Bất động sản khổ vì quy định chồng chéo

Đình Sơn
Đình Sơn
26/09/2019 06:40 GMT+7

Mới đây VCCI và các cơ quan liên quan tổ chức cuộc vận động “ Doanh nghiệp , doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách , phát triển kinh tế ”.

Tại hội thảo lấy ý kiến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) cùng Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết mới đây VCCI và các cơ quan liên quan tổ chức cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế”. Đây được ví như hội nghị Diên Hồng trong ngành bất động sản.

1 dự án liên quan 9 luật, 20 thủ tục

Theo bà Hoàng Thị Vân Anh, vấn đề không phải ở luật mà ở thực thi, ví dụ một dự án BĐS có kênh rạch xen kẽ thì thẩm quyền của địa phương hoàn toàn có thể giải quyết được, trong khi các địa phương lại đẩy văn bản lên Bộ xin ý kiến. Đất công xen kẽ một chút kênh rạch thì hoàn toàn có thể thu hồi giao cho nhà đầu tư được. Do đó, cần có chấn chỉnh trong kế hoạch thi hành.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận xét với thị trường bất động sản (BĐS), càng tìm hiểu, càng đọc càng phức tạp, càng rối rắm… Các quy định, nghị định, thông tư… mới có quá nhiều sự khác biệt nên khi vận hành luôn rơi vào tình trạng “con gà và quả trứng, cái nào có trước, cái nào có sau”. Thường một dự án BĐS liên quan đến 9 luật và 20 thủ tục hành chính. "Rõ ràng đây là một quy trình, nếu đi mạch lạc thì đã tốn rất nhiều chi phí, chưa nói đến đi lòng vòng sẽ rất tốn kém. Nhà đầu tư đi thông suốt, trọn vẹn cũng là một thách thức rất lớn. Tuy nhiên, chỉ cần một thủ tục không rõ ràng, một quy trình, một khái niệm với nhiều cách hiểu khác nhau đã khiến quy trình đầu tư ách tắc, phải làm lại từ đầu. Do vậy, có lẽ cũng cần cơ chế một luật sửa nhiều luật", ông Tuấn nói.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, từ đầu năm đến nay tất cả nguồn cung dự án BĐS bị giảm đến 60% so với cùng kỳ năm trước. Thiếu hụt nguồn cung sẽ khiến giá BĐS tăng trong thời gian tới. Điều này xã hội, người dân sẽ chịu trận, gây hệ lụy rất lớn. Do vậy, nếu các bộ vẫn “ngắm” nhau thì sẽ không giải quyết được, mà phải hành động gấp. Ông Võ chỉ rõ, những bất cập này nguyên nhân chính là do cách xây dựng pháp luật của VN. Số lượng luật của VN quá nhiều, hơn cả của Trung Quốc, bởi mỗi cục, mỗi tổng cục đều nắm ít nhất 1 luật trong khi trước đây luật ở các bộ. Cát cứ quyền lực đã xuống đến tận cấp cục, tổng cục chứ không nằm trên bộ nữa. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tồn tại nhiều khoảng trống, khoảng chồng chéo pháp luật là do phương thức xây dựng pháp luật ở nước ta còn thiếu hiệu quả. Quá trình xây dựng và thẩm định các dự án luật, nghị định, thông tư không tận dụng được ý kiến của các chuyên gia có chiều sâu về luật pháp. Chính vì vậy mà yếu tố tác động tích cực tới những lợi ích chung ít được xem xét, cũng như không phát hiện được những xung đột với các luật khác có liên quan. "Giải pháp trước mắt cần làm ngay là dựa theo 3 nguyên tắc thực thi pháp luật khi có xung đột. Một là văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn ban hành có hiệu lực thực hiện cao hơn. Hai là trong các văn bản quy phạm pháp luật do cùng cấp có thẩm quyền ban hành thì văn bản ban hành sau có hiệu lực thực hiện cao hơn. Ba là văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có hiệu lực thực hiện cao hơn đối với các nội dung của chuyên ngành đó. Từ đó, Văn phòng Chính phủ có thể ra một hướng dẫn để các địa phương cứ thế thực thi", ông Võ nói.

Sửa luật trong tháng 10

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định do có đến 20 điểm chồng chéo nên theo luật này thì đúng mà theo luật khác thì sai. Chính quyền địa phương rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan… Điều này không chỉ gây khó cho doanh nghiệp (DN) mà còn tạo mảnh đất cho tham nhũng. Chính vì vậy, lần đầu tiên Đảng và Nhà nước tổ chức cuộc vận động quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng DN, doanh nhân cả nước, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách trong thời gian tới. Đây là cuộc vận động chuyên biệt lần đầu tiên được tổ chức. Cuộc vận động này sẽ có ý nghĩa như một hội nghị Diên Hồng về kinh tế để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng DN nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển. Trong đó, hội nghị lấy ý kiến tháo gỡ khó khăn cho DN trong lĩnh vực BĐS là mở màn, khởi đầu cho chuỗi sự kiện toàn dân, cả cộng đồng DN tham gia hiến kế phát triển kinh tế. “Rà soát của VCCI trên một số luật liên quan trong lĩnh vực BĐS đã phát hiện 20 xung đột chính sách từ các luật liên quan đến nghị định, thông tư hướng dẫn về lĩnh vực BĐS dẫn đến trong quá trình triển khai có nhiều dự án bị thanh tra, kiểm toán kéo dài”, ông Lộc cho hay.
Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên - Môi trường, thông tin hiện nay Quốc hội đã đưa dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án luật Đất đai vào kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 dự kiến khai mạc vào 21.10 tới. Lần sửa đổi bổ sung luật Đất đai này, một trong những mục tiêu đầu tiên mà bộ này đưa ra là sẽ cố gắng giải quyết những nội dung chưa đồng bộ, thống nhất giữa luật Đất đai với các bộ luật khác liên quan. Bên cạnh đó, Bộ sẽ giải quyết các nội dung mà các đơn vị đã nói là những khoảng trống mà pháp luật chưa có điều chỉnh hoặc những quy định có bất cập, vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.