Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh

Phạm Anh
Phạm Anh
03/05/2018 05:00 GMT+7

Những năm gần đây, cùng với Quảng Nam, Kon Tum đã tận dụng mọi nguồn lực để bảo tồn, phát triển và xây dựng quốc hiệu sâm Ngọc Linh.

Vùng sâm Ngọc Linh nằm ở 5 huyện và 16 xã của hai tỉnh Kon Tum, Quảng Nam. Tại Kon Tum, sâm Ngọc Linh có ở 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông. Loài sâm này được xem như thần dược, hỗ trợ tăng lực, chống lão hóa, tăng cường đề kháng, chống độc tố, hỗ trợ phòng bệnh ung thư… Sau nhiều năm bị tận diệt, nay loại cây quý này được tỉnh Kon Tum trải thảm mời doanh nghiệp đầu tư trồng mới.
Cụ thể, Kon Tum đã dành cho sâm Ngọc Linh sự ưu tiên cần thiết để bảo tồn giống và mở rộng diện tích theo các hình thức: liên doanh, liên kết giữa người dân với người dân, người dân với doanh nghiệp nhằm xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn. Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum là một điển hình: đơn vị liên kết người dân ở hai xã Tê Xăng và Măng Ri (H.Tu Mơ Rông) trồng sâm. Người liên kết với công ty, ngoài được trả lương còn được hỗ trợ gạo, thực phẩm và 100 gốc mầm sâm/hộ.
Sau nhiều nỗ lực, đến nay tỉnh Kon Tum phát triển được 325 ha sâm Ngọc Linh dưới những tán rừng nguyên sinh (độ cao từ 1.800 - 2.500 m) trên núi Ngọc Linh, nhiều nhất ở hai xã Măng Ri, Ngọc Lây (H.Tu Mơ Rông). Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Kon Tum trồng được 1.000 ha, sản lượng ước đạt 190 tấn. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh Kon Tum trồng hơn 9.300 ha với quy mô công nghiệp, khai thác 800 tấn/ha. Tỉnh cũng đã quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh rộng gần 32.000 ha tại 8 xã ở 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông, trong đó diện tích vùng lõi trồng sâm gần 10.000 ha.
Hiện UBND tỉnh Kon Tum đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển diện tích sâm Ngọc Linh gắn với phát triển du lịch. Để thu hút đầu tư, Kon Tum sẽ cho doanh nghiệp hưởng các ưu đãi về đất đai, thuế, nông nghiệp... Bước đầu, đã có Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum gửi đến kế hoạch triển khai dự án đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp bảo vệ và phát triển cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại H.Tu Mơ Rông, với quy mô gần 5.000 ha, trong đó có đầu tư hạ tầng đường giao thông, lưới điện, nước.
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum khẳng định việc phát triển diện tích sâm không tiến hành ồ ạt; các nhà đầu tư trồng sâm phải đảm bảo bộ giống gốc và phải trồng ngay trên núi Ngọc Linh, như vậy mới bảo tồn thương hiệu sâm Ngọc Linh. Để có giống sâm Ngọc Linh, nhiều năm qua tỉnh cũng đã giao cho Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đăk Tô xây dựng Khu bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.