Viết tiếp vụ 'Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất': Bất ngờ về 'đứa con đã chết'

01/11/2018 08:22 GMT+7

Đằng sau điều bất ngờ này là niềm hạnh phúc của gia đình bà Lan, ông Chánh, nhưng nó cũng lột tả thêm nỗi đau không gì bù đắp của những thân phận oan khuất và cả con cái họ.

[PHIM TÀI LIỆU] Bí mật vụ án oan 40 năm ở Tây Ninh
Trong loạt bài điều tra Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất, ở kỳ 3: Đắng cay tan nhà nát cửa, Thanh Niên có đề cập đến chi tiết bà Nguyễn Thị Ngọc Lan khi vào tù đang mang thai tháng thứ năm. Bà kể, dù thiếu ăn, bị đánh đập nhưng vẫn cố giữ cái thai không bị sẩy. Thế nhưng, khi thai chưa trọn ngày, đủ tháng thì bà sinh non và đứa bé bị chết. Trong lúc người ta không để ý, bà lẻn ra ngoài trốn đi và chôn con trên sườn một con dốc...
Tuy nhiên, thực tế đứa trẻ đó vẫn còn sống.
Nỗi đau mẫu - tử chia lìa
Ngày 29.10, đọc đi đọc lại lời của ông Hồ Long Chánh (bị tình nghi trong vụ cướp vàng bị bắt đêm 26.7.1979) trên Báo Thanh Niên, chân tay bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (vợ cũ ông Chánh) run rẩy. Bà thổn thức thú nhận với người thân việc đứa con bà sinh ra trong tù năm xưa thật ra vẫn... chưa chết. Đứa bé năm ấy đã được vợ chồng ông Trần Quốc Lục (còn gọi là Út Lục, Công an H.Trảng Bàng thời kỳ 1979) và bà Ngô Thị Phanh (vợ ông Lục) nhận nuôi.
Cầm trên tay chiếc điện thoại có hình ảnh một người con gái mà tôi đưa, bà Lan áp sát mắt, nhịp thở gấp gáp, mồ hôi túa ra ướt đẫm. Không gian tịch lặng. “Cô có biết người này không?”, nghe tôi hỏi, bà Lan ngước lên hỏi lại, giọng run run: “Sao cô biết nó?”. Tôi nắm lại bàn tay bà hỏi tiếp: “Cô có muốn nhận lại chị ấy không? Chị ấy nói không cần tiền bạc, nhà cửa của cô. Chị ấy chỉ cần có mẹ”.
Bà Lan nhìn tôi, mắt ngấn nước: “Tôi có tiền của gì đâu mà sợ mất. Điều tôi sợ nhất lâu nay chính là cái tiếng con của kẻ cướp nếu nó nhận tôi”. Cũng chính điều này, sau khi ra tù bà từng lén tìm gặp con gái, để biết con còn sống trên đời, mà không dám nhận con, kể cả khi đứa con tìm về xin nhận mẹ. “Con ở nhà đó tốt hơn cho nó rất nhiều, về với mẹ sẽ là những tháng ngày tủi nhục lắm”, bà Lan lẩm nhẩm.
Rồi bà hồi tưởng, những ngày ở tù bà luôn nghĩ rằng ông Chánh đã khai bà giấu vàng nên bà mới bị bắt. Bà trách chồng sao biết bà đang mang bầu đứa con của hai người mà lại nỡ khai oan khiến suốt những ngày tháng mang bầu bà phải sống trong ngục tù đau đớn. Bà từng nghĩ nếu có ngày ra tù, bà sẽ không bao giờ cho ông Chánh nhìn mặt con. Vậy nên sau này bà Lan nói đứa bé ấy đã chết khi sinh, để “người chồng phụ bạc” không được quyền biết có đứa con đó trên đời. Cũng vì giận chồng mà sau này vợ chồng bà hục hặc mãi, dẫn đến ly hôn.
Bà Lan kể không thể nào quên sau khi sinh con, về lại trại thì hầu hết mọi người đều bàn tán, nói một đứa trẻ sinh ra và theo mẹ lớn lên trong tù sẽ chẳng có tương lai. Điều đó khiến bà suy nghĩ rất nhiều. Cũng trong lúc đó, một cán bộ trại giam ghé tai bà nói nhỏ hay bà đem con cho vợ chồng ông Út Lục. Vợ chồng ông Út chỉ có người con trai duy nhất, nếu đứa bé được vào nhà ấy thì tương lai có thể sẽ khác.
Viết tiếp vụ Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất1
Ông Hồ Long Chánh ẢNH: LAM NGỌC
Đứa con rứt ruột đẻ ra, có người mẹ nào muốn xa lìa. Nhưng với bà lúc đó, để con cho vợ chồng ông Út Lục nuôi là điều may mắn cho tương lai đứa bé. Ngày bà bỏ trốn ngay sau khi sinh, về nhà người em gái ruột kể rằng đứa bé vừa sinh ra đã chết và bà lén đem chôn ở một sườn dốc. Nhưng con dốc đó ở đâu, thật ra tới bây giờ những người thân của bà Lan đều chưa hề một lần nhìn thấy; và suốt 40 năm qua, dù nói đứa con đã chết nhưng chưa một lần bà Lan làm giỗ cho con. Điều này lúc đầu cũng gây thắc mắc cho một số người thân nhưng rồi cuộc sống nhọc nhằn cuốn đi nên không ai còn hỏi lại...
Tấm lòng người mẹ thứ hai
