Bão Parma vào biển Đông và diễn biến phức tạp

05/10/2009 00:10 GMT+7

Sau khi quét qua đảo Luzong (Philippines), trưa hôm qua 4.10, bão Parma đi vào vùng biển phía đông bắc biển Đông, trở thành cơn bão số 10 hoạt động trên khu vực này trong năm nay.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (trung tâm) thông báo, lúc 16 giờ cùng ngày, bão số 10 mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14, tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ vĩ bắc; 119,8 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 890 km về phía đông đông bắc. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 10 hầu như tĩnh hoặc di chuyển rất chậm theo hướng giữa bắc tây bắc với vận tốc 5 km/giờ và có khả năng mạnh lên cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Đến 16 giờ chiều nay 5.10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 840 km về phía đông bắc, tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 10 đổi hướng, di chuyển chậm theo hướng giữa tây và tây tây nam. Đến 16 giờ ngày mai 6.10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 780 km về phía đông đông bắc. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão số 10 di chuyển theo hướng giữa tây nam và nam tây nam, đến 16 giờ ngày 7.10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 680 km về phía đông đông bắc. 

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông bắc khu vực bắc biển Đông có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14; biển động dữ dội.

Theo trung tâm, do tác động của các yếu tố môi trường quanh bão, đặc biệt là tương tác với siêu bão Melor đang hoạt động ở vùng biển ngoài khơi phía đông Philippines nên diễn biến của bão số 10 còn có thể thay đổi khác với nhận định trên, không loại trừ bão chuyển hướng đông bắc đi ra biển Thái Bình Dương.

Trung tâm cảnh báo tàu thuyền không nên di chuyển đến và kịp thời rời khỏi khu vực đông bắc biển Đông, từ vĩ tuyến 15 trở lên phía bắc và 115 độ đông trở ra phía đông để đề phòng những bất trắc có thể xảy ra.

Trong khi đó, do lũ thượng nguồn kết hợp với triều cường, lũ đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên nhanh. Dự báo đến ngày 8.10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 3,8m (trên báo động II 0,2m); tại Châu Đốc lên mức 3,3m (dưới báo động III 0,2m); các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên lên mức báo động II - báo động III, có nơi trên báo động III.

Tìm thấy một thi thể công nhân bị lũ cuốn trôi ở Lào

Sáng 4.10, xác 1 trong 11 công nhân bị lũ cuốn trôi ở Lào được đưa về nước qua cửa khẩu Bờ Y, tỉnh Kon Tum. Một cán bộ của Tổng công ty xây dựng Sông Đà (đơn vị thi công công trình có công nhân bị cuốn trôi) cho biết: Tối 29.9, một trận lũ lớn đã tràn ra công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Xê-ca-mản 1. Dòng lũ bất ngờ đã gây thiệt hại nặng nề về người và của, trong đó có 11 công nhân được xác định là mất tích do lũ cuốn. Qua gần 1 tuần liền, lực lượng cứu hộ của VN và nước bạn Lào nỗ lực tìm kiếm nhưng chỉ mới tìm thấy thi thể 1 nạn nhân trong cơn lũ này.

Trương Hoa

Quảng Trị: Nhiều tuyến đường vẫn còn tắc

UBND tỉnh đã trích ngân sách 3 tỉ đồng và huy động thêm 3 tỉ đồng từ các nguồn khác, mua lương thực và hỗ trợ bà con vùng lũ, vùng bị chia cắt. Hiện các địa phương, các ngành đang nỗ lực hết sức để sớm thông được các tuyến đường nhằm tiếp cận và cứu trợ cho người dân như đường vào xã Ba Lòng (riêng tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến cuối ngày 3.10 mới thông đến Tà Rụt), nhiều tuyến khác như Khe Sanh - Cù Bai...

TNTN tham gia dọn vệ sinh tại trường Tiểu học Phú Lưu, P.Vỹ Dạ, TP Huế - Ảnh: Minh Phương

Đến hôm qua, toàn tỉnh có 58 trường học bị hư hỏng nặng, 100 trường bị ngập và có đến 80% sách vở học sinh, tài liệu giảng dạy bị hư hỏng (trong đó có 25% đã bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn). Sau ngày Tết Trung thu, toàn tỉnh có tới 80% học sinh chưa thể đến trường, chủ yếu nằm ở các vùng bị ngập lụt, bị chia cắt.

Trong khi đó, UBND tỉnh cũng đã cử một đoàn công tác sang cứu trợ cho người dân ở các huyện Sê Pôn, Sa Muồi, Mường Nòng (thuộc 2 tỉnh Salavan và Savanakhet - Lào - có đường biên giới giáp với Quảng Trị), bị thiệt hại sau bão. Hàng cứu trợ bao gồm hơn 2.000 thùng mì tôm, 2.000 thùng nước tinh khiết, 500 bộ chăn màn, 1.000 viên cloramin và một số nhu yếu phẩm khác, trị giá gần 2 tỉ đồng. (Nguyễn Phúc)

Thừa Thiên-Huế: Hơn 1.800 TNTN tham gia dọn vệ sinh

Các chiến sĩ đoàn Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế tham gia dọn vệ sinh tại trường Mầm non Xuân Phú, P.Xuân Phú, TP Huế - Ảnh: Minh Phương

Hơn 1.800 đoàn viên thanh niên, sinh viên thuộc các chi đoàn cơ sở như Đại học Huế, khối Dân chính Đảng, các trường THPT và các Đoàn phường hôm qua đã ra quân dọn dẹp vệ sinh các tuyến phố, trường học… sau lũ lụt. Đây là hoạt động tình nguyện do Tỉnh Đoàn tổ chức, nhằm giúp dân khắc phục những hậu quả của lũ lụt, sớm ổn định giao thông đi lại và môi trường trên các tuyến đường của thành phố. Trước đó, Tỉnh Đoàn cũng đã huy động lực lượng TNTN xuống tận các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại các phường thấp trũng như An Đông, An Cựu, Phú Cát, Phú Bình… để dọn vệ sinh bàn ghế, sân trường, giúp nhà trường sớm ổn định việc dạy và học. (Minh Phương)

Quảng Nam: Bùn non phủ xm làng

Sau 5 ngày bão lũ trôi qua, nhà dân ở xã Đại Hồng, H.Đại Lộc bị bùn non phủ từ trong nhà, ngoài sân, ra cả đường đi… dù chính quyền và người dân đã nỗ lực dọn dẹp. Những lớp bùn non đặc quánh, đóng thành lớp dày đến đầu gối. Mọi di chuyển chỉ bằng chân, chậm chạp và rất nguy hiểm vì bên dưới có rất nhiều vật sắc nhọn, mảnh vỡ. Mất mát trong bão lũ là rất lớn và đến nay người dân vùng quê nghèo này vẫn đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn không dễ vượt qua. (Diệu Hiền)

Nhóm PV

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.