Bất ổn tiêu thụ nông sản: Phải xây dựng vùng nguyên liệu tập trung

25/03/2010 22:42 GMT+7

Muốn phát triển ngành công nghiệp chế biến, đưa nông sản Việt lên sàn... điều kiện tiên quyết là phải xây dựng được vùng nguyên liệu. Nhưng đây lại là điểm yếu của ngành nông nghiệp nước ta hiện nay.

Cách làm của Metro

Muốn kinh doanh mít sấy, Vinamít phải tự xây dựng vùng nguyên liệu cho mình để đảm bảo đầu vào cho nhà máy hoạt động, dù vùng nguyên liệu này còn rất nhỏ bé. Tương tự, nhằm đảm bảo nguồn rau củ quả tươi cung cấp cho thị trường thông qua hệ thống 9 siêu thị trong cả nước, Metro VN đã chủ động đầu tư vùng nguyên liệu. Trạm trung chuyển ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng được Metro xây dựng cách đây 3 năm, để mua rau ở vùng này và phân phối về các siêu thị.

Đây là rau của 500 hộ nông dân đã được Metro huấn luyện cách trồng an toàn, đáp ứng những tiêu chuẩn mà siêu thị này đưa ra. Ví dụ một ký cà chua phải là bao nhiêu trái, cà chua bi phải đạt kích cỡ nhỏ như thế nào... Metro ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của nông dân trong nhóm được tập huấn và sản xuất theo quy trình của nhà tiêu thụ. Một ngày, có khoảng 20 - 25 tấn rau được nhân viên ở trạm trung chuyển thu mua trực tiếp từ dân.

Ngoài trạm rau ở Lâm Đồng, Metro còn có trạm trái cây ở Bình Dương và trong năm nay sẽ thành lập trạm rau cho thị trường miền Bắc. Tất cả việc mua bán giữa Metro và nông dân đều không qua thương lái. Metro cũng có kế hoạch xuất khẩu nông sản của VN, chủ yếu vào hệ thống Metro trên toàn thế giới, cũng dựa vào nguồn nguyên liệu mà họ hợp tác đầu tư với nông dân.

Cách làm của Metro là tận dụng đất đai manh mún của nông dân để hình thành nên vùng nguyên liệu. Đó là mô hình có thể được áp dụng ở nhiều nơi, đặc biệt là ở TP.HCM, nơi diện tích đất canh tác nông nghiệp giảm nhiều do quá trình đô thị hóa nhanh trong những năm gần đây, chỉ còn hơn 83.000 ha.

Những vùng nguyên liệu kiểu này đã xuất hiện khá nhiều, do các doanh nghiệp tự làm. Tuy nhiên, các vùng nguyên liệu lớn, đặc thù, tập trung cho một loại nông sản, đặc biệt là các loại nông sản thế mạnh của VN thì hầu như chưa có.

Nông dân phải “sản xuất lớn”

Phó tổng giám đốc Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam ông Suwes Wangrungarun cho biết, nông dân Thái thường sở hữu diện tích canh tác lên tới 60.000m2/hộ, gấp 10 lần hộ dân VN, nhờ thế lượng hàng hóa sản xuất đủ để cung cấp cho các nhà máy. Một trang trại ở Thái có thể nuôi 3.000 - 5.000 con heo nái, còn ở VN nuôi 500 con là nhiều, phổ biến 100 con”. Hay như việc quy hoạch vùng nguyên liệu bò sữa hiện nay cũng vậy.

 Quy mô chăn nuôi trung bình cả nước là 5,3 con/hộ, rất ít hộ gia đình có quy mô lớn hơn 20 con/hộ. Sản lượng sữa trong nước sản xuất ước tính 278.190 tấn (tăng 6,1% so với năm 2008). Sau khi trừ lượng sữa cho bê uống, thì lượng sữa hàng hóa ước khoảng 250.000 tấn/năm và chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Nhìn chung,   phát triển chăn nuôi bò sữa tại VN vẫn đang phát triển chậm và mang nhiều yếu tố chưa bền vững.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Nông Lâm TP.HCM, nói doanh nghiệp VN đang trục trặc trong khâu thị trường, khiến họ cũng trục trặc luôn trong quan hệ với nông dân. “Thị trường thế giới đòi hỏi nông sản phải có tính ổn định về chất lượng và số lượng. Trong khi doanh nghiệp xuất khẩu phải đối đầu với thực trạng sản xuất trong nước không đảm bảo đáp ứng điều kiện đó. Nên họ đi ngược lại với nông dân”, TS Ngãi nhận định.

