưa 15.10.2008, một đồng bọn tên H. (đang bỏ trốn) đã tìm bắt Đức đưa về khu vực quán cà phê Pháp Cổ (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) để An xử lý. Tại đây, sau khi “ép” Đức quay trở lại con đường trộm cướp không được, An cùng đồng bọn đánh hội đồng Đức. Tàn bạo hơn, An lấy tờ báo kẹp vào chân Đức châm lửa đốt và tuyên bố nếu Đức làm rơi tờ báo sẽ bị cắt gân chân. Bị lửa đốt nóng quá, Đức làm rơi tờ báo thì An lạnh lùng cầm dao chém đứt gân đầu gối của Đức. Vẫn chưa hả giận, An chém tiếp 1 nhát nữa nhưng Đức kịp né được nhát dao chí mạng này. Sau đó, Đức đã được đưa đến BV cấp cứu.

Khi băng nhóm gần 10 tên của An sa lưới pháp luật, tại cơ quan công an một số tên cướp nhí khai mỗi lần cướp được tài sản chúng đều bán lấy tiền chơi “hàng đá” (ma túy tổng hợp), nhậu nhẹt...

Cũng vì bị bạn xấu rủ rê, lôi kéo, Lê Phương T., vốn là một HS chăm, ngoan đã trở thành kẻ nghiện ngập và vướng vào vòng tù tội khi mới 18 tuổi. Cuộc đời của T. rẽ sang ngã khác khi cô quen và kết bạn với Lê Thị Thu Thảo (24 tuổi), vốn là một tay anh chị nghiện ngập, ăn chơi, lêu lổng. Sau khi nhận T. làm “em kết nghĩa”, Thảo đã tỉ tê và tập cho T. hít heroin.

Tối 13.3.2010, Thảo lấy xe gắn máy chở “em gái” đi cướp giật. Đến trung tâm Q.1, phát hiện một nữ du khách nước ngoài đang đi bộ đeo một sợi dây chuyền, Thảo ra hiệu cho T. giật lấy và rồ ga tẩu thoát. Thế nhưng, cả hai bị các trinh sát đặc nhiệm Công an Q.1, TP.HCM truy đuổi và tóm gọn.

Gia đình phải quan tâm, biết con cái mình chơi với ai, đi đâu, làm gì. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những quy định chặt chẽ hơn về việc quản lý trẻ. Cụ thể, tất cả trẻ em phải được đến trường. Trong giờ học nhà trường quản lý, ngoài giờ học gia đình chịu trách nhiệm. Nếu trong giờ học mà trẻ lang thang quán net, tiệm cà phê... thì công an phải "hỏi thăm" xử phạt cả nơi chứa chấp lẫn nhà trường - Luật sư Nguyễn Thanh Lương

Vì sao người trẻ dễ bị lôi kéo?

Thực tiễn từ những vụ án hình sự có liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, luật sư Nguyễn Thanh Lương (Công ty luật hợp danh Liên Đoàn), nhận định: “Trẻ phạm tội do bị bạn bè xấu lôi kéo là rất lớn”. Luật sư Lương dẫn chứng: có những vụ án xuất phát từ việc nghe bạn khen mặc đồ hiệu đẹp, khen chiếc xe máy xịn, trầm trồ săm soi chiếc điện thoại đắt tiền của mình là trẻ cảm thấy sướng và tiếp tục xin tiền để thể hiện. Khi không có nguồn tiền chính đáng, chúng không ngần ngại tính chuyện trộm cắp, cướp giật...

Phân tích nguyên nhân người trẻ dễ bị bạn bè lôi kéo ăn chơi, lêu lổng, nhà giáo Phan Thúc Xán, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý - giáo dục - hướng nghiệp trẻ TP.HCM, cho rằng có nguyên nhân chính là do trẻ chán học do học kém mà ra.

Theo ông Xán, một khi đã chán học, trẻ ngày càng ham chơi, kết bạn và bạn bè trở thành tác nhân rất quan trọng trong cuộc sống của trẻ. Nhất là trẻ ở vào tuổi dậy thì, không muốn bị áp đặt, chỉ thích làm theo ý muốn của mình... “Có khi bạn nói trẻ còn nghe hơn cha mẹ nó”, ông Xán nói.

Ngoài trách nhiệm chính từ gia đình, ông Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng trường Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM), thẳng thắn nhìn nhận: “Để các em chán học, ăn chơi lêu lổng cũng có một phần trách nhiệm của nhà trường”. Theo ông Kiên: “Cần giảm thiểu những môn học mang tính khô khan, tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp; đồng thời tăng cường môn giáo dục công dân với những chương trình thực tế, huấn luyện kỹ năng sống. Bên cạnh đó, cần tạo sân chơi phù hợp với tâm sinh lý nhiều hơn nữa cho trẻ”.

Lời khuyên hữu ích

Sau khi xác định nguyên nhân chính trẻ dễ bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo là chán học do học kém, nhà giáo Phan Thúc Xán tư vấn: ngoài việc phối hợp với nhà trường, động viên nâng đỡ trẻ trở lại quỹ đạo học tập, kèm cặp những môn học yếu, cha mẹ cần tìm hiểu con mình đang kết bạn với ai để có hướng giải quyết thích hợp. Nên tìm cách liên lạc với cha mẹ của “đối tượng” để nói chuyện và đề nghị hai gia đình cùng hỗ trợ giải quyết, nhằm tách một cách khéo léo sự kết bạn vô bổ. “Ở nhà, cha mẹ cần có “quy chế học và chơi” rõ ràng và cùng con thực hiện, tức cho con học theo giờ giấc, có vui chơi, nghỉ ngơi. Buổi tối, cha mẹ nên dành thời gian để nói chuyện, tâm sự cùng con như bạn bè để động viên, khen thưởng kịp thời. Trong giai đoạn này cần có sự lưu thông giữa cha mẹ và con cái mới đạt kết quả như mong muốn”, ông Xán nói.

Cũng theo ông Xán, muốn “cứu” con từ đám bạn xấu không khó, chỉ cần cha mẹ hiểu được tâm lý trẻ. Với tuổi cấp 2, 3 thì cha mẹ không nên dùng áp lực để giải quyết vấn đề mà phải đối xử trẻ như những người bạn. Thương con nhưng phải tôn trọng con. Khi đã thành bạn, thì cha mẹ nên tìm hiểu những tâm tư của trẻ, từ đó có sự thông cảm, sẻ chia, tránh những can thiệp thô bạo, “bạo hành tinh thần” (chửi mắng, sỉ nhục)...

Minh Nam - Đàm Huy - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.