Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương về đời sống người lao động vào ngày 5.10, báo cáo của Thành ủy TP.HCM cho biết hiện nay điều kiện làm việc của người lao động có nhiều thay đổi tích cực: môi trường làm việc thông thoáng, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, người lao động phần lớn đều được khám sức khỏe định kỳ, ngoài tiền lương còn được người sử dụng lao động hỗ trợ tiền xăng xe, trợ cấp trượt giá, phụ cấp thâm niên… Song điều lo lắng vẫn là mức thu nhập so với mức chi tiêu thực tế chênh lệch không đáng kể, người lao động ít có điều kiện tích lũy cho tương lai hoặc dự phòng cho những lúc khó khăn. Theo lãnh đạo Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM, đời sống khó khăn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng công nhân “nhảy việc” với mong muốn sẽ có thu nhập cao hơn. Trong 9 tháng đầu năm 2011, các DN trên địa bàn tuyển mới hơn 71.000 lao động, song thực ra hầu hết số lao động này là “nhảy” từ DN này sang DN khác. Một bộ phận không nhỏ công nhân có tay nghề cũng không chịu nổi điều kiện sống quá khó khăn đã buộc phải quay về quê cũ.
Trong tổng số hơn 258.000 lao động làm việc trong 1.062 DN (409 DN FDI, 653 DN trong nước) ở TP.HCM, có đến 65% (khoảng 168.000 người) lao động nhập cư. Việc tìm chỗ ở ổn định, nhà trẻ cho con cái… là vấn đề được đặt ra hết sức cấp thiết. Thực tế những nhu cầu thiết yếu này từ trước đến nay chưa được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức và quyết liệt thực hiện. Điển hình, chỉ có 7% công nhân được ở trong các khu lưu trú - theo một khảo sát mới đây của Thành ủy TP.HCM - quả là con số quá ít ỏi. Số công nhân còn lại phần lớn đều chọn nhà trọ để ở. Nhà trọ dù không đạt chuẩn, nguy cơ rình rập của tội phạm và tệ nạn xã hội... nhưng vẫn là lựa chọn bắt buộc đối với đại đa số công nhân vốn có thu nhập chỉ vừa đủ chi tiêu ở mức tối thiểu. Con em của họ cũng vì thế thường phải lay lắt ở những nhóm trẻ gia đình tự phát, chứ không thể mơ đến những nhà trẻ công lập để mong được chăm sóc chu đáo như những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Chính sự thiếu quan tâm này là nguyên nhân khiến công nhân không mặn mà lắm với DN, và họ “nhảy việc” để tìm nơi lưu trú, chỗ gửi con cái thuận lợi hơn. Hậu quả là hoạt động sản xuất kinh doanh của không ít DN luôn rơi vào thế bị động.
Người lao động ai cũng mong an cư lạc nghiệp nhưng xem ra với đồng lương ít ỏi, không đủ cho việc chi tiêu tối thiểu thì khó có thể yên tâm làm việc. Hầu hết DN sử dụng lao động lâu nay chỉ mới lo được phần trả tiền lương hằng tháng, và một khi những chương trình an sinh xã hội chưa “giải” được nhu cầu an cư thiết yếu, thì cũng khó ngăn tình trạng người lao động “nhảy việc”.
Phú Nam
Bình luận (0)