TS Ngô Văn Hải (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho rằng, để phát triển ngành nông nghiệp hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa cần phải có quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến, bảo quản. Nhà nước cần ban hành các chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, cụ thể như hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế đất, thuế giá trị gia tăng đối với các hoạt động thương mại nông sản…

Nông nghiệp muốn phát triển phụ thuộc rất lớn vào quy mô đất đai, công nghệ sản xuất, công nghiệp chế biến, thị trường. Nhưng với đất đai manh mún, công nghệ lạc hậu, công nghiệp chế biến yếu kém, thị trường không ổn định như hiện nay thì nông nghiệp khó mạnh. Ở một nước phát triển như Nhật Bản, nông dân cũng thuê đất của những hộ dân không còn người làm để sản xuất lớn. Cách làm rất hiệu quả. Có hộ sản xuất 50 ha chỉ với 3 lao động, sản phẩm bán ra ào ạt, có nhà máy tiêu thụ. “Chúng ta cũng làm vậy được. Bước đầu nông dân có thể cùng sản xuất, bước tiếp theo là góp vốn vào doanh nghiệp theo kiểu cổ phần. Đây là cách mà Báo Thanh Niên đã từng nêu với mô hình của ông Lê Hùng Mạnh”, TS Ngãi nói thêm.

“Mô hình ông Mạnh” là cách mà doanh nghiệp đầu tư sản xuất quy mô lớn dựa vào đất đai mà nông dân góp vào quy tính bằng giá trị cổ phần trong công ty mà loạt bài Mô hình sản xuất nào cho nông nghiệp? đã đề cập, đăng trên số báo ngày 15.12.2009.

Con đường tất yếu

Muốn có một nền nông nghiệp mạnh, cần phải xây dựng được vùng nguyên liệu rộng lớn và ổn định. Đây là con đường tất yếu của nông nghiệp VN nếu muốn xây dựng một nền nông nghiệp mạnh, bền vững, cải thiện đời sống cho người nông dân. Trên thực tế, việc xây dựng các vùng nguyên liệu có liên quan chặt chẽ tới việc xây dựng ngành công nghiệp chế biến, tới việc đưa nông sản lên sàn để hạn chế trường hợp người nông dân bị ép giá sau các vụ mùa. Nếu không có các vùng nguyên liệu tập trung, không thể nói đến ngành công nghiệp chế biến.

Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung. Theo TS Nguyễn Kế Tuấn, trường Đại học Kinh tế quốc dân, Chính phủ đã xác định chủ trương “xây dựng các cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu” song thực tế vẫn đang xảy ra tình trạng vùng nguyên liệu được xây dựng nhưng chưa có cơ sở chế biến, hoặc ngược lại cơ sở chế biến được xây dựng nhưng vùng nguyên liệu không đủ khả năng đáp ứng. “Trong quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch, cần phải nâng cao năng lực dự báo nhu cầu thị trường, kể cả dự báo trung hạn, dài hạn và ngắn hạn. Hướng vào hình thành những vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung tạo điều kiện ứng dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ vào sản xuất. Đây là điều kiện để hình thành các cơ sở chế biến nông sản tương ứng bảo đảm gắn giữa sản xuất với chế biến, cũng đồng thời là gắn giữa sản xuất nông sản với tiêu thụ nông sản”, TS Tuấn nhấn mạnh.

Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đó cũng là khát vọng lâu nay của nông dân và cả nhà máy chế biến. Nhưng để trở thành hiện thực, cần phải có những cú hích đột phá từ chính sách của Nhà nước, trước hết là hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các chính sách ưu đãi để huy động các nguồn vốn tập trung về nông thôn, phát triển vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến.  

N.Trần Tâm - Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.