Bảy tư ơi, thương thương hạt lúa đất cằn

23/11/2020 08:00 GMT+7

Tôi về làng trong bóng chiều loang lổ. Hương lúa từ đám ruộng còn chưa gặt theo gió thoảng qua khiến lòng xốn xang khó tả, bao kỷ niệm ngày xưa chợt ùa về.

Túm lấy bông lúa đưa lên mũi hít hà trong khi thả hồn lang thang bất định, tuổi thơ vất vả khó nhọc nơi mảnh đất miền Trung cứ thế hiện lên như những thước phim quay chậm. Bất giác tôi nắm chặt bông lúa trên tay như sợ mùi hương bay mất. Được một lúc lại thẫn thờ buông nhành lúa nhỏ bởi chợt nhận ra rằng hương lúa cũng như ký ức, chỉ có thể cảm nhận mà chẳng thể nào níu giữ. Tôi lặng người mặc hương lúa theo gió bay đi bỏ lại tâm hồn đa cảm thổn thức giữa cánh đồng.
“Xa quê mới thật nhớ quê
Hồn đất gọi nắng bờ đê cuối làng”.
Đúng là chỉ những người xa quê mới cảm nhận sâu sắc nhất nỗi nhớ quê hương. Vậy mà thật lạ, tôi sống giữa lòng quê mà đôi lúc lại thấy nhớ đến cồn cào. Tôi nhớ lũy tre xanh uốn mình rũ xuống con đường che mát người làm đồng ngồi nghỉ, nhớ rừng dương nơi đồi cát trắng thuở xưa tôi cùng mạ chờ ba đi biển trở về, nhớ những buổi trưa chẳng chịu ngủ trốn mạ ra đồng bẫy chim cùng lũ bạn… Nhớ cả tuổi thơ nghèo khó, sau mùa lúa ở làng bên là tôi lại dang nắng đi mót lúa người ta gặt còn sót lại.
Lớn lên ở miền quê ven biển Quảng Trị, ruộng đồng bạc màu và nhiễm mặn nên ngày xưa chỉ trồng được vụ lúa nước giống gạo đỏ. Khoảng giữa tháng 5 âm lịch, ở những mảnh ruộng thấp, bà con bừa đất để gieo lúa. Trời nắng nóng ít có mưa nên hạt nảy mầm hạt không, cây lúa con dù còi cọc nhưng vẫn sống được, rồi đến “tháng bảy nước chảy tràn bờ”, lúa bật vươn lên mạnh mẽ rồi trổ đòng và chín trong tháng 8. Nhưng đây là thời điểm mưa lũ của miền Trung. Có khi lúa chín vàng đồng, cơn bão ập đến là mất trắng. Cũng có năm, lúa vừa gặt về là liên tiếp mưa lớn không phơi được, hạt lúa mọc mầm hết, mồ hôi, nước mắt lại trộn lẫn nước mưa thành vị mặn chát trên khuôn mặt người nông dân nghèo.
Sau này có giống lúa Khang Dân chịu được hạn, mặn, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của quê, nhiều người chuyển qua giống lúa này trồng trên những đám ruộng vụ xuân hè. Tuy nhiên, vì không có hệ thống thủy lợi nên vụ mùa phụ thuộc vào trời. Năm nào mưa thuận gió hòa thì còn được, chứ gặp năm trời hạn thì khô khốc, cây đang độ xuân thì lại vàng cháy, chẳng nứt đòng được, hạt lúa thiếu sữa xẹp lép, mười hạt chỉ được một. Rồi những năm gió Lào thổi sớm, cây đang trổ hoa chưa kịp kết hạt thì gió thổi bay hết phấn. Có cô bé học sinh trong một lần về quê tôi chụp ảnh kỷ niệm đã thốt lên: “Ôi lúa ở đây lạ thiệt, toàn hạt xép, ri thì trồng chi cho cực”. Tôi ngậm ngùi: “Ừ thì hạt lúa đất cằn mà, bỏ thì thương, vương thì nặng. Mà sức sống của lúa ở đây thật đáng để con người học tập”.
 
Đất không đủ nuôi người, nhiều nhà bỏ nông chuyển hẳn sang biển hoặc xa quê mưu sinh. Nhưng vẫn còn nhiều người nặng lòng với lúa, tiếp tục gắn bó với ruộng đồng rơm rạ. Mất nhiều hơn được, vậy mà mỗi vụ mưa thuận gió hòa, bà con lại sẻ chia cho hàng xóm lon gạo cơm mới mừng nhau. Người làm biển thì khi có con cá lại sớt chia cho nhà bên cạnh không đi biển. Dân quê tôi là vậy, vất vả khó khăn nhưng thấm đẫm nghĩa tình.
Gần đây, vùng cát trắng ven biển quê tôi bỗng nhiên có giá. Chỗ thì đã xây dựng khu kinh tế, chỗ được quy hoạch làm du lịch. Các tập đoàn lớn nhỏ đổ xô mua đất xây resort, khu nghỉ dưỡng, những cánh đồng trồng khoai, lúa dần dần hẹp lại và biến mất. Tôi tiếc. Một anh đồng nghiệp động viên: “Thôi, đất đai bạc màu vậy chuyển đổi làm du lịch cho địa phương có ngân sách hơn”. Tôi thầm công nhận anh đúng, đã đến lúc hạt lúa củ khoai đã hoàn thành sứ mệnh của mình nhưng lòng cứ bâng khuâng bởi những kỷ niệm của tôi với đồng ruộng, với mảnh đất nghèo này quá lớn. Rồi đây, không còn những nương khoai, ruộng lúa, không còn nghe tiếng chim chiền chiện bay lên từ bụi cỏ giữa đồng hót hoài khi có ai đó đi tới. Không còn những ngày mùa nhìn đám trẻ con lăn lộn chơi đùa trên những đám ruộng còn gốc rạ, không còn được ngắm những đàn bò gặm cỏ nhẩn nha.
Sau này, lũ trẻ chắc chắn sẽ không còn những trò chơi, những gắn bó như thuở chúng tôi đã từng có với đồng làng. Trong miên man hồi tưởng, tôi đã cắt nghĩa được nỗi nhớ quê trong lòng bấy lâu. Cảm giác gọi là nhớ quê thật ra là nỗi nhớ tuổi thơ, nhớ những ký ức đẹp mà lũ chúng tôi cùng lớn lên với cánh đồng làng, nhớ thương cây lúa cây khoai chắt chiu từng giọt nắng, hạt mưa trên vùng đất cát trắng để nuôi lớn chúng tôi từ những ngày cơ cực. Ánh chiều vàng vọt chảy dài trên cánh đồng cũng vàng vọt, tôi nghĩ về ngày mai và tự nhiên thấy thương hạt lúa đất cằn đến lạ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.