TNO

Báo Sài Gòn Tiếp Thị chuyển về Thời báo Kinh tế Sài Gòn

28/02/2014 19:03 GMT+7

Chiều 28.2, thông tin trên website của Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho biết báo Sài Gòn Tiếp Thị sẽ tiếp tục xuất bản, số đầu tiên của bộ mới sẽ ra mắt ngày 3.3, sau số cuối cùng của bộ cũ phát hành ngày 28.2.

Chiều 28.2, thông tin trên website của Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho biết báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) sẽ tiếp tục xuất bản, số đầu tiên của bộ mới sẽ ra mắt ngày 3.3 sau số cuối cùng của bộ cũ phát hành ngày 28.2.


Ông Nguyễn Xuân Minh: "Cần phải thấy rằng khi tờ báo bị đình bản vẫn là một thương hiệu tốt, có chỗ đứng trong lòng bạn đọc" - Ảnh: Trung Hiếu

Theo thông cáo này, sáng 28.2, UBND TP.HCM đã công bố giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông ký ngày 26.2, cho phép Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tiếp tục xuất bản ấn phẩm SGTT, với tần suất 3 số mỗi tuần như trước (thứ hai, thứ tư và thứ sáu).

Cùng ngày 26.2, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký quyết định thu hồi giấy phép trước đây của SGTT (bộ cũ) với lý do: “Cơ quan chủ quản báo đề nghị cho phép ngừng hoạt động vì không đủ điều kiện về tài chính”.

Cơ quan chủ quản của SGTT bộ cũ là Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) thuộc UBND TP.HCM. Cơ quan chủ quản mới theo giấy phép mới là Sở Công Thương TP.HCM.

Như vậy, Báo SGTT vẫn được xuất bản liên tục và theo giấy phép mới, số đầu tiên của bộ mới sẽ được đánh số 1. Tòa soạn của báo tại số 35 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, là trụ sở của Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Bà Trần Thị Ngọc Huệ, Tổng biên tập Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cho biết SGTT bộ mới sẽ tiếp tục công việc của đội ngũ những người đã thực hiện ấn phẩm này trong 19 năm qua.

Bà Huệ nói thêm: “Tôn chỉ mục đích của tờ báo bộ mới vẫn sẽ là phục vụ người tiêu dùng, các nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, tiêu dùng không chỉ liên quan đến việc mua sắm, sử dụng hàng hóa mà còn là hưởng thụ những sản phẩm tinh thần... Trong bối cảnh vừa tràn ngập thông tin vừa thiếu sự thẩm định thông tin hiện nay, người tiêu dùng rất cần thông tin khách quan, đúng đắn, kịp thời và thiết thực để giúp họ”.


Ông Nguyễn Xuân Minh đọc quyết định đình bản báo SGTT trước toàn thể nhân viên, phóng viên sáng 28.2 - Ảnh: Trần Việt Đức

Chiều 28.2, trả lời phỏng vấn của Thanh Niên Online, ông Nguyễn Xuân Minh - quyền Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị (bộ cũ) - cho biết: Thông tin SGTT bị đình bản có từ cả năm nay, rộ lên nhất từ sau khi có kết luận thanh tra của UBND TP.HCM.

Theo phổ biến của cấp có thẩm quyền như UBND TP.HCM, Sở Thông tin - Truyền thông TP, tờ báo bị thua lỗ về mặt tài chính và mất khả năng cân đối; không tìm được người thay thế để đảm đương tờ báo.

Theo ông Minh, cần phải thấy rằng khi tờ báo bị đình bản vẫn là một thương hiệu tốt, có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Sau khi bị đình bản, cái tên SGTT sẽ giao cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn để ra một phụ bản mới cũng mang tên SGTT.

"Tôi cũng được biết Thời báo Kinh tế Sài Gòn sẽ lấy măng sét y hệt như vậy, chỉ thay đổi tên cơ quan chủ quản. Còn toàn bộ hình thức như giấy, màu sắc cũng y như tờ SGTT cũ", ông Minh nói.