Đứa con gái của bà Lan sau khi được vợ chồng ông Út Lục mang về nuôi, đã may mắn được cặp vợ chồng hiếm con thương yêu hết mực. Bà Út Lục, đến bây giờ khi ngồi cạnh đứa con gái đã gần 40 tuổi vẫn không ngừng vuốt ve con với vẻ mặt đầy yêu thương. Bà kể: “Nuôi con nhỏ này phải nói là trần ai. Chưa có một đứa bé nào nuôi mà vất vả như nó”.
Ngày ấy, ngoài thời gian trực ở cơ quan, ông Út Lục lại nhanh chóng về nhà phụ vợ chăm con gái. Tối nào vợ chồng ông bà cũng phải canh hai bên nôi để dỗ con hết khóc. “Không biết đứa trẻ hờn điều gì mà cả ngày chỉ gào khóc không ngớt tiếng. Ngoài khóc la, còn nổi sài, nổi đẹn khắp mình mẩy”, bà Út Lục nhớ lại.
Viết tiếp vụ Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất2
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan ẢNH: LAM NGỌC
Để con có thể ngủ ngon, bà Út Lục luôn phải đặt con nằm trên bụng vì đầu của đứa bé bị đau không thể đặt xuống giường. Còn ông Út, bao nhiêu quyền lợi của một cán bộ công an đều dành để đổi lấy sữa, lấy thuốc cho con gái uống...
Mang con từ trại giam về, ông bà đặt con tên là Trần Ngọc Tuyết, nhưng ở nhà lại gọi con là Hòa với hy vọng lớn lên con sẽ hòa hợp với anh em, kính yêu cha mẹ. Cuộc sống êm đềm ấy kéo dài được 5 năm thì một tai họa ập đến. Trong một buổi chiều mùa xuân, khi đưa Hòa đi uốn tóc, ông Út Lục bị tai nạn giao thông và mất. Từ đó, Hòa sống với mẹ và anh trai nuôi.
Cuộc sống cứ thế êm đềm cho tới năm Hòa 27 tuổi. Mẹ chị lúc này đã 70 tuổi, anh trai đã có gia đình riêng. Vì gia đình không đông anh em dòng tộc nên lúc này bà Út Lục mới nói với con gái về thân thế của ba mẹ ruột và bảo con đi tìm. “Ba con ở trên vườn điều, còn mẹ con là bà Hai Lạc (tên gọi khác của bà Ngọc Lan) ở trên Dầu Tiếng. Con tìm ba mẹ ruột để lỡ mai này má có mất đi thì con không phải bơ vơ”.
Từ chỉ dẫn của mẹ, chị Hòa lần tìm lại tung tích mẹ ruột.
Viết tiếp vụ Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất3
Chị Hòa cùng mẹ nuôi nói chuyện với ông Dũng ẢNH: LAM NGỌC
Khát khao gia đình đoàn tụ
Nghe nói mẹ sinh mình lúc ở trong tù, Hòa tìm tới nhà một số cán bộ trại giam thời kỳ 1979 để hỏi thăm tung tích. “Chú có biết bà Hai Lạc bị bắt vì tội cướp vàng không?”, Hòa dò la tin tức về mẹ bắt đầu từ những câu hỏi như thế. Câu trả lời của cán bộ trại giam là thời kỳ 1979 và mãi sau này ở Trại giam Trảng Bàng chỉ có một người phụ nữ đẻ ở trong tù, nhưng người này mắc tội gì thì không ai nhớ rõ. Sau khi có những manh mối đầu tiên, Hòa tìm lên Dầu Tiếng gặp mẹ nhưng bị khước từ. Bà Lan một mực không nhận Hòa là con mà khăng khăng là con đã chết...
Hòa quay về với nỗi thất vọng ê chề. Chị từng hứa với lòng mình sẽ không bao giờ lên tìm bà Lan nữa vì bà không muốn nhận chị.
Bẵng đi 12 năm, chúng tôi tìm tới nhà Hòa. Buổi trưa hôm ấy trời oi ả. Đi cùng tôi là ông Nguyễn Văn Dũng, em ruột bà Lan. Một cách cẩn thận, ông Dũng hỏi Hòa: “Con có biết bà Lan không”, “Con có biết bà Lan là mẹ con không?”... Hỏi tới đâu, Hòa khóc nấc tới đó. Bao nhiêu tủi nhục, bao nhiêu ấm ức cứ thế tuôn ra...
Lúc đầu, Hòa còn chút mặc cảm bởi mẹ từng từ chối nhận con. Nhưng sau những lời giải thích rằng không người mẹ nào không muốn nhận con, chỉ vì hoàn cảnh quá phức tạp; việc từ chối cũng là để bảo vệ đứa con khỏi những nỗi đau “con của kẻ cướp”... thì bờ vai Hòa rung lên, thổn thức. Trong ngôi nhà khang trang mà Hòa đang ở cùng người mẹ nuôi hiền từ, nhân hậu, chị đã nhận cái ôm đầu tiên của người cậu ruột là ông Nguyễn Văn Dũng. “Cậu thay mẹ con xuống nhận con. Từ giờ con không chỉ có mẹ mà có cậu, có em. Con không đơn độc”, ông Dũng xúc động nói với Hòa, sau khi thắp một nén hương lên bàn thờ ông Út Lục, thay mặt chị gái mình tạ ơn ân nhân đã nuôi dưỡng cháu gái.
Siết chặt tay người cậu ruột, Hòa hỏi thăm chỗ ở của ba. Chị bảo không muốn sự xuất hiện của mình làm xáo trộn cuộc sống của ba mẹ hiện tại, nhưng chị rất khao khát một lần nhìn thấy người cha đáng thương suốt 40 năm qua không hề biết sự có mặt của chị trên đời. “Tôi sẽ đi Tây Ninh tìm cha, rồi đưa cha cùng về gặp mẹ. Tôi muốn gia đình tôi đoàn tụ, dù chỉ một lần”, Hòa nói với tôi chiều muộn 31.10.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.