Bão số 7 - mạnh và diễn biến phức tạp

23/11/2007 00:10 GMT+7

* Trong 24 - 48 giờ tới, bão ảnh hưởng trực tiếp từ Bình Định đến Ninh Thuận Hôm qua, bão số 7 (Hagibis) mạnh thêm 2 cấp và diễn biến rất phức tạp về hướng cũng như tốc độ di chuyển, trong khi cơn bão Mitag đang hoạt động trên khu vực phía đông Philippines có khả năng sẽ vào biển Đông từ ngày 25.11. >> TP.HCM: Lo bão, lũ, triều cường cùng lúc

Diễn biến phức tạp

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết: Từ chiều 21.11 cho đến 1 giờ sáng 22.11, bão số 7 di chuyển theo hướng tây với tốc độ di chuyển trung bình là 18 km/giờ, mạnh cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10.

Từ 1 giờ đến 4 giờ sáng ngày 22.11, bão chuyển hướng tây tây bắc, tốc độ di chuyển hơi chậm lại là 15 km/giờ, đồng thời mạnh thêm một cấp, gió mạnh nhất gần tâm bão là cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Từ 4 giờ đến 10 giờ ngày 22.11, bão di chuyển chậm lại 5-7 km/giờ, có lúc hầu như không di chuyển. Do vậy, bão có thêm năng lượng nên đã mạnh thêm một cấp nữa, gió mạnh nhất gần tâm bão là cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12.

Phân tích trên ảnh mây vệ tinh lúc 13 giờ  ngày 22.11, hoàn lưu của bão đang tiếp tục phát triển. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, tham khảo mô hình số trị MM5 (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ), cho thấy trong 12 giờ tới, bão còn có sự thay đổi về hướng di chuyển, tốc độ di chuyển khá phức tạp.

Đau đầu với "con chim én"

Bão số 7 (tên quốc tế là Hagibis, tiếng Philippines là con chim én) hôm qua bỗng dưng giảm tốc nhưng lại tăng sức lên đến cấp 12 và muốn chuyển hướng. Diễn biến này khiến cho các nhà dự báo đau đầu trước câu hỏi: Bão vào bờ hay đi ra ngoài? Ông Nguyễn Minh Giám, Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ chiều hôm qua cho chúng tôi xem các mô hình dự báo nước ngoài, toàn là các "đại gia" về dự báo bão như: Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông, Anh... với nhiều dự báo khác nhau.

Trong số 5 mô hình dự báo, vào chiều hôm qua chỉ có mô hình của Hải quân Mỹ là cho bão số 7 vào bờ. Từ khi còn là áp thấp nhiệt đới cho tới chiều hôm qua, lúc nào mô hình của Hải quân Mỹ cũng cho vào bờ, ban đầu cho vào Cà Mau, có lúc thì cho vào TP.HCM, rồi nhích dần lên Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và chiều 22.11 là Phan Rang. Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan cho biết thêm: "Một số mô hình khác của Mỹ, có cái thì cho đi vô, có cái thì cho đi ra biển. Trong 10 mô hình dự báo của nước ngoài, thì có 5 mô hình cho đi vào, 5 mô hình cho đi ra".

Lúc 21 giờ tối qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu tại thành phố Phan Thiết. Cùng làm việc với Phó Thủ tướng còn có Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát - Trưởng ban PCLB Trung ương và đại diện Ủy ban Quốc gia về Tìm kiếm cứu nạn, đại diện các Bộ ngành liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Tất cả các địa phương không được chủ quan cho dù bão có thể sẽ chuyển hướng đi nơi khác. Cho dù bão có thể không vào, nhưng mưa lớn, sạt lở đất và kể cả sau bão cũng sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng của người dân. Hôm nay, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ ra Ninh Thuận và Khánh Hòa.

Quế Hà

Vì sao có sự khác biệt như vậy? Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, do hiện nay cùng lúc có 2 cơn bão hoạt động, gọi là bão đôi. Hai cơn bão có sự tương tác nhau, vô cùng phức tạp, không theo một quy luật nào cả. Cơn bão Mitag bên ngoài bứt phá, chuyển hướng đi lên phía trên, nên sự chuyển động của "anh này" tác động đến "anh kia" nên rất khó dự báo một cách chính xác.

Dự báo ảnh hưởng trực tiếp từ Bình Định đến Ninh Thuận

Vào lúc 21 giờ 30 đêm qua, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Hồi 19 giờ ngày 22.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,9 độ vĩ bắc, 111,7 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận khoảng 300 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (từ 103 đến 133 km/giờ), giật trên cấp 12. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận.

