Bão sẽ đổ bộ Hải Nam hay Việt Nam?

04/08/2007 12:12 GMT+7

Cơn bão này đã được VN, Mỹ, Châu u và nhiều quốc gia Asean dự báo từ rất sớm. Tuy nhiên, bão gần bờ thường thay đổi bất chợt, các dự báo hiện thời thật khó mà chính xác...

Bão gần bờ

Sáng sớm 4/8, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (NCHMF) đã phát đi tin bão gần bờ với tên gọi bão số 2 (tên quốc tế là Pabuk do Lào đăng ký). Bản tin cho biết, hồi 4h vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 đến 14,3 độ vĩ bắc 112,2 đến 113,2 độ kinh đông, trên vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Quảng Ngãi - Khánh Hoà khoảng 380km về phía đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km/h), giật trên cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 2 di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa và ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa. Vị trí tâm bão số 2 lúc 4 giờ ngày 5.8 ở vào khoảng 14,9 độ vĩ bắc 112,0 độ kinh đông; Bán kính gió mạnh trên cấp 6 tính từ tâm bão khoảng 200km.

Bản đồ dự báo của NCHMF (Việt Nam) 4h30 sáng 4.8

Trong 24 đến 48 giờ, bão số 2 tiếp tục di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa và ngoài khơi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Vị trí tâm bão số 2 lúc 4 giờ ngày 6/8 ở vào khoảng 16,9 độ vĩ bắc; 110,1 độ kinh đông. Bán kính gió mạnh trên cấp 6 tính từ tâm bão khoảng 200km. Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa biển Đông bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có gió mạnh cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động mạnh.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau và khu vực nam biển Đông có mưa to và gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9. Biển động mạnh. Trong cơn dông đề phòng có tố lốc mạnh. Diễn biến của bão số 2 còn rất phức tạp, cần theo dõi các bản tin tiếp theo. Cạnh tin bão gần bờ, NCHMF phát hành bản đồ đường đi của bão với hướng giữa đảo Hải Nam và vịnh Bắc bộ.

Trung Quốc đang lo...

Không phải đợi đến bây giờ, từ hôm 30.7, Cơ quan Dự báo Thời tiết Trung Quốc (CMA) đã đưa ra cảnh báo mưa bão sẽ đổ lên vùng đông nam và tây bắc nước này khi nhiệt độ tăng lên 390 C từ giữa trưa 4.8 đến 5.8. Theo đó, nhiều vùng sẽ bị mưa lụt, đất chuồi, tiếp tục làm thiệt mạng hàng trăm người. Riêng tại Quảng Đông và Hải Nam, CMA dự báo sẽ diễn ra mưa bão, sấm sét. Thực tế, tâm bão Pabuk đang được nhiều mô hình dự báo sẽ  đến gần đảo Hải Nam hơn là các tỉnh phía bắc VN. Hồng Kông dù xa Hải Nam cũng đã lên tiếng về bão này. Tin cảnh báo của Cơ quan Khí tượng Hồng Kông (HKO) dự báo đến 5h địa phương sáng 5/8, bão đạt sức gió 75km/h. 24 giờ sau đó, gió mạnh lên 92km/h. Đến 5h sáng 7/8, gió bão còn 83km/h.

Dự báo này tương tự dự báo trước đó vào ngày 31/7 của Trung tâm Dự báo Thời tiết hạn vừa châu u EMCWF mà TNO đã đưa tin. Khi đó, EMCWF cho rằng hệ thống lốc xoáy nhiệt đới đang hình thành trên biển nam Trung Quốc khoảng 4.8 và sẽ trở thành bão Typhoon trước khi đổ bộ đảo Hải Nam và phía bắc VN.

Mỹ cảnh báo bão đổ bộ VN!?

Trễ hơn NCHMF 3 tiếng đồng hồ, đến 7 giờ sáng 4.8, Trung tâm Liên kết cảnh báo bão Hoa kỳ (JTWC) cũng đã đưa ra cảnh báo số 6 và công nhận áp thấp nhiệt đới 6W đã tăng cấp thành bão Pabuk. Theo JTWC, đến 19h tối 4.8 tâm bão gần 13.9 độ bắc 111,5 độ đông. Sức gió tối đa 35 dặm/h, giật 45 dặm/h. Bão đi chậm 6 dặm/h, hướng 330 độ la bàn, chếch bên trên tây bắc 15 độ.

Bản đồ dự báo của HKO (Hồng Kông) sáng 4.8

Đến 19h tối 5.8, tâm bão đến 15,7 độ bắc 110,1 độ đông. Sức gió tăng lên 40 đến 50 dặm/h. Bão di chuyển nhanh hơn một ít, hướng gần tây bắc. Đến 7h sáng 6/8, tâm bão nhích lên 16,7 độ bắc 109,0 độ đông, bên trên vùng biển Thừa Thiên- Huế. Sức gió 40 đến 50 dặm/h. Gió bão suýt soát hướng tây bắc 320 độ la bàn. Từ đó, bão đi giữa vùng biển đảo Hải Nam và vịnh Bắc bộ, đến 7h sáng 8.8 tâm bão đến sát bờ biển Bắc bộ, gió tăng lên 45 đến 55 dặm/h và sau đó đổ bộ VN.

Trước dự báo này, chúng tôi đã liên hệ TS Khí tượng và Môi trường Trần Tiễn Khanh (Mỹ). Ông nói: “ Bão năm nay ngay từ đầu đã có nhiều bất thường, như hình thành gần bờ và xuống tận nam trung bộ. Các bão gần bờ có nhiều thay đổi đột ngột nên rất khó dự báo. Cần theo dõi thường xuyên các mạng dự báo và ảnh mây vệ tinh. Hy vọng bão sẽ không đổ bộ VN và nếu có, sức tàn phá của nó sẽ không ghê gớm...”

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.