Bão số 9: Triển khai ngay máy bay cứu nạn tàu cá khi thời tiết cho phép

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
28/10/2020 14:16 GMT+7

Trong điều kiện thời tiết trên biển diễn biến xấu, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị phương án máy bay để tìm kiếm cứu nạn các tàu cá bị chìm khi tránh bão số 9.

Kết luận ở cuộc họp khẩn tại Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 vào trưa nay (28.10), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 5, Quân khu 4 và các quân khu lân cận cùng các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn… tập trung lực lượng để ứng phó, cứu hộ trong và sau bão số 9.
Trong đó, Phó thủ tướng yêu cầu chú ý khẩn trương đưa tàu lớn ra cứu hộ 26 thuyền viên và 1 tàu đang bị chết máy, tự trôi ở vùng biển Bình Định khi đang trên đường đi tránh bão số 9.
“Phải đưa tàu lớn ra cùng 2 tàu kiểm ngư. Qua trao đổi với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đồng ý để đưa tàu ra. Thủ tướng cũng yêu cầu đảm bảo tính mạng người dân và phải tập trung lực lượng để làm. Tôi hứa với Thủ tướng là làm hết sức mình để bảo vệ an toàn cho người dân”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Biên phòng Đà Nẵng sơ tán người dân, ứng cứu tàu bè trong bão số 9

Bàn về phương án cứu nạn trên không, Phó thủ tướng yêu cầu ngành chức năng “tập trung ngay máy bay, khi thời tiết cho phép thì ra ngay để ứng cứu”. Theo Phó thủ tướng, việc này là rất hợp lý đối với tình hình cứu nạn trên biển khi tàu đi ra biển khó khăn do sóng to. “Phương án đưa máy bay ra là rất phù hợp”, Phó thủ tướng nói nhấn mạnh: “Chuẩn bị ngay phương án máy bay”.

Kiểm tra kỹ, đảm bảo an toàn nơi sơ tán dân

Theo nhận định của Phó thủ tướng, bão số 9 đã đổ bộ vào ven biển Bình Sơn (Quảng Ngãi). Trong một vài giờ tới sẽ đổ bộ vào Quảng Nam, Đà Nẵng.
Phó thủ tướng cũng cho biết bão số 9 gây mưa rất lớn, gió to tại Bình Sơn (Quảng Ngãi) với cấp 11 - 12, giật 13 - 14. Bão đã làm sập nhà yếu, làm tốc mái hầu hết nhà cấp 4. Những công trình trường học, nhà trẻ… mái lợp đa số bị tốc mái. “Thiệt hại hại rất nặng nề đối với Quảng Ngãi và một số địa phương. Cơn bão sẽ tiếp tục đi vào đất liền trong những giờ tới và sẽ lưu lại rất lâu. Do đó, ảnh hưởng cơn bão số 9 rất lớn. Nếu chúng ta không quyết liệt ứng phó thì rất nguy hiểm”, Phó thủ tướng đánh giá.

Đà Nẵng hiện đang có mưa to gió lớn, nước sông Hàn dâng cao

Ảnh: Hoàng Sơn

Từ nhận định tình hình khẩn cấp, Phó thủ tướng yêu cầu tất cả ban chỉ đạo và các địa phương tập trung chỉ đạo để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản người dân. Các địa phương dùng mọi biện pháp tại chỗ để ứng phó trong và sau bão. Tiếp tục theo dõi để bảo vệ người dân đặc biệt là người dân sơ tán.
Phó thủ tướng cũng cho biết sáng 28.10, khi kiểm tra nơi tránh trú bão tại Q.Liên Chiểu, Phó thủ tướng đánh giá đây nơi tránh trú không an toàn. “Với con mắt kỹ thuật xây dựng, tôi thấy nguy hiểm. Nhà thì an toàn nhưng vách ngăn bằng mảng kính rất to, kết cấu sơ sài là rất không an toàn. Nếu gió lớn, sập thì có thể gây thảm họa. Hiện Đà Nẵng đã kịp thời sơ tán, những người còn lại thì xuống hầm”, Phó thủ tướng chỉ đạo các địa phương kiểm tra các vị trí sơ tán, đặc biệt có những nơi cửa yếu, cửa kính… "Đây chính là những cái bẫy gây tai nạn khi bão vào. Đó là những chỗ mà phải tập trung bảo vệ người dân”, Phó thủ tướng nói.

Bão số 9: Gió rít mạnh liên hồi ở thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam)

Cùng với đó, Phó thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương yêu cầu người dân phải chấp hành nghiêm theo sự chỉ đạo của chính quyền trong lúc sơ tán tránh bão số 9. Khi nào chính quyền cho về mới được về. Rút kinh nghiệm ở những cơn bão trước, người dân trở về nhà dọn dẹp gây ra tai nạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.