Bất ngờ với 'Lời thì thầm' của cặp đôi họa sĩ mê gốm

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
12/09/2020 16:12 GMT+7

Từ 12 - 21.9, hàng trăm sáng tác mới bằng gốm của hai vợ chồng họa sĩ Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng được trình làng trong triển lãm Lời thì thầm tại TP.HCM.

8 tác phẩm trong bộ Nguyệt dạ tại triển lãm về gốm của Ngô Trọng Văn (hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM) là sự thể hiện ý niệm hoàn chỉnh về tính nữ trong quan niệm của Ngô Trọng Văn, từ những khoảnh khắc thanh xuân tươi trẻ và cả thời khắc người phụ nữ mang bầu. “Phụ nữ như bông hoa quỳnh không dễ phô diễn, lúc nở đẹp nhất, tỏa sáng nhất lại rơi vào những thời khắc ngặt nghèo hoặc những bối cảnh, không gian éo le nên vẻ đẹp rực rỡ ấy chưa chắc đã được người đời chiêm ngắm. Nhưng cũng chính vì giá trị lặng thầm mà vô cùng quyến rũ đó, tính nữ luôn giữ một quyền lực mềm khiến cho một nửa còn lại của thế giới không thể làm ngơ. Vì vậy, tôi muốn lột tả được ý niệm nghệ thuật của mình, phải làm khác biệt với tất cả mọi người, kể cả so với chính bản thân mình của giai đoạn trước”, anh tâm sự.

Ấm trà búp sen của họa sĩ Nguyễn Thị Dũng ra mắt tại triển lãm Lời thì thầm vừa khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Ảnh: NVCC

Gia tài đủ loại bình trà của họa sĩ Nguyễn Thị Dũng

Ảnh: NVCC

Xuất thân từ một sinh viên nghèo miền Trung theo học ngành gốm, Ngô Trọng Văn từng có lúc muốn gắn bó cả cuộc đời với gốm nhưng rồi cuộc sống với gánh lo cơm áo gạo tiền cuốn trôi khiến Văn bỏ gốm đi học thiết kế thời trang, rồi mở công ty....
Rẽ ngang qua lĩnh vực khác nhưng trong lòng Ngô Trọng Văn vẫn đau đáu nỗi niềm với gốm. Và niềm đam mê với đất, với lửa đã khiến Văn phải ngoái đầu nhìn lại. Đồng hành trong gia đình nhỏ cùng Ngô Trọng Văn là một khối đam mê rừng rực khác - nữ họa sĩ gắn bó với gốm trên 20 năm Nguyễn Thị Dũng. Thấy vợ cứ miệt mài say sưa, trái tim rừng rực lửa gắn bó với hình khối, với những cánh hoa gốm nối nhau nở ra sáng rực sau mỗi mẻ nung, sợi dây rung cảm đã truyền vào sâu thẳm trong Ngô Trọng Văn những cảm xúc thổn thức với gam màu, hình khối, thách thức qua từng mẻ nung đã kéo anh trở lại cùng đam mê của thuở ban đầu.

Tác phẩm Nguyệt dạ là sự thể hiện ý niệm hoàn chỉnh về tính nữ trong quan niệm của Ngô Trọng Văn

 

