Bất an 'băng nhóm tuổi học trò'

12/04/2021 05:43 GMT+7

Điều đáng lo là không chỉ xảy ra ngoài xã hội, nhiều vụ gây hấn xảy ra ngay trong môi trường học đường; mang dáng dấp 'băng nhóm tuổi học trò' và hậu quả hết sức đau lòng.

Liên tiếp những vụ gây hấn xảy ra gần đây ở nhiều tỉnh thành mà cả "thủ phạm" lẫn nạn nhân đều còn rất trẻ, thậm chí đang khoác áo học trò, khiến dư luận thực sự bất an. Điều đáng lo là không chỉ xảy ra ngoài xã hội, nhiều vụ việc xảy ra ngay trong môi trường học đường; mang dáng dấp “băng nhóm” và hậu quả hết sức đau lòng.

Cận cảnh nhóm côn đồ xông vào trường học bắt 3 học sinh mang đi đánh đập

Tụ tập, kết bè gây hấn

Tháp Mười là huyện vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp, học sinh vốn hiền lành, chịu khó học tập. Thế nhưng, sự việc 3 học sinh lớp 11 và 12 của 2 trường THPT ở đây bị 2 nhóm thanh niên côn đồ đến trường bắt, chở đến khu vực vắng hành hung khiến nhiều người giật mình.
Chiều 22.2, khi L.V.K (19 tuổi, học sinh lớp 11 hệ giáo dục thường xuyên Trường THPT Tháp Mười, H.Tháp Mười) ra khỏi cổng trường thì bị nhóm thanh niên 16 - 19 tuổi tại TT.Mỹ An, H.Tháp Mười bắt rồi chở đến nơi vắng dùng hung khí gây thương tích ở vùng bụng, phải khâu 3 mũi.
Sau vụ việc, K. báo tin cho nhóm bạn thanh thiếu niên ở xã Đốc Binh Kiều, H.Tháp Mười đến Trường THPT Đốc Binh Kiều tìm nhóm học sinh chơi chung với nhóm đã đánh K. để buộc “đối thủ” lộ diện. Hậu quả, 2 học sinh lớp 12 Trường THPT Đốc Binh Kiều là N.H.B và Đ.M.T (cùng 18 tuổi, học chung lớp 12) bị nhóm khoảng 8 thanh niên từ 16 - 19 tuổi (bạn của K.) mang dao, kéo vào tận trường bắt, chở đi hành hung, khiến B. bị gãy xương mũi phải đến bệnh viện ở TP.HCM phẫu thuật và điều trị, còn T. bị chấn thương phần mềm.
Theo số liệu của Bộ Công an, trong giai đoạn 2018 - 2020, toàn quốc đã ghi nhận 10.786 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với 16.583 đối tượng. Trong đó, nữ chiếm 5%, còn nam giới chiếm đến 95%. Riêng năm 2020 đã xảy ra 4.262 vụ với 6.588 đối tượng...
Thái Sơn
Qua điều tra, Công an H.Tháp Mười đã khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật, gồm: Nguyễn Quốc An, Nguyễn Thế Bảo, Lâm Minh Kiệt, Đặng Hải Đăng, Nguyễn Văn Thơm, Lê Chí Bảo (16 - 17 tuổi), Đào Nhật Hào (19 tuổi) và Nguyễn Văn Trí (18 tuổi, cùng ngụ H.Tháp Mười). Trong đó, Hào, Trí bị tạm giam, các bị can còn lại đều dưới 18 tuổi nên được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú, giao gia đình quản lý.
Nhóm nữ sinh Trường THCS Trần Thị Nhượng (Đồng Tháp) dùng mũ bảo hiểm đánh bạn tới tấp ẢNH: CẮT TỪ CLIP

Nhóm nữ sinh Trường THCS Trần Thị Nhượng (Đồng Tháp) dùng mũ bảo hiểm đánh bạn tới tấp

ẢNH: CẮT TỪ CLIP

Đại tá Nguyễn Văn Thương, Trưởng công an H.Tháp Mười, cho biết học sinh L.V.K quê ở xã Tân Ninh, H.Tân Thạnh, Long An qua H.Tháp Mười học. K. thuộc diện học sinh “cá biệt”, thành tích học tập kém, bỏ thi học kỳ 1 và thường xuyên tụ tập với nhiều thanh thiếu niên ngoài xã hội. Trước khi bị đánh, nhóm của K. đã đánh nhóm của L.H.Th (18 tuổi, từng là học sinh Trường THPT Đốc Binh Kiều, nhưng đã nghỉ học trước đó), nên bị nhóm của Th. tìm đánh lại. Mỗi ngày, K. đều đến trường nhưng không vô lớp.
Đào Nhật Hào (19 tuổi) và Nguyễn Văn Trí (18 tuổi) bị Công an H.Tháp Mười (Đồng Tháp) khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi bắt giữ người trái pháp luật, liên quan vụ vào Trường THPT Đốc Binh Kiều bắt, đưa học sinh đi hành hung ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP

Đào Nhật Hào (19 tuổi) và Nguyễn Văn Trí (18 tuổi) bị Công an H.Tháp Mười (Đồng Tháp) khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi bắt giữ người trái pháp luật, liên quan vụ vào Trường THPT Đốc Binh Kiều bắt, đưa học sinh đi hành hung

ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP

Do chơi bời, lêu lổng nên điểm trung bình các môn của K. trong học kỳ 1 chỉ đạt 4,2. Trong nhóm của K. có Đào Nhật Hào đang bị cơ quan chức năng H.Tháp Mười củng cố hồ sơ để xử lý về hành vi dùng hung khí gây thương tích 16% cho người khác. Đối với N.H.B và Đ.M.T, thành tích học tập cũng không tốt. Cả 2 có hiện tượng kết thân với nhóm thanh thiếu niên ngoài xã hội; nhiều lần nhà trường đã mời phụ huynh đến thông báo tình hình học tập của 2 em để có sự phối hợp giáo dục, quản lý...
Ở TP.HCM cũng có vụ việc học trò gây hấn ngay trong trường học. Trung tuần tháng 3.2021, một clip ghi lại cảnh 2 nữ sinh lớp 10 Trường THPT Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh túm tóc, đánh nhau dữ dội trong lớp học. Đáng nói, nhiều bạn cùng lớp chứng kiến nhưng không vào can ngăn mà ngược lại cổ vũ, kêu gọi chốt cửa trong, thậm chí một số người xông vào đánh một trong 2 bạn nữ và quay clip tung lên mạng xã hội... Nguyên nhân là mâu thuẫn từ lúc còn học... THCS, đến khi lên THPT mới “tính sổ” với nhau. Vụ ẩu đả đã khiến cho 15 học sinh bị kỷ luật.
Mai Tiến Thành tại cơ quan công an sau vụ việc gây chết người ẢNH: CTV

Mai Tiến Thành tại cơ quan công an sau vụ việc gây chết người

ẢNH: CTV

Một vụ việc khác cũng liên quan đến “học trò trẻ con”, nhưng sự manh động thì ai chứng kiến cũng phải rùng mình. Ngày 15.3, một clip ghi hình 4 nữ sinh lớp 8 Trường THCS Trần Thị Nhượng ở P.An Hòa, TP.Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp bạn, dù nạn nhân đã ngã xuống đường nhưng vẫn bị ăn đòn liên tiếp. Nguyên nhân ban đầu được cho là... hiểu lầm về chuyện tình cảm nam nữ!

Hậu quả đau lòng

Mới đây, Sở GD-ĐT Đắk Lắk gửi công văn yêu cầu các trường học tăng cường phòng chống bạo lực học đường. Công văn này có phần xuất phát từ thực trạng liên tiếp xảy ra các vụ việc học sinh gây hấn trên địa bàn. Chỉ từ cuối tháng 2 đến gần giữa tháng 3.2021, đã có ít nhất 5 vụ học sinh tham gia đánh nhau, trong đó có vụ dùng hung khí khiến nạn nhân bị thương tích. Cụ thể, tối 9.3, một nữ sinh Trường THPT Lê Duẩn rủ nhóm bạn đến điểm hẹn ở khu vực hồ Ea Kao (xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột) gặp một thiếu niên để giải quyết mâu thuẫn. Đến nơi, nhóm nữ sinh cầm dao rựa, gạch đá tấn công khiến thiếu niên này bị thương...

TP.HCM ra văn bản khẩn bảo đảm an ninh học đường

Ngày 11.4, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản khẩn gửi phòng GD-ĐT của TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiệu trưởng các trường THPT... về chấn chỉnh công tác bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống bạo lực học đường. Sau vụ việc 2 thiếu niên bị đánh tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10) và thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT yêu cầu trường học thực hiện giải pháp phòng chống bạo lực học đường như ứng xử văn hóa, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa của học sinh, sinh viên... Các cơ sở giáo dục cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản của ngành , không để xảy ra tình trạng bạo lực trẻ em, học sinh, sinh viên tại đơn vị. Ngoài việc ký kết liên tịch với công an địa phương về công tác phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thì trường học phải có hình thức kỷ luật nghiêm khắc học sinh, sinh viên... vi phạm.
Bích Thanh 
Đau lòng hơn là vụ việc xảy ra ở Bình Phước. Xuất phát từ mâu thuẫn trong lúc đi học, trưa 23.3 sau khi tan trường, N.T.L (19 tuổi) rủ Mai Tiến Thành (18 tuổi) và 3 bạn (cùng học khối 12, Trường THPT Đắk Ơ) chặn đường đánh N.T.K (17 tuổi, học sinh lớp 11). Bị đánh chảy máu miệng, K. về mách cậu là Nguyễn Hữu Hùng (26 tuổi). Sau đó, Hùng rủ B.V.N (23 tuổi) và H.T.T (21 tuổi, cùng ngụ H.Bù Gia Mập) đi tìm L. để đánh. Khoảng 13 giờ cùng ngày, trên đường đi học thì nhóm của L. bị nhóm Hùng chặn đánh. Trong lúc bỏ chạy, Thành gọi điện thoại cầu cứu bạn bè ngoài xã hội. Lúc này, Điểu Văn Thịnh (20 tuổi, ngụ Bình Phước) cầm cây rựa và con dao tự chế chạy đến hỗ trợ. Khi gặp nhau, Thịnh đưa rựa cho Thành chém B.V.N tử vong. Chiều cùng ngày, Thịnh, Thành đã đến Công an xã Đăk Ơ đầu thú.
Trao đổi với PV Thanh Niên, thầy Lê Duy Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Ơ, cho biết: “Trước khi xảy ra sự việc, em Thành là một học sinh bình thường, không có biểu hiện gì bất thường. Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường cũng đã liên tục tuyên truyền, khuyến cáo đến các em học sinh cũng như giáo viên trong trường, không để xảy ra các sự việc liên quan đến bạo lực học đường”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.