Bảo vệ Tổ quốc bằng nội lực dân tộc và sức mạnh thời đại

04/08/2011 01:18 GMT+7

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 3.8, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã chia sẻ về vấn đề hiện đại hóa quân sự và bảo vệ chủ quyền biển Đông.

Thông tin minh bạch

Thưa Bộ trưởng, hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau trong giải quyết vấn đề biển Đông, có ý kiến cho rằng nên giải quyết song phương, cũng có ý kiến đề nghị giải quyết đa phương. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?

 
''Ta có mua tàu ngầm, tên lửa, máy bay, khí tài cũng là để tự vệ, bảo vệ hòa bình chủ quyền chứ không có ý định đe dọa, hay xâm lấn bờ cõi các nước xung quanh'' - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh

Khi tiếp tư lệnh hải quân các nước ASEAN tôi đã nêu rõ: vấn đề gì còn tranh chấp song phương thì giải quyết song phương, ví dụ Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và vùng cửa vịnh Bắc Bộ thì sẽ giải quyết song phương theo luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982; còn vấn đề Trường Sa, bao gồm cả Việt Nam và một số nước, vùng lãnh thổ thì phải giải quyết giữa các bên có liên quan. Hoặc đường chín khúc mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nó đụng đến chủ quyền Việt Nam, Malaysia... thì phải đa phương, không thể song phương được. Vấn đề quốc tế thì phải giải quyết với nhiều bên trên cơ sở công khai minh bạch chứ không giải quyết riêng với từng nước, như thế các bên mới chấp nhận được.

Vậy Việt Nam và ASEAN có đồng quan điểm trong vấn đề này?

Khá thống nhất, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng tại Indonesia vừa qua, lần đầu tiên ra được tuyên bố chung giải quyết tranh chấp trên biển Đông, đó là vấn đề biển Đông phải được giải quyết bằng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Phải đàm phán ngoại giao giữa ASEAN với Trung Quốc chứ không thể riêng từng nước ASEAN với Trung Quốc.

Vừa qua có nhiều cường quốc bày tỏ quan tâm đến vấn đề biển Đông, gây ra nhiều ý kiến trái ngược là nên hay không nên có sự tham gia của các cường quốc?

Biển Đông có vị trí chiến lược, có tuyến đường hàng hải quan trọng thứ nhì thế giới về tần suất tàu bè qua lại. Nhiều cường quốc có lợi ích kinh tế nên họ quan tâm. Họ quan tâm thì họ có hợp tác nhưng mục đích chung là để giữ hòa bình ổn định chứ quan điểm của họ thì không hoàn toàn đứng về phía nào. Tôi tin khu vực này có lợi ích của tất cả các nước và điều quan trọng vẫn là giữ vững hòa bình ổn định. 

Bộ trưởng có nói nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tăng cường đối ngoại quốc phòng, vậy làm sao để ta có thể tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế trong vấn đề biển Đông?

Ta vẫn làm trên nguyên tắc bảo vệ bằng nội lực dân tộc cộng sức mạnh thời đại. Sức mạnh thời đại bây giờ không còn như thời kỳ chiến tranh lạnh, phân ra các phe, như bó hẹp trong phe xã hội chủ nghĩa. Bây giờ sức mạnh thời đại là sự ủng hộ chính nghĩa, cái đúng. Muốn vậy ta phải chủ động cung cấp thông tin minh bạch chính xác để thế giới biết ai đúng ai sai để họ có tiếng nói ủng hộ chính nghĩa chứ không phải chúng ta lôi kéo, tập hợp lực lượng để chống lại hay đối trọng với các nước khác.

 

Tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất được nhiều chuyên gia đánh giá là phù hợp với nhu cầu hiện đại hóa hải quân của Việt Nam - Ảnh: FAS

Sẽ có lữ đoàn tàu ngầm hiện đại

Thưa Bộ trưởng, Việt Nam chủ trương hiện đại hóa quân đội như thế nào để bảo vệ đất nước trong tình hình mới?

Phương hướng xây dựng quân đội sẽ theo hướng cách mạng, chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó Hải quân, Phòng không - Không quân, Thông tin liên lạc, tác chiến điện tử... đi thẳng vào hiện đại để bảo vệ đất nước. Các quân chủng kỹ thuật phải đi trước và xây dựng con người hiện đại để có khả năng làm chủ các vũ khí có hàm lượng công nghệ cao chứ không phải hiện đại để gây trở ngại cho nước khác. Khi kinh tế phát triển thì quân đội phải hiện đại để nâng cao khả năng tự vệ.

Hiện nay các nước cũng đang tăng cường hiện đại hóa quân đội, mua sắm vũ khí. Có ý kiến lo ngại đang có cuộc chạy đua vũ trang?

Đó là động thái chung của các quốc gia. Khi mà họ phát triển về kinh tế thì họ hiện đại hóa quân đội. Tôi thì không cho đây là chạy đua vũ trang vì quân đội thì phải bảo vệ hòa bình, lãnh thổ của họ, do vậy họ phải hiện đại hóa quân đội là thường thấy, trong đó có chúng ta.

Đã có thông tin công khai ta sẽ mua 6 tàu ngầm, xin Bộ trưởng cho biết tiến trình giao nhận cụ thể ra sao?

Đây là kế hoạch dài hạn từ nay đến 2020, trước mắt 5-6 năm tới ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu hiện đại. Nhưng như tôi nói, ta có mua tàu ngầm, tên lửa, máy bay, khí tài cũng là để tự vệ, bảo vệ hòa bình chủ quyền chứ không có ý định đe dọa, hay có ý đồ xâm lấn bờ cõi các nước xung quanh.

Theo tôi biết các nước trên thế giới đều làm vậy nên không thể nói đó là chạy đua vũ trang được. Anh có khả năng đến đâu thì mua sắm đến đó; quá chú tâm trang bị mua sắm mà đời sống nhân dân khó khăn thì không thể. 

Bảo Cầm (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.