Nguyên nhân của vụ cháy được người phát ngôn của TP Hải Phòng thông báo là do chủ xưởng may giày da, vì sợ cơn bão số 3 ập vào làm tốc mái nhà xưởng, bèn cho người hàn gia cố trên mái nhà, tàn lửa hàn là thủ phạm gây nên vụ hỏa hoạn. Vậy là, chủ xưởng muốn tránh thiệt hại do cơn bão từ trời, lại “gặp” một cơn bão khác từ chính sự bất cẩn của mình.
Bão số 3 ập vào nước ta với sức gió trên cấp 10, nhưng thiệt hại về người thấp hơn rất nhiều so với vụ hỏa hoạn thảm khốc này.
Rồi đây, các cơ quan chức năng sẽ ngồi lại xem xét nguyên nhân nào nữa đã dẫn đến thảm họa ngoài ngọn lửa từ que hàn như đã xác định ban đầu. Nhưng có lẽ, có một nguyên nhân sâu xa mà các nhà quản lý sẽ “lờ” đi khi mổ xẻ vấn đề. Đó là sự lỏng lẻo trong việc cấp phép hoạt động cho các loại nhà xưởng mang tính “nhạy cảm” với lửa.
Để có một xưởng may giày da ra đời, thu hút đến 50 lao động như xưởng may nói trên, chủ xưởng phải chạy bạc mặt để xin giấy phép với đủ các chữ ký, đủ các loại giấy tờ, trong đó chắc chắn phải có giấy phép của cơ quan “quản lý cháy nổ” và cơ quan “thanh tra an toàn vệ sinh lao động”. Tất cả các chữ ký và con dấu đỏ ấy đã bỏ qua một lỗ hổng chết người về công tác phòng chống cháy nổ: Một nhà xưởng rộng 150 m2, tới 40-50 công nhân thường xuyên có mặt, lại sản xuất toàn những thứ rất nhạy với lửa nhưng không có cửa thoát hiểm, chỉ có mỗi một cửa ra vào ở phía trước nhà. Vì vậy, khi hỏa hoạn xảy ra, chỉ cần đám cháy “bít đường” thoát hiểm duy nhất ấy, tất cả những người còn lại đành chịu chết cháy! Nếu như thanh tra an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ mà mục sở thị xưởng may này, chắc chắn không một ai dám cấp phép cho xưởng hoạt động trong điều kiện vừa chật chội nóng bức lại vừa không an toàn như thế cả.
Tại cuộc họp báo sau vụ hỏa hoạn, ông Phạm Văn Mợi, người phát ngôn của TP Hải Phòng cho hay, sắp tới đây, TP sẽ rà soát lại toàn bộ các xưởng may và giày da trên địa bàn TP, để ngăn chặn các vụ tai nạn tương tự. Động thái này rất giống với việc rà soát lại các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long sau sự cố chìm tàu gây chết người hàng loạt hồi đầu năm nay. Hy vọng rằng tất cả tỉnh, TP trong cả nước đều nghĩ rằng không phải chỉ Hải Phòng mới có các xưởng may dày da nên mới “rà soát”. Đừng mất bò mới lo làm chuồng!
Trà Sơn
Bình luận (0)