Theo đó, sau khi đi vào vùng biển ven bờ các tỉnh Hải Phòng - Ninh Bình, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền tỉnh Thanh Hóa. Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi sâu vào khu vực Thượng Lào, suy yếu và tan dần.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam ở khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
Bão số 2 đổ bộ đã đem theo mưa lớn trên diện rộng ở miền Bắc. Tính đến hôm nay, lượng mưa đo được ở các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức từ 100 - 200mm, một số nơi trên 200mm như: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) 324mm, Văn Lý (Nam Định) 233mm, Yên Định (Thanh Hóa) 237mm, Quỳ Châu (Nghệ An) 236mm... Mực nước sông Hoàng Long và các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An ở mức báo động I.
Mưa bão, sét và lũ quét đã làm tổng cộng 13 người chết, 4 người mất tích và 60 người khác bị thương. Trong số những người chết vì thiên tai, Hải Phòng có 6 người, Nam Định 4 người, Thái Bình và Thanh Hóa cùng với Yên Bái mỗi tỉnh có 1 người. 4 người mất tích được xác định là 3 nạn nhân trong vụ nước lũ cuốn trôi tại Yên Bái và 1 người ở Nghệ An do chìm tàu. 60 người bị thương đều ở Hải Phòng, là nạn nhân của vụ lốc xoáy kinh hoàng tối 23.6.
Thiên tai cũng đã làm 30 ngôi nhà của người dân Hải Phòng và Nghệ An sập đổ; hư hại 952 nhà (Hải Phòng 891, Nghệ An 7, Nam Định 54); ngập úng 3.965 ha lúa và hoa màu của người dân Yên Bái, Hải Phòng, Nghệ An và Nam Định. Ngoài ra, 8 tàu, thuyền của ngư dân Nghệ An (5 chiếc), Thanh Hóa (1 chiếc), Hải Phòng (2 chiếc) và 5 tàu thuyền khác bị hư hỏng.
Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư sáng nay cho biết, bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố huy động 4.154 cán bộ chiến sĩ và 340 phương tiện các loại thường trực phòng, chống bão số 2. Trong đó đã cứu nạn hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn 8 sự cố trên biển, cứu sống 34 người.
Tuy nhiên, hiện nay lực lượng tìm kiếm của bộ đội biên phòng và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn vẫn chưa liên lạc được với tàu cá TH 90526 với 10 ngư dân do ông Nguyễn Văn Hạnh trú tại thôn Chiến Thắng (xã Ngư Lộc, H.Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) làm chủ kiêm thuyền trưởng bị mất liên lạc tại khu vực biển cách hòn Nẹ khoảng 5 hải lý về phía đông bắc từ ngày 23.6.
Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư sáng nay tiếp tục yêu cầu các bộ ngành liên quan và địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 2 theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, đề phòng lũ quét, sạt lở đất, chủ động sơ tán dân tới nơi an toàn. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tiếp tục huy động lực lượng tổ chức tìm kiếm tàu cá của Thanh Hóa chưa liên lạc được và số người bị mất tích do lũ, chìm tàu tại Yên Bái và Nghệ An.
Các địa phương tăng cường chỉ đạo, huy động lực lượng tổ chức thu hoạch diện tích lúa chín, chủ động tiêu úng; tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ công trình, nhà thầu đảm bảo an toàn cho các công trình, hồ chứa, công trình liên quan đến an toàn đê điều; đặc biệt đối với các hồ chứa mực nước đã ở mức cao như khu vực các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cần tăng cường theo dõi chặt chẽ và sẵn sàng phương án di dân ở hạ lưu hồ để đảm bảo an toàn.
Các tỉnh thành cử cán bộ xuống các địa bàn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, trực tiếp chỉ đạo đối phó với mưa lũ, khắc phục hậu quả, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người dân bị thiệt hại, tổ chức vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Quang Duẩn
Bình luận (0)