Bauxite ở Việt Nam, về lý thuyết là an toàn

23/10/2010 00:35 GMT+7

Hôm qua, trao đổi với báo giới về lo ngại của dư luận sau sự cố tràn hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết:

- Tôi đã kiến nghị với Chính phủ thành lập một đoàn sang Hungary để khảo sát, tìm hiểu. Hiện nay, Đại sứ Hungary đã đồng ý là sẽ tạo điều kiện cho đoàn này đi nhưng chưa khẳng định về thời gian cụ thể.

* Sự cố của Hungary có khiến chúng ta giật mình?

- Chúng tôi không giật mình, công nghệ của Hungary khác hẳn công nghệ mà chúng ta sẽ làm. Tuy nhiên, qua sự việc Hungary, mình cũng phải xem xét lại hoạt động của mình. Hai khu xử lý bùn đỏ của Tân Rai và Nhân Cơ, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã xử lý rất cẩn thận, sang khảo sát mô hình bùn đỏ của Brazil và của Úc. Hai nước này đã trồng cây trên bùn đỏ 20 năm nay rồi, mô hình của ta là học tập theo mô hình của Brazil và Úc chứ không phải mô hình của Hungary.


Ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường -  Ảnh: N.Thắng

Theo đánh giá hiện nay về hai hồ bùn đỏ với tư cách Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường thì tôi khẳng định là an toàn. Tuy nhiên, vì chưa vận hành nên chỉ có thể khẳng định an toàn về mặt lý thuyết, về mặt chạy mô hình, học tập kinh nghiệm của nước ngoài. Qua thực tế của Hungary thì hệ số an toàn của Việt Nam cũng phải tiếp tục nghiên cứu để độ an toàn cao hơn.

Vì nước ta chưa có kinh nghiệm gì cả, chắc là sau khi đi khảo sát ở Hungary thì phải xem xét kỹ lại hai hồ bùn đỏ của Việt Nam.

* Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã tính đến yếu tố môi trường như thế nào, thưa ông?

- Dự án ở Tây Nguyên đã tính hết tất cả yếu tố. 30-50 triệu USD về môi trường đã tính hết rồi. Công nghệ đã được thẩm định hết sức cẩn thận, hội đồng quốc gia kể cả chuyên gia nước ngoài vào thẩm định. Còn liệu nó có xảy ra hay không thì làm sao biết được.

“Việc khai thác khoáng sản bán thô quá nhiều đang dẫn đến tình trạng cạn kiệt tài nguyên. Bauxite Tây Nguyên lần trước QH đã có ý kiến khá quyết liệt nhưng bây giờ thì cảnh báo nhãn tiền. Đồng chí Phạm Khôi Nguyên có giải trình là đập chứa bùn đỏ chịu được động đất lên tới 8 độ richter trở lên. Thế nhưng Hungary thì chẳng có động đất gì cả mà còn xảy ra thảm họa sự cố tràn hồ chứa bùn đỏ như vậy”.
ĐB Đặng Văn Khanh - Viện trưởng Viện KSND thành phố Hà Nội
Hệ số an toàn nâng lên 2 hệ số, đã tính thêm hệ số động đất ở khu này lên đến cấp 9 (bình thường là tính cấp 7). Ví dụ, Hungary làm cả một hồ lớn, đắp đê xung quanh, nhưng ở Tây Nguyên chúng tôi chia ra từng lô một, mỗi lô 5 ha, đổ đầy hết các lô này, bảo đảm an toàn rồi mới chia ra các lô khác. Đó là ví dụ về kỹ thuật.

* Ngay tại thời điểm này thì Bộ Tài nguyên - Môi trường có hoạt động gì tại hai nhà máy này để tăng cường mức độ an toàn theo đúng lý thuyết công nghệ mà ông nói?

- Chúng tôi đã thành lập một tổ giám sát từng ngày gồm Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Công thương, UBND các tỉnh và các cơ quan chức năng, giám sát 24/24 giờ. Nhật ký xây dựng các hồ bùn đỏ đó phải ghi vào giám sát hết. Có thể nói chưa bao giờ có một công trình nào lại thành lập một tổ giám sát quốc gia như vậy cả.

* Nhưng cũng có ý kiến nói rằng, chúng ta có thể thí điểm một nhà máy trước nếu thành công thì mới nên nhân rộng?

- Hai nhà máy đã xây dựng xong và chuẩn bị đi vào hoạt động. Trong khoa học không thí điểm như vậy được, quy mô thí điểm đã làm trước trong phòng thí nghiệm rồi.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh của QH Lê Quang Bình: "Bùn đỏ độc hại hơn cả dioxin"

“Mặc dù vấn đề bauxite đã có cấp thẩm quyền phê duyệt thực hiện, nhưng tôi vẫn phải nêu ý kiến, quan điểm để chúng ta cùng tham khảo. Trước hết là về công nghệ, trước đây chúng ta không làm được vì công nghệ chưa có hoặc chưa đáp ứng. Về sau thì xuất hiện tâm lý lo ngại vì ô nhiễm môi trường. Bởi, bùn đỏ từ khai thác bauxite còn nguy hại hơn cả chất độc dioxin. Đến khi sang nước bạn, họ nói rằng đã có công nghệ xử lý vấn đề độc hại, đảm bảo không gây hại tới môi trường, con người. Thế nhưng, thực tế là Trung Quốc có nhiều mỏ khai thác bauxite nhưng bây giờ họ đều đóng cửa và sang Việt Nam khai thác. Vậy thì chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao chứ?

Thứ hai, khi chúng tôi sang khảo sát ở CH Czech, Hungary, những nước có truyền thống về sản xuất nhôm, nhận thấy là địa điểm khai thác của họ đều ở những nơi có địa hình bằng phẳng, chứ không phải thế dốc như ở ta. Bây giờ đồng bằng mà còn nguy hiểm như vậy, nếu trong trường hợp của ta thì sẽ như thế nào?”.

T.Lương (ghi)

Tuệ Nguyễn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.