Đến 19 giờ ngày 24.11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,0 độ vĩ bắc; 110,5 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 160 km về phía đông. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 150 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 300 km. Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa) có gió bão mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12. Biển động dữ dội. Vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận (bao gồm đảo Phú Quý) gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12. Biển động dữ dội. Từ chiều tối ngày 23.11, vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, giật trên cấp 7 và có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Bão số 7 đang di chuyển chậm, hướng di chuyển còn có thể thay đổi.

Nằm ở rìa tây nam của cơn bão, TP.HCM và các tỉnh lân cận trời nhiều mây, không mưa nhưng theo quan trắc của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ thì gió đã mạnh lên thấy rõ, nhất là vào buổi chiều và tối. Còn theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 19 giờ tối qua, tại TP.HCM, tốc độ gió đo được là 12m/giây (khoảng cấp 6).

Bình Định:

Chiều 22.11, Sở Thủy sản tỉnh Bình Định cho biết trước diễn biến phức tạp của bão số 7, toàn bộ 6.500 tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh đã vào nơi neo trú tránh bão an toàn, trong đó có 7 chiếc với 58 ngư dân đang được neo đậu ở phần lãnh hải Philippines sau khi có sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Việt Nam với nước bạn. (Đình Phú)

Phú Yên:

Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh cho biết, đến ngày 22.11 còn 97 tàu thuyền với 544 lao động hoạt động ngoài tỉnh, trong đó có 15 tàu, 125 lao động hành nghề câu cá ngừ đại dương đang trên đường vào bờ. Ngoài ra tại Phú Yên còn có 82 tàu, với 419 lao động gần bờ ở các vùng biển các tỉnh lân cận. Hiện, tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đều đã liên lạc được với đất liền, và đang tìm nơi tránh bão. (Trình Kế)

Khánh Hòa:

16 giờ chiều qua 22.11, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa đã họp khẩn cấp bàn biện pháp đối phó với bão số 7. Tất cả các tàu cá của Khánh Hòa không được hoạt động cho đến khi hết bão. Ngư dân trên các lồng, bè nuôi phải sơ tán khẩn cấp trước khi bão đến. Ngày thứ bảy học sinh phổ thông được nghỉ học. (X.H)

Bà Rịa-Vũng Tàu:

Chiều 22.11, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có 2.838 tàu, thuyền với 26.929 ngư dân vào bờ. Ngoài biển còn 2.123 tàu, thuyền với 7.989 ngư dân, trong đó có 600 chiếc đang ở Indonesia, 629 chiếc đang trên đường vào bờ và gần 900 chiếc đang ở vĩ độ 5-70 nam, tất cả đều liên lạc được.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều nhà dân đã triển khai dùng cát đổ bao dằn, chống bão. (Nguyễn Long)

* Các tỉnh từ Nam Trung Bộ đến ven biển Nam Bộ từ chiều tối 22.11 có mưa trên diện rộng, có nơi mưa vừa mưa to, gió mạnh dần lên, có lúc gió giật. Riêng các tỉnh miền Đông Nam Bộ như: Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, huyện Cần Giờ (TP.HCM) từ chiều tối ngày 24.11 sẽ nằm trong phạm vi có gió mạnh trên cấp 6 và mưa to, nên cần hết sức đề phòng các hồ chứa ở miền Đông đang tích nước ở mức cao; có thể từ ngày 23 đến 25.11 sẽ có mưa to trên lưu vực sông Bé, sông Sài Gòn-Đồng Nai, nên có nhiều khả năng sẽ xả lũ về hạ lưu. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Cần Giờ (TP.HCM) có gió mạnh cấp 6 cấp 7, giật trên cấp 8, mưa vừa mưa to, giông mạnh kèm theo gió giật. Do chịu ảnh hưởng rìa tây nam hoàn lưu bão số 7 kết hợp với gió mùa đông bắc, các tỉnh ven biển như Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Cần Giờ, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau cần chuẩn bị di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm, vì bão vào có thể gây ra hiện tượng nước dâng do sóng bão và triều cường, gió xoáy mạnh, mưa to, nhất là ở các huyện ven biển. TP.HCM có mưa và giông, gió giật. Một số nơi mưa to đến rất to trong các ngày từ 23 đến 25.11. (Mai Vọng)

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.