‘Bắt bệnh’ du lịch miền Trung

23/06/2014 10:25 GMT+7

Sau hơn 1 tháng (từ 7.5 đến 17.6) tìm hiểu thực tế hoạt động du lịch tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, các chuyên gia du lịch quốc tế đã chỉ ra các hạn chế trong việc quản lý, khai thác du lịch ở các địa phương này.

‘Bắt bệnh’ du lịch miền Trung
Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) là điểm rất thu hút du khách, nhưng lượng khách đông vượt quá cung, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái - Ảnh: Diệu Hiền

Bắt bệnh

Theo phân tích của ông Robert Travers, chuyên gia của dự án EU, hiện lĩnh vực du lịch của 3 tỉnh, thành trên đều tiềm ẩn rất nhiều vấn đề. Trong khi Đà Nẵng đang trên đà phát triển du lịch thì Quảng Nam và Huế lại đang “già” đi. Vấn đề của Đà Nẵng là thành phố này chưa phát huy được những điểm đến tích cực của mình. Như bán đảo Sơn Trà, là một điểm mạnh về du lịch dã ngoại, sinh thái nhưng chưa triển khai hiệu quả. Đà Nẵng mạnh về du lịch biển, nhưng việc xả nước thải ra biển cần phải xem lại. Đà Nẵng cũng chưa có những điểm mua sắm tốt để phục vụ du khách quốc tế, khu vui chơi giải trí về đêm còn thiếu, chưa khai thác du lịch với bờ sông Hàn dài rộng, nhân lực du lịch có trình độ chưa nhiều...Với Thừa Thiên-Huế, dù  có nhiều lợi thế như các di tích có bề dày lịch sử, di tích cổ, bờ sông thơ mộng, những khu nghỉ dưỡng hạng sang ở các bãi biển, nhiều lễ hội nổi tiếng... nhưng số ngày lưu trú của khách ở đây rất ít. Nguyên nhân do công tác quản lý du lịch chưa tốt, dịch vụ nghèo nàn, thiếu quảng bá, thiếu những trung tâm mua sắm cho người nước ngoài; những lễ hội chưa thực sự gắn liền với các điểm đến của Huế và những dịch vụ du lịch...

Với Quảng Nam, chỉ có Hội An là nơi du khách tập trung, còn các huyện, thị khác hầu như chưa xây dựng được những điểm đến cho du khách. Di tích là di sản thế giới Mỹ Sơn có số khách lưu trú cực thấp, thậm chí không có khách lưu trú. Cù Lao Chàm (Hội An) là điểm đến sinh thái rất hút khách, nhưng hiện đang đối mặt với lượng khách quá đông, gây nên nhiều ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Bên cạnh đó, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Quảng Nam đang đối mặt với tình trạng biển xâm thực rất lớn.

Kê đơn

Khuyến cáo đầu tiên của các chuyên gia EU là 3 địa phương nói trên cần hợp tác trong việc xây dựng những điểm đến phục vụ du khách trong nước và quốc tế.

Đà Nẵng có thế mạnh về khách nội địa, nhưng cần phải đẩy mạnh những hoạt động để thu hút khách quốc tế lưu trú dài ngày. Cần đào tạo đầy đủ, bài bản những cán bộ quản lý du lịch; kết hợp với các Quỹ Bảo vệ thiên nhiên hoang dã để có sự phát triển bền vững, lâu dài trong du lịch sinh thái; đưa ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn để khách lưu trú dài ngày. Xây dựng những trang web giới thiệu và quảng bá những điểm đến hấp dẫn để thu hút du khách.

Thừa Thiên Huế có rất nhiều cơ hội để phát triển du lịch. Việc đẩy mạnh quảng bá, có những chính sách khuyến khích kèm với những sản phẩm du lịch tốt sẽ giúp giữ chân du khách. Những chương trình lễ hội lớn ở Huế cần có sự kết hợp với các dịch vụ du lịch để phát huy hiệu quả... Tăng cường các tour mua sắm tại các khu du lịch đảm bảo an toàn, an ninh trật tự; khuyến khích các DN du lịch vừa và nhỏ đẩy mạnh những tour xuống vùng nông thôn Huế... Với Quảng Nam, cần xem việc phát triển Mỹ Sơn trở thành một điểm đến lý tưởng dành cho du khách với những trải nghiệm thú vị. Đa dạng những sản phẩm du lịch và làm mới những sản phẩm du lịch của Hội An để tiếp tục thu hút du khách. Cần đầu tư hơn nữa sản phẩm du lịch làng nghề để phục vụ du khách...

Theo ông Robert Travers, thì việc xây dựng những điểm đến của 3 tỉnh, thành này thực sự sẽ tạo nên một sự kết hợp rất hiệu quả. Những tuyến đi qua 3 tỉnh, thành theo đường Hồ Chí Minh cũng là một sản phẩm du lịch tốt. “Các DN du lịch của 3 tỉnh, thành này nên nắm rõ nguyên tắc, không nên cạnh tranh bằng việc giảm giá thành, mà chỉ nên nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, cần xây dựng những ý tưởng du lịch mới. Bên cạnh đó, 3 tỉnh, thành rất chú trọng phát triển du lịch biển, nhưng du lịch biển hiện là sản phẩm du lịch khá phổ biến trên thế giới, trong khi đặc thù của chúng ta là giàu có về di sản, vì vậy chúng ta cần phải phát huy thế mạnh này”, ông Robert khẳng định.

Dự án EU là chương trình hỗ trợ kỹ thuật du lịch lớn nhất tại Việt Nam do Liên minh châu u tài trợ, đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào ngành du lịch VN để nâng cao khả năng cạnh tranh. Dự án trị giá 11 triệu Euro, trong đó chính phủ Việt Nam đóng góp 1,1 triệu euro. Dự án được triển khai giai đoạn 2011-2015. Trọng tâm của dự án nhằm hỗ trợ chính sách và tăng cường thể chế; Thiết lập cơ cấu tổ chức và xây dựng mạng lưới hợp tác hiệu quả giữa khu vực nhà nước và tư nhân; xây dựng lực lượng lao động có trình độ; tăng cường tính cạnh tranh của du lịch; nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm...

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.