Đối với Thủ tướng Netanyahu, mọi nhượng bộ Palestine không chỉ mang tính nguyên tắc mà còn là chuyện thể diện và nhượng bộ Hamas lại càng hơn thế. Thỏa thuận này khó có thể đạt được nếu Israel không ở trong tình thế bị động và ngày càng bị cô lập sau hàng loạt biến cố ở khu vực, đặc biệt những thay đổi chính sách tại Ai Cập, Palestine và Thổ Nhĩ Kỳ. Đánh đổi rất nhiều người Palestine chỉ để cứu anh lính Gilad Shalit là cách khả dĩ nhất giúp ông Netanyahu tranh thủ dư luận trong nước và hy vọng có được sự đồng thuận nội bộ cho những bước đi tiếp theo. Đó cũng là cách vị thủ tướng này đề cao vai trò của Ai Cập và EU. Cơ quan tình báo Ai Cập đóng vai trò lớn đối với thành công của vụ đổi chác còn EU vẫn thường thôi thúc Israel đáp ứng yêu cầu của Hamas để giải cứu Gilad Shalit.
Ông Netanyahu muốn dùng bước đi này để tạm thời hóa giải mối nguy hiểm mới hình thành đối với Israel và cá nhân mình, tìm kiếm đồng minh trong lẫn ngoài nước. Việc đổi chác hoàn toàn không có nghĩa là Israel và ông Netanyahu đã thay đổi quan điểm và chính sách đối với Hamas, lại càng không phải khởi động quá trình hòa giải. Tuy nhiên, nó vẫn có tác động tích cực đáng khích lệ tới toàn bộ quan hệ giữa Israel và Palestine.
La Phù
Bình luận (0)