Nguyệt dạ 8

Hề xiếc

Các tác phẩm của họa sĩ Ngô Trọng Văn đủ loại kích cỡ và nhiều màu sắc

Cách thể hiện mới lạ

Ảnh: NVCC

Tình yêu được vun bồi của cặp đôi mê gốm

Vậy là Ngô Trọng Văn quyết định quay lại với gốm kể từ năm 2014, hai vợ chồng cùng sẻ chia vất vả cực nhọc, đầu tư mua lò nung, thuê xưởng, mỗi người mỗi góc miệt mài sáng tác và suy tư với gốm.
Kể về lý do xuất hiện 4 chiếc bình gốm cỡ cực lớn, trong đó có 2 chiếc sáng tác chung với vợ, Ngô Trọng Văn tâm sự: “Lần đó đi trại sáng tác, hai vợ chồng đăng ký làm bình cỡ lớn vì chỉ có ở không gian đó mới có đủ điều kiện và có lò để nung tác phẩm cỡ lớn như vậy. Nhưng đáng tiếc là chiếc bình đầu tiên nung xong vỡ vụn thành hàng trăm mảnh nhỏ. Đứng nhìn đống mảnh vỡ, vừa tiếc, vừa nản. Cuối cùng, hai vợ chồng cùng quyết chí làm lại. Rồi để chắc ăn thì cả hai làm luôn một cặp. Cuối cùng, thật may mắn là thành phẩm tuyệt đẹp được đón ra lò”.
Cặp bình gốm men cỡ lớn (112x55 cm) là công sức sáng tạo chung của cả hai vợ chồng họa sĩ Ngô Trọng Văn – Nguyễn Thị Dũng được đặt tên Mộng dưới hoa và Mơ hoa trở thành kỷ niệm đẹp, vun bồi thêm tình yêu của hai anh chị.

Tác phẩm chung Mơ hoa của hai họa sĩ

Tiếp đó là Mộng dưới hoa

Ảnh: NVCC
Ở triển lãm Lời thì thầm lần này, Nguyễn Thị Dũng mang tới thêm vài chục bộ tác phẩm gốm, mỗi bộ là hàng chục tác phẩm khác nhau. Đặc biệt, chiếc bình trà kiểu cổ không cho nước vào từ bên trên mà lật đáy bình lên để châm nước đã được Nguyễn Thị Dũng nghiên cứu, chế tác thành công.
“Tính tôi, chỉ thích làm đồ khó. Nhất là màu và men, người khác thì lúc được lúc không nhưng tôi có thể kiểm soát màu rất tốt. Phải để tác phẩm trong một phòng riêng, chờ khô tự nhiên trong 2-3 tháng, đạt đủ độ ẩm mới bắt đầu làm men. Làm bộ tác phẩm hoặc hai bộ thì phải đợi đủ bộ mới chuyển đi nung. Tôi thường làm rất nhiều màu men, lúc dày lúc mỏng, có độ đậm nhạt khác nhau, nếu nung các mẻ khác nhau thì màu men sẽ không đều, nên có những bộ tác phẩm phải chờ nhau từ đầu năm đến cuối năm mới được chuyển đi nung", họa sĩ Nguyễn Thị Dũng cho biết.

Triển lãm gốm Lời thì thầm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Người xem bất ngờ trước sự phong phú của những tác phẩm làm bằng gốm của đôi nghệ sĩ

Ảnh: NVCC

Với những bộ tác phẩm có hàng ngàn cánh hoa, họa sĩ Nguyễn Thị Dũng tiết lộ: "Hai tác phẩm có khi phải hoàn thiện 2.000 cánh hoa, tôi phải làm việc liên tục cả ngày đêm, kéo dài 6 tháng mới xong một bộ tác phẩm, nắn từng cánh, rồi đập, xong 1.000 cánh hoa muốn… rụng tay luôn. Làm xong một bộ tác phẩm là bị trật khớp, phải nghỉ đến cả tháng mới có thể hoạt động trở lại”.
"Bật mí" thêm về những tác phẩm sáng tác chung, họa sĩ Nguyễn Thị Dũng cho biết: “Anh Ngô Trọng Văn tạo hình và bố cục, còn tôi thì làm bông, hoa và màu men. Khó khăn nhất với một tác phẩm làm chung là hai người phải đồng thuận được trong nội dung câu chuyện chuyển tải vào tác phẩm. Thật vui vì 'đứa con chung' của hai vợ chồng đã lấy được những điểm mạnh nhất từ cả hai người, ‘góp gió thành bão’ làm nên triển lãm Lời thì thầm của gốm đầy đặn lần này”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.