‘Bẫy’ thâu tóm từ nhà đầu tư ngoại - Kỳ 3: Sống nhờ gia công

21/05/2015 07:00 GMT+7

Sau khi gia nhập WTO, không ít thương hiệu Việt từng nổi đình nổi đám trước đó, chấp nhận rời chiếc ghế ông chủ, chuyển sang làm thuê, gia công cho các tập đoàn nước ngoài đang đổ bộ vào thị trường VN.

Sau khi gia nhập WTO, không ít thương hiệu Việt từng nổi đình nổi đám trước đó, chấp nhận rời chiếc ghế ông chủ, chuyển sang làm thuê, gia công cho các tập đoàn nước ngoài đang đổ bộ vào thị trường VN.

Nhiều doanh nghiệp Việt chọn giải pháp làm gia công để nuôi giấc mơ gầy dựng lại thương hiệu Nhiều doanh nghiệp Việt chọn giải pháp làm gia công để nuôi giấc mơ gầy dựng lại thương hiệu - Ảnh: Nguyên Nga

>> Kỳ 1: 'Bẫy' thâu tóm từ nhà đầu tư ngoại
>> Kỳ 2: Từ chối hợp tác là 'tuyên chiến'

Kết thúc câu chuyện về “nàng Dạ Lan”, ông Trịnh Thành Nhơn, chủ thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan đùa: “Được làm vua thua làm giặc”. Năm 2001, ông Nhơn chuyển sang đầu tư nhà máy sản xuất mì ăn liền, gia công cho một doanh nghiệp (DN) trong nước. Tuy nhiên, chỉ hơn một năm sau, ông quyết định thành lập Công ty hóa mỹ phẩm quốc tế (ICC), khôi phục lại thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan, xây dựng thêm những nhãn hàng hóa mỹ phẩm riêng và làm gia công nhiều sản phẩm bột giặt, nước xả vải... cho các công ty đa quốc gia khác.

Với các DN nội địa đang nuôi chiến lược gầy dựng và giữ thương hiệu Việt, theo các chuyên gia kinh tế, phải có sự hỗ trợ tích cực và thực tế từ Chính phủ từ các chính sách về tài chính, đất đai nhà xưởng, quan trọng nhất là tiếp thị sản phẩm ra ngoài, đặc biệt đối với khối DN vừa và nhỏ, nền tảng của nền kinh tế VN. Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhận định: “Khi khu vực DN nhà nước được thu gọn trước chính sách cổ phần hóa, nền kinh tế VN không thể phụ thuộc hoàn toàn vào khối FDI mà là lĩnh vực kinh tế tư. DN tư nhân sẽ là trụ cột quan trọng của nền kinh tế trong tương lai. Nên mọi chính sách hỗ trợ ưu đãi buộc phải tập trung ưu tiên vào khu vực này”.

Tìm đường thoát kiếp gia công

ICC được xây dựng với tham vọng làm ra những sản phẩm kem đánh răng, bột giặt, nước xả vải, dầu gội mang thương hiệu Việt, nhằm cạnh tranh trực tiếp với những sản phẩm cùng loại của các công ty đa quốc gia đang tràn ngập thị trường nội địa. 6 năm liền, công ty đã chi khoảng 10 triệu USD để thực hiện các chương trình quảng cáo tiếp thị những sản phẩm mới, trong đó có bột giặt Bay. Tuy nhiên, hàng loạt nhãn hàng bột giặt, nước xả vải của các công ty đa quốc gia Unilever và P&G đã chiếm gần 90% thị phần, một lần nữa, sản phẩm của ICC bị đánh bật khỏi thị trường, dạt về các vùng nông thôn với thị phần vô cùng khiêm tốn. Không cạnh tranh nổi, ICC tìm cửa sống bằng cách làm gia công cho chính đối thủ của mình.

Ông Nhơn cho biết: “Hiện ICC sống nhờ gia công một số sản phẩm của các công ty đa quốc gia, bên cạnh đó, chúng tôi vẫn kiên trì xây dựng dòng sản phẩm riêng mang thương hiệu Việt”. Tương tự ICC, Công ty bột giặt Lix (LIX) cũng chọn làm gia công cho các công ty nước ngoài và song song gầy dựng một thương hiệu hóa mỹ phẩm riêng. Những năm 1990, khi Unilever chưa vào VN, LIX từng là cái tên nổi đình nổi đám trên thị trường bột giặt nội địa. Tuy nhiên, đến năm 2000, LIX chấp nhận làm gia công cho các nhãn hàng bột giặt của Unilever và tiếp tục gia công các sản phẩm hóa mỹ phẩm riêng của hệ thống siêu thị Metro, Big C, Lotte, Co.op Mart...

Làm gia công và tiếp tục gầy dựng thương hiệu riêng cho mình là chiến lược mà LIX hay ICC đang thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Lương Vạn Vinh, chủ thương hiệu nước rửa chén Mỹ Hảo (đã được đề cập trong bài trước - PV), làm gia công vài năm, khi đối tác thay đổi, muốn quay lại thị trường rất khó vì tên tuổi của mình đã mất. Mỹ Hảo hiện cũng gia công nước rửa chén cho các hệ thống siêu thị tại VN.

Tập trung chính sách cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ

Làm gia công không xấu, chỉ “xấu” khi công sức của người Việt bỏ ra quá nhiều mà lợi nhuận thu về lại rơi vào túi nhà đầu tư ngoại. Vấn đề là làm thế nào để DN trong nước chống lại cuộc chiến “biến mất” này?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, các công ty đa quốc gia không chỉ có tài lực vững, chiến lược quản trị tốt mà họ luôn có những bước đi hết sức bài bản nếu có kế hoạch thôn tính hay hạ đối thủ. Thực tế cho thấy, nhiều DN trong nước đều có khả năng làm được hàng chất lượng cao khi làm gia công cho các thương hiệu ngoại. Theo chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, DN nội địa thường trường vốn yếu nên chính sách tiếp thị quảng cáo thường khó đi đường dài, chiến lược ngắn hạn, chính sách tiền tệ thiếu thực tế, DN khó tiếp cận vốn để đầu tư dẫn đến phá sản, bán DN. “Điều này phần lỗi không nhỏ thuộc về Chính phủ”, ông Thành nhấn mạnh.

“Trào lưu mua bán sáp nhập đang để lại những mối lo lớn. DN trong nước teo tóp đi và VN ngày càng thiếu những DN cỡ vừa và lớn để tham gia sân chơi kinh tế toàn cầu. Thứ nữa, DN trong nước đang rất đơn độc và tỏ ra yếu đuối ngay trên sân nhà. Nên nếu cứ để tình trạng này kéo dài, trong tương lai gần, tuy chúng ta vẫn thấy bề ngoài một thương hiệu Việt, máy móc công nghệ do người Việt vận hành, nguyên liệu trong nước nhưng mọi lợi nhuận thu được lại không phải của người VN”, bà Lan chia sẻ và cũng cảnh báo trước áp lực cổ phần hóa các DN lớn, nhất thiết cần có sự tính toán của nhà nước, tránh để DN phải bán mình với giá rẻ mạt hoặc bị biến mất bởi các đối tác ngoại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.