Trả lời câu hỏi về việc có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân khiến SGTT bị đình bản là do có nhiều tuyến bài nhạy cảm, ông Nguyễn Xuân Minh nói: "Đúng là có dư luận như vậy, nhất là thông tin trên mạng. Sau khi tôi lên làm quyền tổng biên tập thì chính đội ngũ của SGTT cũng ngồi lại, rút ra bài học để tự điều chỉnh chuyện này. Tôi khẳng định thời gian này báo không có nhiều chuyện nhạy cảm".

Liên quan đến tài chính của báo, ông Minh cho hay mấy năm gần đây báo có lãi, nhưng không có lãi thực bởi vì nợ cũ 50 tỉ đồng quá lớn. Năm 2011, có những lúc lãi suất lên tới 24%/năm thì làm bao nhiêu ngân hàng, nợ giấy, nợ in nuốt đến đó. Năm 2012, SGTT trả lãi hơn 8 tỉ đồng. Lý do tài chính của báo mất cân đối là đúng.

Nói về phương án bán trụ sở để trả nợ và chấp nhận làm lại từ đầu, theo ông Minh, SGTT có làm một đề án tái cấu trúc tờ báo, trong đó tập trung vào vấn đề tài chính, tôn chỉ và mục đích…; trong đó đưa ra khả năng bán trụ sở. Nhưng phương án tái cấu trúc này lại không được chọn. "Hiện nay Thời báo Kinh tế Sài Gòn đang giữ phương án tái cấu trúc của chúng tôi và có lẽ sẽ làm theo hướng đó".


Số báo cuối cùng của Sài Gòn Tiếp Thị (bộ cũ) - Ảnh: Anh Sơn

Sau khi báo đình bản, công việc của hơn 100 cán bộ, nhân viên và phóng viên của báo được giải quyết ra sao?

Ông Nguyễn Xuân Minh: Khi có một số vấn đề xảy ra, có một số anh em ra đi. Vì mưu sinh, gia đình nên họ phải ra đi là chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng đa phần đều ở lại làm việc dù có những lúc báo vẫn nợ lương và nhuận bút. Một số nơi khi hay tin cũng có điện cho tôi bảo sẽ nhận người này người nọ của báo. Đó cũng là chuyện bình thường.

Trong cuộc họp gần đây nhất, UBND TP.HCM cũng đề nghị Thời báo Kinh tế Sài Gòn nên nhận đội ngũ của SGTT. Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng đã đồng ý. Nhưng họ cũng là đơn vị độc lập cần phải có sự tính toán, tìm hiểu cho phù hợp. Cho tới giờ này thông tin tôi nắm được là chỉ có một phóng viên được ký hợp đồng, số còn lại đang tiếp tục thỏa thuận.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn chỉ đồng ý nhận khối nội dung nếu phù hợp, còn khối trị sự gặp khó khăn. Tinh thần cuộc họp của UBND TP.HCM, sẽ giới thiệu khối trị sự cho Sở Công Thương TP.HCM để giới thiệu hệ thống chân rết của họ xem ai có tay nghề giới thiệu người đó.

Có thông tin nhóm người của SGTT sẽ thành lập một tờ báo khác?

Tôi cũng có nghe thông tin anh em kiếm một tờ báo nào đó để quây quần đội ngũ cũ lại làm, nhưng tôi không liên quan vấn đề này. Giờ tôi mệt mỏi lắm rồi.

Sáng nay công bố đình bản xong, có quyết định điều tôi về cơ quan chủ quản là Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TP.HCM. Tuy nhiên sức khỏe của tôi không được tốt nên tôi sẽ xin nghỉ hưu non. Mọi thủ tục tôi đang làm.

Trung Hiếu
(thực hiện)

>> Lãnh đạo TP.HCM phản hồi phương án xử lý Báo Sài Gòn Tiếp Thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.